"Cuộc sống cần sự tri ân, nếu không sẽ không còn ý nghĩa và chúng ta không thể hạnh phúc", Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa chia sẻ. 

Trong hai tiếng trò chuyện với độc giả VnExpress sáng 15/3, Đức Pháp vương Phật giáo Kim Cương thừa Gyalwang Drukpa đã trả lời gần 40 trong tổng số 250 câu hỏi về mối nhân duyên của Ngài với với Việt Nam, cách sống thế nào để hạnh phúc...

\'Tôi đặc biệt thiện cảm với con người và đất nước Việt Nam\'

- Kính chào Đức Gyalwang Drukpa, rất vui khi thấy Ngài quay trở lại. Đến Việt Nam đúng dịp đầu xuân, Ngài cảm nhận thế nào? (Võ Hạnh, 46 tuổi, Hà Nội)

- Tôi vô cùng hạnh phúc và phấn khởi khi trở lại Việt Nam để tham gia đại lễ Tây Thiên lần này. Tôi rất mong chờ và hy vọng rằng chuyến đi này của tôi và toàn đoàn sẽ thành công. Tôi đặc biệt có thiện cảm với đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy, tôi cũng hy vọng mọi người mong chờ sự trở lại của tôi để ban gia trì cho đất nước và con người Việt Nam.

duc gyalwang drukpa muon hanh phuc phai biet tri an 59775
Ảnh: Giang Huy

- Thường xuyên viếng thăm Việt Nam, điều gì khiến Ngài quan tâm đến đất nước và những chúng sinh nơi đây? (Hạnh Nguyên, 30 tuổi, Đà Nẵng)

- Thành thật mà nói mọi người luôn mong muốn tôi trở lại Việt Nam và tôi cũng vậy. Tôi nghĩ đây là mối liên hệ hiểu biết lẫn nhau. Người dân Việt Nam luôn quan tâm và gửi lời mời đến tôi. Và người đứng đầu, lãnh tụ tâm linh của Phật giáo Kim Cương thừa Drukpa luôn muốn truyền dạy sự vị tha, diệt trừ những đau khổ trong cuộc sống. Đây là mối quan hệ hiểu biết qua lại giữa hai bên.

- Mong Ngài chia sẻ một kỷ niệm hay ấn tượng về đất nước chúng tôi? (Nguyễn Minh Trí, 54 tuổi, Lâm Đồng)

- Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam luôn tạo cho tôi nhiều cảm hứng. Tôi thấy vẻ đẹp con người nơi đây, tình yêu thương với con người, sự tôn trọng với giáo pháp, phật pháp. Mọi người tôn trọng Phật giáo để làm gì? Vì giáo pháp giúp họ có sự chân thành, hạnh phúc. Đó là lý do vì sao mọi người rất quan tâm và tôi cũng vậy. Tình yêu thương của mọi người truyền rất nhiều cảm hứng cho tôi.

Truyền thống văn hóa Việt Nam cũng để lại cho tôi nhiều điều tốt đẹp, tất nhiên cũng có nhiều cấp độ khác nhau, nhưng nhìn chung bản tính của người Việt rất tốt và đất nước các bạn cũng vậy.

- Tại Việt Nam may mắn có nhiều truyền thống phật giáo khác nhau cùng phát triển, cùng song hành. Ngài nghĩ sao về điều này? (Gia Khánh, 52 tuổi, TP HCM)

- Chúng ta nên hiểu Phật giáo không phải là tôn giáo. Chúng ta không thờ một đấng thần linh nào đó, tất nhiên có thánh thần, nhưng Phật giáo không đơn giản như vậy. Phật giáo là hành trình để chúng ta tốt đẹp hơn, làm thế giới ngày một tốt đẹp hơn, chứ không phải tin tưởng hoặc phụ thuộc vào một đấng tối cao nào đó. Đó là lộ trình để con người hoàn thiện bản thân và sống tốt đẹp hơn.

