Dự án đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn với số vốn đầu tư 1.607 tỉ đồng đã đi vào vận hành đầu tháng 2 vừa qua. Bảy dự án còn lại, từ hơn 5.000 tỉ đồng đến hơn 14.000 tỉ đồng gấp rút được thi công suốt 2 năm qua, hoàn toàn từ vốn ngân sách cũng sắp đi vào hoạt động trong thời gian từ 4 tháng đến 1 năm tới.

Cùng đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc -Nam giai đoạn II cũng sắp được triển khai. Thế nhưng, đến nay bài toán hoàn vốn với các dự án đầu tư công vẫn chưa thể thống nhất.

“Nhùng nhằng” phương án thu hồi vốn

Tại thời điểm ngày 3/12/2021, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có Công văn số 12902/BGTVT - TC đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến về phương án thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, phía Đông do Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất.

Dự án đầu tư công tuyến cao tốc Bắc-Nam: Sức ép thu hồi vốn “nóng” từng ngày -0

Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn II (2021-2025) sẽ được triển khai với tổng chiều dài 729km từ Bãi Vọt đến Cà Mau.

Tại văn bản này, Bộ GTVT mong muốn Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội/Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết chấp thuận bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá vào Luật Giá và giao thẩm quyền Chính phủ quyết định việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc để thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư đối với các đoạn cao tốc được đầu tư toàn bộ bằng ngân sách nhà nước trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Lộ trình đặt ra là, sau khi được Quốc hội/Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc Bộ GTVT triển khai các thủ tục và thực hiện đầu tư bổ sung hạ tầng thu phí, trang thiết bị, hệ thống phần mềm thu phí... trên các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư 100% vốn.

Trong trường hợp nguồn kinh phí dự án đầu tư công không còn, cho phép sử dụng nguồn thu phí để hoàn trả kinh phí đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm... thu phí. Để việc thu phí có đủ cơ sở pháp lý để triển khai, Thủ tướng sẽ giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để tổ chức thực hiện (phương pháp xác định mức thu; chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu và giao Bộ GTVT lập Đề án Khai thác, quản lý các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai.

Điều đáng nói là, ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 1054/BTC - QLG ngày 28/1/2022 để phúc đáp.Tại Công văn 1054, Bộ Tài chính lại đề nghị Bộ GTVT có ý kiến chính thức về phương án cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Cũng tại Công văn số 1054, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất các phương án để thu hồi vốn đầu tư như: Đấu giá quyền thu phí; đầu tư công, quản trị tư theo Luật PPP để lựa chọn phương án hiệu quả. Đây chính là một trong những điểm còn chưa đạt được sự đồng thuận giữa Bộ Tài chính và Tổng cục Đường bộ Việt Nam liên quan đến phương thức triển khai thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư 100% vốn.

Nên thu phí và sớm chốt phương án để tránh lãng phí nguồn lực

Được biết, tại Tờ trình số 160/TTr - TCĐBVN ngày 30/11/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đề xuất 1 phương thức tổ chức quản lý, khai thác, vận hành duy nhất là cơ quan quản lý nhà nước (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí (căn cứ trên định mức chi tổ chức thu phí được cấp có thẩm quyền ban hành) để tổ chức thu. Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm giám sát công tác thu phí. Với mức thu phí dự kiến từ 1.000 đến 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km, số phí thu được (sau khi trừ các khoản chi tổ chức thu phí) được nộp vào ngân sách nhà nước.

Một số chuyên gia có kinh nghiệm cho rằng, với đề xuất này của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ, quá trình vận hành khai thác các tuyến cao tốc Bắc - Nam sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bị phân mảnh thành nhiều công đoạn: Bảo trì - một đơn vị và thu phí lại là một đơn vị khác. Sự phân tách này là đi ngược với yêu cầu vận hành thống nhất, tập trung trong quá trình khai thác một tuyến cao tốc.

Ngược lại, liên quan đến phương án thực hiện chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác cho doanh nghiệp - phương án được Bộ Tài chính từng đề xuất hồi tháng 10/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, điều kiện để thực hiện chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản đó đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng. Trong khi đó, các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều là các dự án mới đầu tư, việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật cần triển khai các thủ tục lập dự án mới, gắn với việc nâng cấp mở rộng là hết sức phức tạp.

Vẫn theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam là các dự án khó xây dựng được phương án hoàn vốn khả thi khi đầu tư theo phương thức PPP. Do đó, việc thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng trên các tuyến cao tốc này cũng sẽ khó xây dựng được phương án hoàn vốn khả thi cho nhà đầu tư.

Mặt khác, các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều là các tuyến mới, các số liệu doanh thu và chi phí đều mang tính dự báo dẫn đến việc khó xác định giá khởi điểm để đấu giá (đấu thầu) lựa chọn nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền khai thác (bao gồm thu phí và vận hành bảo trì). Đồng thời, nhà đầu tư cũng khó tiếp cận, đánh giá dự án dẫn đến việc chuyển nhượng quyền khai thác kém hấp dẫn người mua nên không có cơ sở để đề xuất phương án này.

Để giải tỏa sự “nhùng nhằng” giữa các phương án nói trên, mới đây ngày 14/2/2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tiếp tục ký văn bản gửi Bộ Tài chính về phương án thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư và các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc-Nam, phía Đông.

Lần này, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định một số nội dung như: Bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào Danh mục hàng hoá; dịch vụ do nhà nước định giá vào Luật Giá. Hình thức định giá: Giá cụ thể. Đồng thời giao thẩm quyền Chính phủ quyết định việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc để thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư đối với các đoạn cao tốc được đầu tư toàn bộ bằng ngân sách nhà nước trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Ủng hộ việc tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống đường cao tốc, theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, những công trình Nhà nước đầu tư, đặc biệt là những công trình đầu tư nhằm nâng cấp hạ tầng giao thông tốt hơn, hiện đại hơn so với các phương án giao thông song hành (quốc lộ) thì nên thu phí. Nếu không sớm chốt được phương án thu hồi vốn, 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng 100% vốn đầu tư công, trong đó có đoạn Cao Bồ - Mai Sơn sẽ gây lãng phí nguồn lực lớn của Nhà nước.

Đặng Nhật

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ triển khai thế nào? Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ triển khai thế nào?
Thủ tướng quyết định chỉ định thầu xây lắp 12 dự án cao tốc Bắc-Nam Thủ tướng quyết định chỉ định thầu xây lắp 12 dự án cao tốc Bắc-Nam

/ cand.com.vn