'Bất kỳ ai khi nhìn vào đều có một cảm nhận chung là việc thực hiện dự án này đã được triển khai một cách quá tùy tiện, tùy hứng...'
Dự án nạo vét sông Sào Khê và câu chuyện nở vốn tới 36 lần khiến các ĐBQH và dư luận hết sức ngạc nhiên, giật mình, khó tin vào tốc độ tăng vốn thần tốc của một dự án nạo vét cát bình thường.
Còn TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì cho rằng, chuyện “nở vốn” của Sào Khê không phải là cá biệt, thậm chí còn là phổ biến trong đầu tư công.
Có tùy tiện, tùy hứng không?
PV: Thưa ông, dự án nạo vét sông Sào Khê ở Ninh Bình bị đội vốn từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng (tăng 36 lần) khiến dư luận băn khoăn, ĐBQH giật mình, đề nghị phải thanh tra. Có ĐBQH ví von cả thế giới khó tìm được loại bột nở nào nở nhanh, nở nhiều như "nở vốn" ở dự án này. Ông bình luận như thế nào về thông tin trên? Đối với một dự án nạo vét cát, việc đội vốn như vậy có hợp lý không và vì sao?
TS Lê Đăng Doanh: Đầu tiên tôi khẳng định, một dự án mà đội vốn lên nhiều lần như vậy là hoàn toàn không bình thường và cần phải tiến hành thanh tra, xem xét lại.
Tiếp theo, tôi cho rằng, việc điều chỉnh tăng tổng vốn lên rất nhiều lần (tăng tới 36 lần) và liên tục điều chỉnh, mở rộng quy mô dự án đã chứng tỏ bản thân chủ đầu tư cũng không xác định rõ được mục đích đầu tư hoặc chủ đầu tư đã có dự tính khác song song với việc thực hiện dự án nạo vét sông Sào Khê như đã đề xuất.
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Tuy nhiên, dù tính toán thế nào, tôi cũng cho rằng, đối với dự án này, chủ đầu tư đã không chuẩn bị tốt ngay ở giai đoạn tiền khả thi. Đây là giai đoạn rất quan trọng, là bước đệm để thực hiện các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo.
Sở dĩ nói đây là giai đoạn quan trọng vì liên quan tới khâu chuẩn bị dự án, chủ đầu tư phải thực hiện các bước khảo sát, phân tích, bóc tách các số liệu... Việc này giúp chủ đầu tư trả lời được câu hỏi: với chi phí như vậy có nên tiếp tục thực hiện dự án không và liệu chủ đầu tư có được lợi không? Khi đó, cả những yếu tố có thể tác động tới sự thay đổi quy mô, nguồn vốn của dự án cũng phải được đánh giá, cân nhắc rất cẩn thận.
Trở lại dự án nạo vét sông Sào Khê ở Ninh Bình, muốn bảo đảm tính khả thi cho dự án, chủ đầu tư sẽ phải thực hiện các bước thăm dò lòng sông, thăm dò bờ sông, đáy sông, kể cả phải nghiên cứu, đánh giá các tác động của dòng chảy tới quá trình thực hiện dự án nếu có.
Tuy nhiên, qua các thông tin trình bày của Ninh Bình, rồi cả phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), có thể thấy, mục tiêu ban đầu của dự án chỉ là nạo vét lòng sông để phục vụ nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện, dự án lại được mở rộng ra với các lý do như có liên quan tới khu vực cố đô Hoa Lư, bến sông Sào Khê ngày xưa là nơi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô Hoa Lư ra Thăng Long; hay sông Sào Khê chảy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình.
Vì đây là vùng trọng điểm du lịch, nên dự án được điều chỉnh theo hướng vừa phục vụ nông nghiệp, vừa tôn tạo cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng để Tràng An được công nhận di sản thế giới và phục vụ giao thông thủy, du lịch...
Tức là, dự án liên tục được mở rộng ra, còn chủ đầu tư cũng luôn phải thay đổi chủ kiến, cũng như mục tiêu ban đầu. Câu hỏi đặt ra là, sau mỗi lần thay đổi như vậy, chủ đầu tư có thực hiện các bước nghiên cứu tiền khả thi để loại bỏ các yếu tố bấp bênh tác động tới dự án như gây tốn kém kinh phí, kéo dài thời gian thực hiện dự án... hay không? Điều này lại chưa rõ ràng.
Vì vậy, bất kỳ ai khi nhìn vào đều có một cảm nhận chung là việc thực hiện dự án này đã được triển khai một cách quá tùy tiện, tùy hứng, không phải là cách tiếp cận khoa học nếu đứng trên phương diện của một người tự móc tiền túi ra mang đi đầu tư.
