Năm 2017 được đánh giá là một năm đầy biến động với những điểm nóng trên phạm vi toàn cầu, trong đó có những mâu thuẫn vẫn tiếp tục tiềm ẩn và có khả năng bùng phát mạnh mẽ vào năm 2018. Từ khủng hoảng Triều Tiên cho tới cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Trung Đông hay việc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu (EU)...

Châu Âu: Chủ nghĩa dân túy tạm lắng, đối đầu Nga-NATO vẫn tiếp diễn

PGS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên gia viện Nghiên cứu châu Âu, viện Hàn lâm KHXHVN cho biết, trong năm qua châu Âu chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý.

du bao tinh hinh quoc te 2018
PGS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên gia Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm KHXHVN.

Trong suốt năm 2017 có 3 yếu tố chủ yếu chi phối tình hình khu vực châu Âu.

Thứ nhất là mối quan hệ Mỹ - châu Âu. Nó đang đứng trước thách thức từ sự chuyển hướng chiến lược của Washington đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có EU. Bên cạnh đó, nội bộ chính trường Mỹ cũng là yếu tố địa chính trị tác động mạnh mẽ, thậm chí có quyết định tới sự tồn tại, phát triển của EU và tình hình khu vực trong suốt một năm qua.

Việc ông Trump thắng cử Tổng thống Mỹ và lập tức ủng hộ nước Anh tách khỏi khối là một điều khiến EU rất bực bội. Điều đó không khác gì hành động "xuất khẩu chủ nghĩa dân túy sang EU", gây ảnh hưởng tới tình hình khu vực này trong toàn bộ năm 2017, theo chuyên gia.

Ngoài ra, Mỹ đã và đang đặt EU vào tình huống khó khăn khi cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một tổ chức lỗi thời, đồng thời khẳng định các thành viên của liên minh này không thể trông chờ mãi vào "sự bao cấp an ninh" của Mỹ.

Thứ hai là những bất định trong xu hướng chính trị và hội nhập ở châu lục.

"Mặc dù năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU là 2% nhưng khối vẫn thiếu động lực tăng trưởng, phục hồi chậm, thất nghiệp vẫn cao (khoảng 10%). Về chính trị, có nhiều diễn biến khó đoán định sau khi Anh rời khỏi EU cùng những hiệu ứng kế tiếp khó lường", PGS.TS Nguyễn Cảnh Toàn nhận xét.

Trong quá trình đàm phán Brexit, EU yêu cầu Anh phải trả khoảng 110 tỷ USD để rời khỏi khối, trong khi London kiên quyết từ chối điều kiện này. Dù Anh đang ra sức thực hiện các biện pháp tránh biến động thị trường và bất ổn chính trị nhưng việc London rời khối khiến chính giới trong nội bộ EU có cái nhìn bi quan về triển vọng trung và dài hạn của nước Anh cũng như toàn khối.

Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, chính sự bất ổn chính trị của EU đã cổ vũ cho thế lực cực hữu ở những quốc gia bài ngoại và phản đối người nhập cư. Ngoài ra, nó còn khiến cho các cuộc trưng cầu dân ý ở châu lục thêm phức tạp, như ở Tây Ban Nha, Anh, Italia... Đứng trước vấn đề đó, châu Âu không tiến hành điều chỉnh thì nền chính trị tại châu lục này sẽ bị chủ nghĩa dân túy nhấn chìm, chuyên gia cảnh báo.

du bao tinh hinh quoc te 2018
Quan hệ Nga với Mỹ và NATO trong năm qua tiếp tục xấu đi trông thấy.

Thứ ba chi phối châu Âu trong năm qua là khủng hoảng di cư dẫn tới nguy cơ khủng bố và những cuộc tấn công đẫm máu. Theo chuyên gia, trong số những người nhập cư chắc chắn có sự trà trộn của các phần tử Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Do lực lượng này đang bị Nga và cộng đồng quốc tế đánh bại ở Syria và Iraq nên chúng đang tìm cách tràn vào EU. Nơi đây là địa điểm lý tưởng để IS trả thù, trên thực tế đã diễn ra ở Anh, Pháp, Đức, Nga... khiến nhiều người thương vong.

Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Toàn nền kinh tế châu Âu trong năm 2017 đã thể hiện tốt nhất trong một thập niên qua. Khu vực đồng euro (eurozone) tăng trưởng khoảng 2%, trong khi đồng euro tăng trên 10% so với đồng USD. Trái ngược với euro zone, kinh tế Anh được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm nay do những bất ổn và khó khăn từ tiến trình đàm phán Brexit. Đáng chú ý hơn cả, một số nền kinh tế lớn nhất Đông Âu như Romania và Cộng hòa Séc, những quốc gia ngoài eurozone, lại tăng trưởng tốt hơn Đức trong vài năm trở lại đây.