Điều thứ hai tôi muốn nói Phật giáo có nhiều truyền thống khác nhau cùng phát triển. Chúng ta cần học cách sống trong sự hòa hợp, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

- Gia đình con là phật tử ở Nghệ An (cách Hà Nội 300 km) rất mong hạnh ngộ và tham dự Pháp hội của Ngài? Có khi nào Ngài và Tăng đoàn Truyền thừa đến chia sẻ Phật pháp tại xứ Nghệ? (Nguyễn Phúc Hưng, 39 tuổi, Nghệ An)

- Tôi rất hy vọng có dịp được quay trở lại Nghệ An. Tôi vẫn còn nhớ mỗi chuyến đi của tôi, mọi người luôn bày tỏ tình cảm và rạng ngời chào đón. Tôi rất mong muốn và nếu điều kiện nhân duyên cho phép thì sẽ trở lại Nghệ An.

- Chúng con là phật tử Hà Nội rất phúc duyên được tham dự Đại Pháp hội Sáu Sức Trang Hoàng Naropa tại Ladakh năm 2016. Với nhiều tình cảm dành cho Việt Nam, Ngài có dự định tổ chức Đại lễ này tại Việt Nam để nhiều phật tử được tham dự? (Đức Minh, 55 tuổi, Hà Nội)

- Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào người Việt Nam, tâm trí thành của người Việt, có thật sự quan tâm hay không. Nếu mọi người thật sự muốn dự Đại Pháp hội Sáu Sức Trang Hoàng Naropa thì tại sao lại không?

Khi nói đến Phật giáo là nói đến sự giải pháp, giáo hội. Naropa là bậc đại thành giả đạt thành tựu giác ngộ trong đời, thánh nhân vĩ đại của Ấn Độ. Ngài để lại cho phật tử cơ hội chiêm ngưỡng, đón nhận năng lực gia trì và tất nhiên điều quan trọng phật tử phải hiểu biết, có niềm tin, đặc biệt là với Kim Cương thừa. Khi tất cả đầy đủ điều kiện thì có thể đón nhận được sự gia trì.

Hạnh phúc là sự tri ân

- Sắp đến ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, con muốn hỏi Ngài định nghĩa thế nào là hạnh phúc? (Đình Duy, 25 tuổi, Buôn Ma Thuột)

- Tôi nghĩ rằng hạnh phúc sẽ đến khi chúng ta biết tri ân. Nếu đôi mắt sáng, đôi tay làm việc, đôi chân lành lặn đi tất cả nơi nào muốn đi... thì đó là điều kiện đủ để chúng ta có thể trải nghiệm được hạnh phúc. Một thực tế đơn giản như vậy thôi nhưng đáng để chúng ta tri ân.

Bạn có thể hỏi rằng những đau khổ không đáng có là gì? Trong đạo Phật có khái niệm về nghiệp, đã tích tụ trong quá khứ như bạn bị đau đầu, bệnh tim hay gan phổi có vấn đề.... Khi có đầy đủ tất cả mọi thứ cuộc sống bình thường nhưng không thỏa mãn, chúng ta vẫn phiền não thì tức là đã không biết tri ân cuộc sống.

Đó là định nghĩa của tôi về hạnh phúc. Hạnh phúc giống như công tắc, biết bật lên thì cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Bạn có thể tạo ra những thú vui ngoài cuộc sống, nó ngắn ngủi và tạm bợ và không phải thứ hạnh phúc lâu bền. Không phải đi đâu cả, ngay đây chúng ta đã đủ hạnh phúc và an lạc rồi.

duc gyalwang drukpa muon hanh phuc phai biet tri an 59775
Ảnh: Giang Huy

- Làm thế nào để sống hạnh phúc trong khi mọi người xung quanh mình phải sống trong sự đau khổ? (Nguyễn Sơn Bình, 18 tuổi, TP HCM)

- Chúng ta vẫn có thể hạnh phúc khi người khác đau khổ, phiền não. Bởi vì khi bạn đang đau khổ, nếu tôi cũng thế thì giống như hai người đau khổ ngồi trên chiếc thuyền thì thuyền sẽ chìm. Tôi phải là người hạnh phúc, từ đó truyền hạnh phúc cho bạn để bạn thoát khỏi sự đau khổ và phiền não. Cũng như đi máy bay, khi có sự cố chúng ta phải đeo dưỡng khí cho mình trước khi giúp người khác.

