Theo giới phân tích, trong năm 2020, Syria sẽ vẫn là một điểm nóng khu vực Trung Đông do Israel tiếp tục tấn công các căn cứ của Iran tại đây.
Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai gần thị trấn biên giới Ras al-Ain, tỉnh Hassakeh (Syria). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bài viết mới đây trên trang mạng gulfnews nhận định nếu năm 2019 được đánh dấu bằng hàng loạt cuộc biểu tình quần chúng lớn tại Trung Đông thì năm 2020 tình hình hỗn loạn và bất ổn chính trị ở khu vực này vẫn không có xu hướng lắng dịu.
Tại Syria, hy vọng về một thỏa thuận cho tất cả các bên ở quốc gia Trung Đông này thông qua hiến pháp mới đã nhạt phai nhanh chóng.
Giới phân tích dự đoán khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể từ bỏ Idlib trong khi tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này tại Đông Bắc Syria nhằm đẩy lui lực lượng Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
Cũng theo giới phân tích, trong năm 2020, Syria sẽ vẫn là một điểm nóng khu vực do Israel tiếp tục tấn công các căn cứ của Iran tại đây.
Trong khi đó, việc Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện mang tính biểu tượng ở các mỏ dầu phía Đông Syria làm dấy lên quan ngại rằng điều này có thể trao quyền cho cộng đồng các tay súng người Kurd ly khai ở khu vực này.
Tại Libya, tình trạng đất nước bị chia cắt bởi chiến tranh vẫn chưa được tháo gỡ. Quốc gia này đang trở thành điểm nóng chính sau thỏa thuận gây tranh cãi gần đây giữa chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) tại Tripoli và Thổ Nhĩ Kỳ.
Binh sỹ Mỹ di chuyển tại thị trấn Qahtaniyah (Syria), giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Do lực lượng quân đội quốc gia Libya, đứng đầu là tướng về hưu Khalifa Haftar, tiếp tục hướng về thủ đô, các cường quốc thế giới và khu vực đang bị chia rẽ giữa sự ủng hộ chính phủ đồng thuận quốc gia và lực lượng ủng hộ tướng Haftar để thống nhất đất nước.
Sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng làm phức tạp tình hình và khiến khu vực này phân cực hơn nữa.
Liên quan vấn đề giữa Israel và Palestine, thỏa thuận thế kỷ hiện nay đang bị trì hoãn trong khi chờ kết quả của cuộc tổng tuyển cứ thứ ba của Israel trong vòng một năm.
Tuy nhiên, việc Tòa án hình sự quốc tế (ICC) mới đây thông báo khả năng mở một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của Israel và Palestine kể từ năm 2014 đã làm rối loạn các cơ sở quân đội và chính trị của Israel.
Đây là một thách thức mới và chưa từng có tiền lệ đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu - người phản đối ICC.
Trong khi đó, bất đồng sâu sắc sẽ tiếp tục gây phương hại cho người Palestine ở khu Bờ Tây và Dải Gaza. Mặc dù có kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử lập pháp vào năm 2020, nhưng phong trào Hồi giáo Hamas và Fatah dường như không đạt được thỏa thuận nào.
Căng thẳng dọc theo đường biên giới phía Bắc và phía Nam của Israel vẫn cao. Viễn cảnh xấu nhất đối với chính phủ của Thủ tướng Netanyahu là khả năng Mỹ và Iran có thể tìm thấy điểm chung đối với thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ký giữa Tehran với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015 và các vấn đề khác như Yemen.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy có nhiều điểm bất ổn khu vực hơn nữa trong năm 2020. Trung Đông sẽ đối mặt với sự phân cực hơn nữa trong vấn đề Iran, bên cạnh vai trò của nước này tại Iraq và Liban.
Các chuyên gia dự đoán do Mỹ tiếp tục rời xa khu vực này, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại Trung Đông./.
Nga, Trung Quốc và Iran thay đổi chiến lược ở Trung Đông Nga, Trung Quốc và Iran sẽ tham gia cuộc tập trận với quy mô chưa từng có ở Ấn Độ Dương nhằm chống khủng bố ... |
Iran dọa xóa sổ Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông Lãnh đạo lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đe dọa sẽ xóa sổ Mỹ, Israel và Ảrập Xêút nếu các nước ... |