Dù vậy, kinh tế châu Âu vẫn gặp nhiều trở ngại. Hầu hết các nước eurozone phải đối mặt với tình trạng "công việc dồi dào nhưng lương thấp". Ngược lại, các nước Đông Âu phải đối mặt với vấn đề tăng trưởng lương bổng quá nhanh vì đợt thúc đẩy tài chính của Chính phủ.

"Nhưng lúc này lo ngại lớn nhất lại xuất phát từ chính trị: Sự thiếu chắc chắn, việc các đảng cánh hữu và chủ nghĩa dân túy nổi dậy đang khiến giới đầu tư e ngại và kìm hãm tăng trưởng kinh tế", ông Cảnh Toàn kết luận.

Trung Đông: IS bị đẩy lùi, những điểm nóng xung đột vẫn âm ỉ

du bao tinh hinh quoc te 2018
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nói về khu vực Trung Đông trong năm qua, theo PGS,TS Phạm Minh Sơn, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, học viện Báo chí và Tuyên truyền, có 3 sự kiện lớn đáng chú ý:

Thứ nhất, tới cuối năm 2017, IS đã bị đẩy lùi ở hai chiến trường lớn Syria và Iraq. Đây là kết quả rất lớn sau suốt 3 năm các lực lượng quân đội Iraq, Chính phủ Syria liên minh cùng các nước như Nga, Mỹ... chiến đấu chống lại lực lượng này.

du bao tinh hinh quoc te 2018
Tình hình Syria và Iraq trong năm qua đạt được nhiều kết quả khả quan khi lực lượng IS gần như đã bị đánh bật ở nhiều khu vực.

Thứ hai, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel ảnh hưởng rất lớn tới khu vực Trung Đông cũng như trên toàn thế giới. Nó tạo ra sự phản đối rất mạnh mẽ từ tất cả các quốc gia Arab cũng như hầu hết các nước bên ngoài khu vực. Đỉnh điểm, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp với số phiếu 14/15 nước, chỉ trừ Mỹ, lên án quyết định này của ông Trump.

Sau đó, khi đưa vấn đề này ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, 128 nước đã bỏ phiếu phản đối quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ. Bản thân việc Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô Israel là một sự kiện chưa từng có tiền lệ.

Thứ ba là khủng hoảng ngoại giao liên quan tới Qatar và các nước Arab. Theo đó, vào tháng Sáu, Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập... cho đến nay là 10 nước, đã tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đưa ra cáo buộc quốc gia này đã có hành động ủng hộ tài trợ cho các tổ chức khủng bố cực đoan, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng và gây mất ổn định trong khu vực. Cuộc khủng hoảng này vẫn chưa kết thúc, gây xáo trộn tình hình khu vực, theo PGS.TS Phạm Minh Sơn.

Bên cạnh đó còn có nhiều sự kiện khác đáng chú ý như quyết định hạn chế người nhập cư từ một số nước Arab vào Mỹ cùng với các chuyến thăm của Mỹ đến Saudi Arabia, Israel và chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin đến Syria...

Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, trong năm qua, cán cân và phân bố lực lượng của các nước trong khu vực Trung Đông cũng như các lực lượng nước ngoài có sự thay đổi mạnh mẽ. Cụ thể, ảnh hưởng của Mỹ đang giảm xuống, trong khi đó Nga và đồng minh ngày càng đóng vai trò chi phối mạnh mẽ hơn.

Cho đến nay, định hình về chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump với khu vực Trung Đông vẫn chưa rõ nét và đang được định hình. Ông Trump đã tạm ngừng kế hoạch xoay trục sang châu Á Thái Bình Dương và dường như quan tâm nhiều hơn đến Trung Đông.

Còn về phía Nga, theo chuyên gia, kể từ năm 2012 trở lại đây, ảnh hưởng của Nga trong khu vực này ngày càng lớn, đặc biệt là khi nội chiến Syria bùng nổ. Sự đầu tư và quan tâm của Moscow đối với khu vực là rất đáng kể. Cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đang tạo ra cho mình một trục liên minh, một lực lượng mạnh mẽ đang chiếm ưu thế trong khu vực.

Về chiến dịch chống IS, theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, "nó thể hiện những mâu thuẫn giữa những phe nhóm lực lượng, với những mục tiêu và mục đích rất khác nhau trong khu vực". Theo ông, có thể các phe nhóm có sự nhất trí chống IS như kẻ thù chung, nhưng bản thân trong các lực lượng ngay cả trong Syria cũng như các lực lượng quốc tế cũng như liên quân Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ hay liên quân Mỹ, đều có những mục tiêu riêng.

