Không chỉ có 12 đại dự án của ngành Công thương, các dự án của ngành giao thông cũng cần được rà soát, đánh giá toàn diện
Liên quan tới Dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long triển khai 15 năm nhưng đang dừng thi công gây nhiều hệ lụy, ngày 12/8, trao đổi với báo Đất Việt ông Lê Quý Tiên - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương cho biết, đây là dự án trực thuộc Bộ GTVT quản lý nhưng chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương.
| |
Dự án đường sắt nghìn tỉ đang phải tạm dừng. Ảnh: TTO |
Dự án được khởi công từ tháng 5/2005, chiều dài 131 km, với tổng mức đầu tư 7.663 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng tới nay vẫn ì ạch, gây khó cho địa phương.
"Dự án đã được giải phóng mặt bằng xong nhưng tới nay cũng không biết có thực hiện tiếp hay đã dừng khiến việc quy hoạch của địa phương gặp rất nhiều khó khăn", ông Tiên nói.
Ông Tiên cho biết, tại buổi làm việc với địa phương trước đó, Bộ GTVT cũng cho biết sẽ rà soát lại để có hướng giải quyết.
Làm rõ trách nhiệm
Bình luận thêm GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, ngay từ đầu việc tính toán đầu tư dự án đã không toàn diện, thiếu tính đồng bộ.
Trong khi tất cả các tuyến đường sắt Việt Nam đang có có khổ 1m thì riêng dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được khởi công với tốc độ thiết kế 120 km/giờ, khổ đường 1,435 m, theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo vị chuyên gia đây là bất cập rất lớn.
"Dự án một mình một khổ, không có sự kết nối đồng bộ. Các doanh nghiệp vận tải nếu sử dụng tuyến đường sắt này thì khi đến Hà Nội lại phải chuyển hàng sang tàu khác khổ 1 m khiến mất thời gian và chi phí cao hơn so với đi ôtô, không hiệu quả", GS Đặng Đình Đào phân tích.
Bên cạnh đó, tình trạng hàng chục tấn vật liệu, thanh ray, tà vẹt, bu lông, ốc vít... được nhập từ Trung Quốc về nằm chất đống ở ga Đông Triều (Quảng Ninh) từ nhiều năm nay khiến người dân nhìn cũng xót.
"Đề nghị của địa phương là hợp lý, dự án đã triển khai, vật liệu mua về chất đống, lãng phí. Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về việc này. Không thể tiếp tục để tình trạng dự án "chết" nằm kéo dài trên địa phương gây khó khăn, cản trở cho sự phát triển của địa phương được.
Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của dự án và phải chịu trách nhiệm với số tiền lớn mua vật liệu về đắp đống", GS Đặng Đình Đào thẳng thắn.
Theo vị GS, dự án còn kết nối trục kinh tế trọng điểm, là động lực phát triển của vùng kinh tế phía Bắc nhưng lại để một dự án không ra dự án như vậy là không ổn.
"Kể cả dự án Hà Nội - Lào Cai cũng vậy, dù đổ vào đó cả nghìn tỉ nhưng cuối cùng hiệu quả khai thác cũng rất kém.
Điều này cho thấy, vấn đề của ngành đường sắt không chỉ có một dự án đắp chiếu mà rất nhiều dự án đang khai thác, vận hành cũng rơi vào tình trạng yếu kém toàn diện.
Có lẽ đã đến lúc phải có một kế hoạch rà soát, đánh giá lại toàn diện các dự án đầu tư của ngành đường sắt cũng như các dự án nghìn tỉ của ngành giao thông.
Không chỉ có 12 đại dự án của ngành Công thương, các dự án của ngành giao thông cũng cần được rà soát, đánh giá lại như vậy", GS Đặng Đình Đào nêu quan điểm.
"Bộ GTVT nói đã kiến nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu, kêu gọi để tiếp tục đầu tư theo hình thức xã hội hóa hoặc khi ngân sách bố trí được vốn... Bộ GTVT cần có trả lời cụ thể hơn.Như vậy, yêu cầu trước hết theo vị chuyên gia là phải làm rõ nguyên nhân dự án bị tạm dừng? Quá trình xây dựng chủ trương, thiết kế dự án, triển khai dự án được thực hiện như thế nào? Vướng mắc nằm ở đâu? Làm rõ trách nhiệm ở khâu này rồi mới tính tới các bước xử lý tiếp theo.
Đây là trách nhiệm của Bộ GTVT, không thể trả lời kiểu thờ ơ, như không phải việc của mình được", GS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
Về hướng xử lý dự án, vị GS nhấn mạnh, dự án không thể dừng nhưng cũng không thể tiếp tục làm một cách à uôm, mù mịt, không rõ ngày về đích.
Tiếp theo là hướng xử lý theo hình thức kêu gọi xã hội hóa là xã hội hóa kiểu gì? Kêu gọi nguồn vốn từ nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài? Có chuyện kêu gọi đầu tư rồi thu tiền BOT đường sắt không? Phải trả lời rõ ràng cho người dân.
Rồi câu chuyện giải quyết hậu quả của việc hàng nghìn tỉ ngân sách đã đổ vào dự án, mua vật liệu đắp đống như thế nào? Điều này cũng phải nói rõ
Theo vị chuyên gia, kể cả câu chuyện kết nối, tính toán toàn diện với các dự án khác cho thống nhất, đồng bộ, đồng khổ cũng cần xem xét. Không thể có kiểu tuyến thì khổ 1 m, tuyến lại khổ 1,435m được. Hơn nữa, đường chỉ vận chuyển 1 chiều mà nâng khổ theo tiêu chuẩn quốc tế là rất lãng phí.
"Việc này phụ thuộc vào tiềm năng vận chuyển hàng hóa, hành khác trên tuyến đường này. Nếu làm như vậy thì đây sẽ là một cuộc rà soát toàn diện, phải làm lại từ đầu ngay từ khâu thiết kế dự án. Rõ ràng ngay từ khâu thiết kế dự án đã cho thấy có vấn đề không ổn. Nếu không tính toán chặt chẽ dự án sẽ là thất bại của ngành đường sắt", GS Đặng Đình Đào nêu quan điểm.