Theo dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh, Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư trụ sạc trên vỉa hè, khuyến khích lắp trạm nạp hydrogen, nhiên liệu sạch.

Sở Xây dựng Hà Nội đang lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan góp ý cho dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh và phát triển hệ thống trạm sạc trên địa bàn thành phố.

Theo dự thảo, các dự án đầu tư hạ tầng trạm sạc công cộng sẽ được ngân sách hỗ trợ 70% lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu. Dự án bến xe, bãi đỗ có từ 30% chỗ đỗ gắn trụ sạc được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng; 100% tiền thuê đất trong 5 năm đầu.

Hà Nội cũng sẽ ưu tiên đầu tư trụ sạc trên vỉa hè, khuyến khích lắp trạm nạp hydrogen, nhiên liệu sạch.

Thành phố khuyến khích mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng giao thông năng lượng sạch qua hình thức PPP (đối tác công – tư). Các nhà đầu tư này sẽ được ưu tiên giao đất và hỗ trợ 100% tiền thuê đất tại các vị trí quy hoạch đến hết năm 2033.

Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư trụ sạc trên vỉa hè, khuyến khích lắp trạm nạp hydrogen, nhiên liệu sạch.

Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư trụ sạc trên vỉa hè, khuyến khích lắp trạm nạp hydrogen, nhiên liệu sạch.

Thành phố cũng cam kết đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, kỹ thuật để kết nối hiệu quả với các dự án trạm năng lượng sạch. Song song với các chính sách nêu trên, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ bổ sung các quy trình, thủ tục cụ thể để các đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, tránh tình trạng chính sách ban hành ra nhưng không được thực hiện hiệu quả.

Sau khi Nghị quyết được HĐND thành phố ban hành, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch chi tiết phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan liên quan để triển khai các chính sách, bao gồm: Chính sách tài chính, phí – lệ phí; Quản lý và loại bỏ phương tiện cũ; Giám sát, xử lý vi phạm và chính sách hỗ trợ phát triển và khuyến khích đầu tư trạm sạc.

Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng, Hà Nội không chỉ tập trung vào xe máy mà đang xây dựng đề án chuyển đổi toàn bộ các loại phương tiện (xe buýt, taxi, xe rác, xe ba bánh...) sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, phù hợp với đặc thù từng loại hình vận tải.

Trong lĩnh vực taxi, hiện thành phố có 65 đơn vị với 18.612 xe. Tính đến 6/2025, đã có 8.831 xe taxi điện, chiếm 47,4% tổng số taxi đang hoạt động. Có 23 đơn vị đăng ký kế hoạch chuyển đổi 100% taxi điện trước năm 2030.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành cơ chế hỗ trợ cụ thể như ưu đãi tín dụng, miễn, giảm thuế, trợ giá trực tiếp phương tiện điện.

Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển mạng lưới trạm sạc tại khu dân cư đông đúc; bến xe, điểm đầu cuối; trung tâm thương mại; trục giao thông chính.

Thành phố sẽ tổ chức khảo sát, lựa chọn vị trí lắp đặt trạm sạc thí điểm đảm bảo kỹ thuật và kết nối, đồng thời cho phép sử dụng linh hoạt các loại đất phù hợp như đất công, đất giao thông, hành lang kỹ thuật; ban hành thủ tục rút gọn cho cấp phép xây dựng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất;

Hà Nội cũng cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hành lang pháp lý rõ ràng, giá điện hợp lý, bảo vệ tài sản và kết nối hiệu quả giữa các nhà sản xuất xe điện – thiết bị sạc – nhà đầu tư hạ tầng, hướng đến nội địa hóa thiết bị và giảm chi phí đầu tư.

Minh Tuệ / VTC News