Chúng ta cần nhìn lại tại sao anh ta lại phiền não? Có thể anh ta bị khuyết tật, không có bạn bè. Nhìn lại mình, chúng ta có đôi chân lành lặn, có mắt sáng, có đôi tay, có gia đình, không cô đơn như anh ta. Điều đó giúp chúng ta cảm thấy mình may mắn. Bởi vậy chúng ta có nghĩa vụ giúp anh ta hạnh phúc. Đây là phản ứng hết sức tự nhiên. Bạn có thể nói đó là trọng trách bề trên giao cho nhưng thực ra đó là điều tự nhiên. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn chúng ta phải khởi phát tâm bồ đề để giúp đỡ mọi người.

- Có quan niệm rằng để yêu thương được mọi người trước hết phải biết yêu thương bản thân. Phải hiểu thế nào về sự yêu thương mình, thưa Ngài? (Phạm Hương, 39 tuổi, Hà Nội)

- Như những điều tôi đã nói, chúng ta cần biết tri ân. Yêu thương cũng giống như lòng tri ân. Tất nhiên, trước tiên chúng ta phải yêu thương, tri ân cuộc sống của mình. Nếu chúng ta không yêu mình thì làm sao yêu thương được người khác.

Vì vậy tôi mới nói rằng yêu thương, tri ân bản thân sẽ làm lan tỏa tình yêu thương với gia đình, người thân, những người xung quanh, đất nước, các dân tộc khác rồi đến yêu thương cả thế giới. Hãy tri ân cuộc sống của chính mình vì đó là cách duy nhất để lan tỏa yêu thương.

- Ngài nghĩ sao về câu nói "hạnh phúc là buông bỏ hay phải nỗ lực hết sức để được cái mình mong muốn", vì theo nhà Phật nếu ta buông bỏ và biết bằng lòng với bản thân thì sẽ không đau khổ, nhưng như vậy lại không có nhiều thứ. (Võ Tiến Dũng, 38 tuổi, Đà Nẵng)

- Phật giáo có nhiều cấp độ giáo pháp khác nhau với nhiều cách hiểu khác nhau nên khi đưa một câu giáo pháp chung chung của Phật Thích ca thì rất khó, vì giáo pháp đó được áp dụng cho nhiều đối tượng. Chúng ta hay nói buông bỏ mọi thứ để được hạnh phúc. Đó cũng là một cách.

- Các bậc thầy thường dạy phải biết tìm nhận chân hạnh phúc? Xin Ngài chia sẻ chân hạnh phúc khác gì hạnh phúc thông thường? (Phật tử ở Hà Tĩnh, 59 tuổi, Hà Tĩnh)

- Những hạnh phúc thông thường đến từ việc thỏa mãn các giác quan bên ngoài. Ví dụ uống rượu hay vui chơi, thậm chí là lòng tham khiến người ta ăn trộm và thấy vui thích vào thời điểm đó. Đó là thỏa mãn cảm xúc thông thường. Có nhiều người được ngủ thôi cũng rất thích, cảm thấy hạnh phúc rồi. Còn chân hạnh phúc phải đến đầu tiên từ niềm tri ân.

- Liệu có hạnh phúc thật sự khi sống một mình mà không lập gia đình? (Phạm Thái, 31 tuổi, TP Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa)

- Cái này cũng có nhiều cách nhìn nhận khác nhau tùy vào chúng ta đang ở cấp độ tu tập nào. Giả sử bạn không phải phật tử thì chuyện có gia đình hay không không quan trọng, điều quan trọng là bạn biết cách tự tạo hạnh phúc cho mình.

Nếu bạn mong muốn lập gia đình thì hãy làm điều đó, nhưng tôi nhắc lại quan trọng là bạn phải biết tự tạo hạnh phúc cho mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lập gia đình là sự cộng thêm chứ không có nghĩa là có gia đình mới hạnh phúc.