Vì thế, việc ĐBQH yêu cầu phải thực hiện thanh tra dự án này là dễ hiểu và tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của các ĐBQH. Rõ ràng, những băn khoăn, khuất tất trong dự án cần phải được làm rõ để tránh một gương xấu trong xã hội, tránh tình trạng vỗ ngực ra oai rằng "chỉ một dự án nhỏ nhưng tôi có thể biến nó thành một dự án rất lớn, lớn hơn tới 36 lần".
Riêng tôi, mong muốn các cơ quan chức năng xem đây là dự án điển hình cần xử lý điểm, xử lý thật nghiêm để làm gương. Chúng ta không cho phép bất kỳ một trường hợp nào tương tự lặp lại như vậy nữa. Một dự án như Sào Khê đã là quá đủ, quá đáng và không thể chấp nhận được rồi.
PV: Giải thích về việc này cả đại diện Bộ KHĐT và phía Ninh Bình đều cho rằng, dự án đội vốn là do thay đổi về mục tiêu, nhiệm vụ, cũng như quy mô của dự án. Quá trình thực hiện kéo dài rất lâu và trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã có rất nhiều đoàn thanh tra kiểm tra như Thanh tra Bộ Tài chính (2005), Thanh tra Chính phủ (2012), Kiểm toán Nhà nước (2017). Đại diện Ninh Bình còn giải thích, nguyên nhân đội vốn là vì dự án chạy qua nơi vua ở và chạy qua lõi di sản Tràng An nên phải điều chỉnh các mục tiêu, hạng mục...
Thưa ông, những giải thích nói trên đã hợp tình, hợp lý chưa? Dù chưa xác định được các yếu tố tiêu cực, việc làm trên có nên khuyến khích không và vì sao?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi đồng ý, dù chưa thể khẳng định có yếu tố tiêu cực, song rõ ràng với một dự án bình thường, với một mối quan hệ xã hội bình thường, không có người chống lưng, chắc chắn không thể tăng vốn 36 lần mà không vấp phải phản ứng hay cản trở nào từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này rất kỳ lạ, buộc dư luận phải đặt nghi vấn. Tôi và dư luận rất muốn được biết, có thật là xảy ra chuyện đó không.
Tới đây, tôi càng muốn làm rõ, chủ đầu tư có thực hiện giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi không. Nếu bỏ qua bước này và đi vào thực hiện dự án ngay, nghĩa là họ đã làm sai quy trình, bỏ qua một bước đánh giá rất quan trọng, không thể thiếu trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào dự án.
Ngược lại, nếu đã thực hiện tiền khả thi rồi mà vẫn để dự án liên tục đội vốn, thay đổi quy mô, thì lại chứng tỏ mục đích của chủ đầu tư không rõ hoặc dự án nạo vét sông chỉ là cái cớ để chủ đầu tư thực hiệc các mục tiêu khác. Vấn đề này rất cần phải được làm rõ.
Không truy rõ trách nhiệm, còn nhiều Cát Linh - Hà Đông "phẩy"
PV: Nhiều người đặt câu hỏi, có tình trạng phê duyệt dự án đầu tư khi chủ trương đầu tư chưa được phê duyệt, chưa đủ thủ tục, không phù hợp với quy hoạch vùng, hoặc trùng lắp với dự án khác đã được phê duyệt... nhằm điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng lên nhiều lần với giá trị lớn? Và trường hợp Sào Khê có phải là cá biệt? Ông chia sẻ ở mức độ nào với những nghi ngại trên?
TS Lê Đăng Doanh: Đó là những vấn đề ai cũng nhìn thấy. Hiện tượng phê duyệt dự án đầu tư khi chủ trương đầu tư chưa được phê duyệt, chưa đủ thủ tục, không phù hợp với quy hoạch vùng, hoặc trùng lắp với dự án khác đã được phê duyệt... nhằm điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng lên nhiều lần với giá trị lớn đã không còn ngạc nhiên.
Trường hợp Sào Khê cũng không phải là cá biệt trong đầu tư công nữa. Thậm chí, ngay cả khi dự án được thực hiện theo cơ chế đấu thầu thì trong quá trình thực hiện đấu thầu vẫn luôn tồn tại hiện tượng quân xanh, quân đỏ để loại bỏ các nhà đầu tư không thuộc nhóm lợi ích, bằng mọi cách nắm cho được dự án, sau đó lại tìm cách tăng vốn, đẩy vốn lên cao nhằm trục lợi.