Do đó, nếu như lực lượng này nhất trí đồng lòng với nhau thì có lẽ IS không có cơ hội để bùng phát. Nhưng do bản thân lực lượng chống IS lại mang theo các mục tiêu tham chiến rất khác nhau nên cuộc chiến mới kéo dài như vậy.

Theo dự báo của ông Minh Sơn, trong năm 2018, dù IS được đẩy lùi một phần nhưng những mâu thuẫn giữa các nước trong khu vực và những sự đối đầu của các nước lớn, cụ thể là Nga và Mỹ, không hề giảm đi mà sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Năm tới Trung Đông sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn, có thể xuất hiện thêm những điểm nóng khác xoay quanh mối quan hệ giữa Israel và Palestine, Mỹ-Iran hoặc ở Yemen, hay những xung đột có khả năng bùng phát lại giữa Qatar và Saudi Arabia.

"Nhìn chung, các mâu thuẫn lợi ích vẫn còn, do vậy tương lai khu vực này vẫn xung đột còn là điểm nóng của thế giới. Cuộc chiến chống IS có thể giảm bớt nhưng mâu thuẫn trong khu vực vẫn phức tạp và xung đột có thể lan ra những khu vực lân cận", PGS.TS Phạm Minh Sơn kết luận.

Châu Á - Thái Bình Dương: Khu vực năng động bậc nhất với nhiều thách thức phía trước

2017 là năm kinh tế và chính trị của cả thế giới cũng như Việt Nam đều biến động. Về mặt kinh tế, năm qua chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng chống toàn cầu hóa nổi lên rất rõ. Dù vậy, tăng trưởng, phục hồi kinh tế và xu hướng đầu tư thương mại của thế giới phục hồi tốt.

du bao tinh hinh quoc te 2018
TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Trong năm 2017, điểm nóng địa chính trị đáng chú ý nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chính là khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cùng các đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đã liên tục gây sức ép đối với Bình Nhưỡng buộc nước này phải ngừng chương trình tên lửa và hạt nhân.

Suốt một năm qua, có những lúc tình hình trên bán đảo Triều Tiên "căng như dây đàn" khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ sáu vào ngày 9/9 hay thời điểm chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump điều động hàng loạt khí tài quân sự tối tân áp sát. Nhưng cũng có những khoảng thời gian mọi diễn biến đều lắng dịu và Washington tuyên bố sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên. Do đó, cuộc đấu trí tại bán đảo Triều Tiên sang năm 2018 có khả năng sẽ bước sang giai đoạn của những nỗ lực đối thoại giữa các bên liên quan.

du bao tinh hinh quoc te 2018
Căng thẳng Mỹ - Triều leo thang trong năm 2017, nhưng đang dần chứng kiến những nỗ lực ngoại giao tích cực.

Theo TS. Trần Việt Thái, ngoài vấn đề Triều Tiên, khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm qua vẫn âm ỉ vấn đề biển đảo, mâu thuẫn giữa các điểm nóng vẫn còn phức tạp, chưa thể xử lý ngay lập tức. Thêm vào đó, năm 2017 ghi dấu ấn sự cọ xát mạnh mẽ và đấu tranh giữa hai xu hướng là sự thúc đẩy tự do hóa thương mại và đối lập là xu hướng bảo hộ.

Tuy nhiên, tại các sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam, có thể thấy xu hướng liên kết, hội nhập đã thắng thế. Điều đó cho thấy tương lai của APEC sẽ còn phát triển và tiếp tục được duy trì tích cực trong những năm tới.

Ngoài những thách thức kể trên, châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2018 cũng phải đối mặt với các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng cấp bách, điển hình là biến đổi khí hậu, an ninh mạng và khủng bố.

"Nửa đầu năm nay bất ổn, bất an và bất định do các nước lớn chủ yếu tập trung vào những vấn đề nội bộ, do tác động của chủ nghĩa dân túy, xu hướng chống toàn cầu hóa, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, cuối năm tình hình ổn định hơn do đường lối chính sách của các nước lớn ngày một rõ ràng, xu hướng dân tuý giảm", ông Việt Thái kết luận.

du bao tinh hinh quoc te 2018

Năm APEC 2017 dấu ấn đặc biệt và vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới

Năm 2017 thế giới diễn ra nhiều sự kiện, dấu mốc quan trọng. Đặc biệt, trong đó dấu ấn và vị thế Việt Nam được ...

du bao tinh hinh quoc te 2018

Những người bạn Nhật hơn 40 năm sát cánh cùng nhân dân Việt Nam

Đã 43 năm trôi qua kể từ ngày đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Góp phần vào chiến thắng này không thể không ...

/ nguoiduatin.vn