Sợ ảnh hưởng đến hàng xóm hoặc bị gọi cảnh sát do làm ồn, sinh viên Việt ở Nhật phải kìm nén nhiều cảm xúc trong mùa giải Asian Cup.
Đang mùa ôn thi cuối kỳ, Hằng Anh, học viên thạc sĩ năm 2 khoa Kinh tế, Đại học Nagoya (thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản) vẫn cố dành thời gian đọc báo, cập nhật thông tin bên lề về giải bóng Asian Cup. Chứng kiến đội tuyển Việt Nam từng bước tiến sâu vào tứ kết, Hằng Anh "ngày nào ra đường cũng chỉ nói chuyện bóng đá".
Trước trận Việt Nam và Nhật Bản diễn ra ngày mai, Hằng Anh có chút bối rối. "Mình ở Nhật năm năm rưỡi, từng sang Nhật chơi hai lần từ hồi học cấp hai. Mẹ mình ngày xưa cũng học gần 10 năm ở đây, do đó mình cảm thấy rất gắn bó với đất nước này. Giờ Việt Nam và Nhật Bản lại đối đầu, mình tất nhiên mong Việt Nam thắng, nhưng cũng xót nếu Nhật Bản thua", cô giải thích.
Ngay từ đầu giải, Hằng Anh không bỏ sót bất kỳ trận nào của thầy trò Park Hang-seo. Sống một mình xa nhà, Hằng Anh kết nối với gia đình bằng cách gọi video suốt thời gian xem bóng, cùng bình luận như đang ở cạnh nhau. Do trận tứ kết diễn ra vào giữa tuần và đúng mùa thi, Hằng Anh tính hẹn vài người bạn ở gần cùng tụ tập.
Nếu đội nhà giành được vé vào bán kết, Hằng Anh sẽ cùng các bạn Việt Nam ở trường đăng ký mượn phòng học để tổ chức cổ vũ như trận chung kết U23 tháng 1 năm ngoái. Tuy vậy, nhóm sinh viên Việt từng gặp một số khó khăn như phải vừa xem chung màn hình lớn vừa cầm điện thoại cá nhân để theo dõi, do website bị chặn nên chất lượng không tốt, thường xuyên bị giật. Đến đoạn cao trào, mọi người hò hét quá to và bị các thầy nhắc nhở.
"Những khi xem bóng ở phòng riêng, mình không dám hét to thành tiếng vì rất dễ bị cảnh sát ghé thăm. Thông thường, các bạn phòng bên thấy ồn sẽ không ý kiến trực tiếp mà gọi luôn cho cảnh sát", Hằng Anh chia sẻ, bổ sung rằng "chỉ muốn bay ngay về Việt Nam đi bão" nếu Việt Nam giành chiến thắng.
Bữa ăn nhóm sinh viên ở Tokyo chuẩn bị trong một lần cổ vũ đội tuyển Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Hoàng Nam, sinh viên năm 4 khoa Hoá học cùng trường Hằng Anh, từng bị cảnh sát đến lập biên bản về tội tụ tập gây ồn khi xem bóng. Rút kinh nghiệm những lần xem bóng sau này, người nào lỡ hô to sẽ bị bạn bè bịt miệng, tất cả cùng tập ăn mừng theo cách ít ồn ào hơn.
Nam kể, đa phần sinh viên năm cuối sẽ lên phòng thí nghiệm, vừa làm vừa "hóng" trận đấu qua màn hình điện thoại. Sinh viên năm 2, năm 3 thường tụ tập ở nhà một bạn nào đó để ăn uống. Sinh viên năm nhất sẽ xem ở phòng sinh hoạt chung của ký túc xá, tranh thủ một chút thời gian trong tuần thi cuối kỳ.
Rất hâm mộ bóng đá, Nam nhận xét: "Khi ở Việt Nam, việc xem bóng sẽ thư thái và nhiều cảm xúc hơn. Còn ở Nhật Bản, mình xem kiểu tranh thủ nên cảm xúc không bằng. Người Nhật không hào hứng với giải này lắm nên cũng kéo cảm xúc của mình xuống".