Tôi cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần tham khảo cách làm của các nước tiên tiến, tức là phải hỏi ý kiến của dư luận, của người dân trước khi thực hiện dự án. Tôi đã đi rất nhiều nước, nghiên cứu nhiều cách làm khác nhau, hầu hết khi thực hiện dự án, chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư đều mời các chuyên gia độc lập, các hội đồng giám định và người dân có liên quan tại khu vực thực hiện dự án tham gia phát biểu thảo luận, góp ý công khai cho dự án.
Cuối buổi thảo luận, các bên đều phải ký vào bản cam kết trách nhiệm, kể cả các chuyên gia phản biện và người dân cũng đều phải chịu trách nhiệm khi đưa ra quyết định ủng hộ hay phản đối thực hiện dự án đó.
Trong quá trình thực hiện dự án, nếu dự án nảy sinh những sai sót thuộc phạm vi nào, người chịu trách nhiệm quản lý phạm vi đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Tôi ví dụ, nếu sai về tài chính thì phải chịu trách nhiệm đền bù, nếu sai về mặt hành chính thì sẽ phải xử lý theo hành chính, kể cả việc phải chịu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra sai sót nghiêm trọng.
Ở Việt Nam, việc thực hiện các dự án cũng cần phải mở rộng diện người dân tham gia cùng với các hội đồng chuyên gia giám sát độc lập để đánh giá, giám sát các dự án đó. Không thể để dự án là "báu vật" riêng của nội bộ nhóm lợi ích, của nhóm quân xanh, quân đỏ tự bày vẽ, nhào nặn dự án thế nào cũng được. Điều này phải thay đổi và bắt buộc phải thực hiện.
PV: Trên thực tế, ở Ninh Bình không chỉ có mình dự án nạo vét sông Sào Khê bị đội vốn mà còn tới gần chục dự án khác cũng bị đội vốn lên nhiều lần. Nhìn rộng ra, có thể thấy hầu hết các dự án ở Việt Nam đều bị đội vốn, điển hình như dự án Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), các tuyến Metro (TP.HCM)... Điều này chứng tỏ vấn đề gì trong thực hiện dự án tại Việt Nam, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Trong Luật Đấu thầu của Việt Nam có quy định cho phép nhà thầu đưa ra giá thầu thấp nhất sẽ được chấm điểm cao nhất khi tham gia bỏ thầu. Đây là kẽ hở. Nhiều nhà đầu tư đã nắm được thóp và dùng các chiêu trò như bỏ thầu rất thấp để loại bỏ những nhà thầu nghiêm túc, muốn làm ăn đàng hoàng ra khỏi cuộc chơi.
Khi đã có được dự án, họ mới tìm cách nâng vốn dự án lên gấp nhiều lần. Tôi cho rằng, đây là một quy định không còn phù hợp với bối cảnh thu hút đầu tư hiện nay và cần phải được sửa đổi theo hướng coi trọng chất lượng và hiệu quả, chứ không phải chỉ có yếu tố giá rẻ nữa. Giá rẻ không phải là lợi thế duy nhất.
Cùng với đó, cũng cần bổ sung thêm các quy định ràng buộc về mục tiêu tiến độ, về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng công trình... đối với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, vấn đề trách nhiệm cũng phải được quy định, nói rõ trong hợp đồng thực hiện dự án để khi thực hiện dự án, nếu xảy ra sai sót, nhìn vào hợp đồng, chúng ta có thể trả lời được ngay đó là lỗi của ai, ai phải chịu trách nhiệm, và sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào.
Chắc chắn không thể cứ kéo dài mãi như hiện tượng dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Metro TP.HCM, cứ đội vốn, xin hoãn rồi lại kéo dài dự án tạo ra gánh nặng nợ quá lớn cho xã hội, cho ngân sách.
Ảo thuật dự án biến con chuột thành…con voi Chẳng lẽ dư luận buộc phải quen những dự án kiểu Sào Khê, dù đó thật sự là những dự án gây thất thoát, lãng ... |
Yêu cầu tỉnh Ninh Bình báo cáo dự án kênh 72 tỷ đội vốn lên 2.600 tỷ "Bộ KH&ĐT đã yêu cầu tỉnh Ninh Bình báo cáo chi tiết, đầy đủ về dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn tới ... |
Dự án Sào Khê từ 72 tỷ “vọt” lên 2.595 tỷ đồng: Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nói gì? Chiều 21.5, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc trình bày tại Quốc hội báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà ... |