Bên cạnh việc phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng, Đức đang đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực và khủng hoảng hệ thống lương hưu trong những năm tới. Để giải quyết tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học và vấn đề thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực quan trọng, nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện các bước cải cách chính sách nhập cư nhằm thu hút nhiều lao động có tay nghề nước ngoài hơn.

Đức đang thiếu hụt trầm trọng lao động có tay nghề cao.

Cuộc xung đột ở Ukraine đặt dấu chấm hết cho ngành năng lượng giá rẻ trong khi thiếu nhân công trong một số ngành công nghiệp, lạm phát gia tăng... là những thách thức khiến nền kinh tế Đức trở nên bất ổn. Theo một cuộc khảo sát từ Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, khoảng 56% công ty báo cáo đang thiếu nhân sự. Cơ quan Việc làm Liên bang Đức đã ghi nhận tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực trong 148 lĩnh vực việc làm, trong khi 122 lĩnh vực khác có nguy cơ.

Một báo cáo phân tích của Viện Kinh tế Đức (IW) cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao, đặc biệt là tại những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, đang tăng lên nhanh chóng. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2020 do đại dịch Covid-19, nhu cầu này hiện đã trở lại ngang bằng mức trung bình những năm trước khủng hoảng. Theo các nhà phân tích, nhu cầu lao động có tay nghề của nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục theo chiều trầm trọng hơn bởi dân số già của đất nước. Viện Nghiên cứu kinh tế IFO cho biết, vào tháng 6, gần 40% nhà tuyển dụng trong lĩnh vực kỹ thuật đã trải qua tình trạng thiếu nhân lực. Đức được dự đoán sẽ thiếu hụt khoảng 240.000 công nhân lành nghề trong 4 năm tới.

Giáo sư Herbert Brucker, Viện Nghiên cứu việc làm (IAB) ở Nuremberg, nhận định: “Đức mất khoảng 350.000 người trong độ tuổi lao động mỗi năm khi thế hệ Baby Boomer - những người sinh ra trong những năm sau Thế chiến thứ hai nghỉ hưu và không có đủ người trẻ hơn để đảm nhận vị trí của họ”.

Theo dự báo của các chuyên gia lao động, thị trường việc làm của Đức sẽ bị "hao hụt" hơn 7 triệu lao động vào năm 2035. Sau nhiều thập kỷ, tỷ lệ sinh thấp và tình trạng nhập cư không đồng đều, lực lượng lao động bị thu hẹp thật sự là một “quả bom hẹn giờ” về nhân khẩu học đối với hệ thống hưu trí công của Đức. Trước kia, Đức từng có thể dựa vào lượng nhân công từ các quốc gia khác trong EU để bù đắp cho sự thiếu hụt trong nước, nhưng theo Giáo sư H.Brucker, nguồn lực này đang bắt đầu cạn kiệt.

Các đại diện ngành công nghiệp và các nhà kinh tế từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhu cầu cấp thiết của Đức đối với lao động có tay nghề cao, cảnh báo rằng sự thiếu hụt có nguy cơ kìm hãm nền kinh tế. Theo một báo cáo của IW, tình trạng thiếu công nhân lành nghề có nguy cơ làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức.

Một đạo luật được thông qua vào năm 2020 nhằm khuyến khích 400.000 lao động nước ngoài mà Đức cần hằng năm đến và ở lại Đức, song trong năm đầu tiên, nó chỉ thu hút được 30.000 người. Vì vậy, vào tháng 10 vừa qua, Chính phủ Đức đã thông qua một chiến lược mới bao gồm các biện pháp giúp các doanh nghiệp thu hút và giữ chân lao động lành nghề. Theo quy định nhập cư mới, Đức có kế hoạch cung cấp hai quốc tịch, cũng như tình trạng công dân đặc biệt sẽ có hiệu lực 3-5 năm cho những người lao động có tay nghề cao, sau khi họ đáp ứng các tiêu chí nhất định...

Chính phủ Đức ngày càng chú trọng giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng của đất nước, khi đẩy mạnh các kế hoạch cải cách chính sách nhập cư. Động thái này là một phần trong kế hoạch của Đức nhằm hiện đại hóa luật nhập cư, loại bỏ các rào cản để bảo đảm người lao động nước ngoài tiếp cận thị trường lao động Đức dễ dàng hơn.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1050458/duc-cai-cach-chinh-sach-nhap-cu-giai-nguy-co-khung-hoang-nhan-luc

THÙY DƯƠNG / HNM.com.vn