Sống ở khu chung cư với 80% là người cao tuổi, Hân (sinh viên trường Nhật ngữ ARC ở Tokyo) đôi khi liều phá vỡ quy tắc không được làm ồn sau 22h, bất chấp nguy cơ bị đuổi. Cô tâm sự chưa từng hâm mộ bất cứ ca sĩ hay diễn viên nào, thầy Park Hang-seo và đội tuyển bóng đá Việt Nam là những thần tượng đầu tiên.
"Trước kia thi thoảng mình cũng xem bóng nhưng không quá thích. Bắt đầu từ giải U23 châu Á, đội tuyển Việt Nam đã mang tình yêu bóng đá đến với mình. Mình thuộc tên 100% cầu thủ, kể cả dự bị", Hân kể.
Mới sang Nhật gần bốn tháng, dự đoán trận sắp tới giữa đội nhà và đội tuyển Nhật Bản sẽ mang đến nhiều điều thú vị, Hân đã chuẩn bị nhiều món nhậu kiểu Việt Nam như mực khô, bò khô, cá chỉ vàng, lạc rang để mời bạn bè sang xem.
Trần Hiệp, sinh viên trường Nhật ngữ TCJ là một trong những người thường xem bóng cùng Hân. Do không kiếm ra cờ đỏ sao vàng, hai bạn lấy son vẽ cờ lên mặt nhau để tạo khí thế. Khi Việt Nam đánh bại đối thủ, họ ôm nhau hát "Niềm tin chiến thắng", "We are the champions"... Những trận đấu diễn ra muộn, Hiệp ăn mừng vội vã rồi đi về vì 12h30 đêm là giờ tàu điện ngừng hoạt động.
"Bên này chắc không bao giờ có cảnh đi bão như ở Việt Nam. Mình chưa từng thấy ai hú hét ngoài đường nên cũng không dám, chỉ nhảy múa trong lòng thôi, còn ngoài mặt như không hề có chuyện gì xảy ra", Hiệp kể trải nghiệm của bản thân sau trận đấu giúp Việt Nam giành cúp vô địch AFF tháng 12/2018.
Hiệp hy vọng Việt Nam sẽ cầm hòa với Nhật Bản trong 90 phút thi đấu chính thức và 30 phút hiệp phụ của trận tứ kết Asian Cup và đặt niềm tin vào năng lực của các cầu thủ đội nhà trong loạt sút luân lưu. Hiệp tin sự cổ vũ dù trong thầm lặng của mình sẽ tiếp thêm sức mạnh để Việt Nam làm nên kỳ tích.
Nhóm Hân và Hiệp dùng son vẽ cờ lên má để cổ vũ đội tuyển. Ảnh: NVCC |
Người mong chờ trận đấu tối thứ năm không kém là Chiaki Ikeda, sinh viên khoa Tiếng Việt của Đại học Osaka (tỉnh Osaka, Nhật Bản). Vừa trở về quê hương sau vài tháng thực tập ở Việt Nam, Chiaki hiểu hơn về tiềm lực của đội quân sao vàng. "Trước đây, đội tuyển bóng đá Việt Nam không thể nói là mạnh. Nhưng từ khi thay đổi huấn luyện viên, thành tích của đội thật đáng nể phục. Trận đấu vừa rồi với Jordan khiến mình rất ấn tượng", Chiaki nói.
Nữ sinh Osaka sẽ xem trận tứ kết ở quán ăn Việt Nam, nơi đang làm thêm. Nhiều khách và bạn bè người Việt sẽ đến ăn tại đó để cùng theo dõi. "Chắc chỉ có mỗi mình là người Nhật thôi", Chiaki đoán.
Chiaki cổ vũ Nhật Bản và tin đội nhà sẽ thắng. Nhưng cô cho rằng người Nhật chưa biết nhiều về sức mạnh của bóng đá Việt Nam và tốt nhất không nên xem thường. Chiaki mong đội Việt Nam sẽ thể hiện thật tốt trong trận đấu tới và khiến người Nhật ngạc nhiên.
Những du học sinh Việt Nam trở về từ thảm họa sóng thần Indonesia Nhóm 10 sinh viên Việt Nam ở thành phố Palu đã vượt qua những đống đổ nát, những cây cầu chờ gãy và xác người ... |
U23 Việt Nam đánh thức khao khát trở về của du học sinh Việt Nhiều du học sinh chia sẻ thành tích của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng yêu ... |