Còn nếu bạn là phật tử thì câu chuyện lại khác.

duc gyalwang drukpa muon hanh phuc phai biet tri an 59775
Ảnh: Giang Huy

- Vừa rồi Ngài đã có một chuyến đi xe đạp hành hương khắp Ấn Độ và Nepal để kêu gọi phong trào bình đẳng giới. Điều gì đã thôi thúc Ngài thực hiện chuyến đi này? (Phật tử TP HCM, 51 tuổi, TP HCM)

- Động cơ thôi thúc tôi làm điều này là đưa giáo lý Đức Phật vào trong thực hành. Giáo lý của Đức Phật không chỉ nói lý thuyết mà phải nói đến sự thực hành. Chuyến đi này chính là thực hành phật pháp.

Khi chúng tôi đi bất cứ nơi nào cũng kêu gọi mọi người tôn trọng sự bình đẳng giới. Đức Phật luôn nhấn mạnh về bình đẳng giới, nhưng thực tế đệ tử không phải ai cũng thực hành đúng lời Ngài dạy. Bởi vậy tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của mình là nhắc nhở mọi người một lần nữa về tầm quan trọng của nữ giới cũng như kêu gọi phong trào bình đẳng giới.

Phật giáo đang phát triển tốt

- Là lãnh tụ của Truyền thừa Drukpa hơn 30 năm qua, Ngài có thể cho chúng tôi biết về sự phát triển của Phật giáo hiện nay trên thế giới, tại phương Đông và cả phương Tây? (Mai Hoa, 38 tuổi, Hà Nội)

- Tôi nghĩ rằng sự phát triển của Phật giáo đang rất tích cực, mọi người bắt đầu quan tâm đến Phật giáo nhiều hơn. Tất nhiên ở đâu cũng có khó khăn. Một trong những giải pháp là chúng ta cần có tinh thần, trách nhiệm để trao cho mọi người cơ hội có sự bình an, hiểu biết hơn cũng như yêu thương, tử tế hơn.

Tất cả tôn giáo đều nhắc điều này nhưng cách thực hành khác nhau vì nó phụ thuộc nhiều yếu tố. Tôi nghĩ rằng Phật giáo có thể cải thiện đời sống của con người rất tích cực nên Phật giáo thế giới mới đang phát triển tốt như vậy.

- Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ và cả tri thức, doanh nhân rất quan tâm đến Phật giáo, đến Thiền, đặc biệt là Phật giáo Kim Cương thừa? Ngài có thể cho biết điều gì thu hút mọi người? (Phật tử 47 tuổi ở Bắc Ninh)

- Nhìn chung, có nhiều người quan tâm đến Kim Cương thừa bởi kết quả đến nhanh. Họ không có nhiều thời gian để chờ đợi. Con đường của Kim Cương thừa là con đường đạt được giác ngộ rất nhanh. Bởi vậy mà người ta nhìn Kim Cương thừa như một điều đặc biệt.

Tôi cho rằng họ biết điều đó, chỉ là có nói ra hay không thôi vì tâm ý ai cũng muốn mọi thứ được nhanh chóng, đặc biệt trong thời đại số này. Làm giàu cũng muốn nhanh mà. Tôi không chỉ trích cách tiếp cận này, nhưng cho rằng đó là động cơ không đúng lắm khi bước vào tu tập con đường Kim Cương thừa.

- Vậy thưa Ngài, tinh túy của Phật giáo Kim Cương thừa là gì? (Phạm Vũ, 60 tuổi, Hải Phòng)

- Tôi nghĩ rằng có thể nói Kim Cương thừa là sự kết hợp những gì tinh túy của nguyên thủy Phật giáo và đại thừa Phật giáo. Còn bản thân tinh túy của Kim Cương thừa, đó là việc trường dưỡng tình yêu thương và trí tuệ rất mạnh mẽ.

Ví dụ khi nói về lòng từ bi, trong Kim Cương thừa, lòng từ bi phải vô cùng mạnh mẽ để biến thành hành động. Chúng ta phải có sự quyết tâm mãnh liệt để đạt được Phật quả, sự giác ngộ ngay bây giờ chứ không phải hàng a tăng tì kiếp, từ đó làm lợi cho cuộc sống.

Là hành giả của Kim Cương thừa, bạn phải cảm nhận được sự cấp bách của việc này. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để có khả năng làm được điều đó, đạt được giác ngộ. Tuy nhiên, cần có sự hướng đạo của bậc thầy, bậc giáo thọ chân chính, nếu thiếu thì rất khó làm được.

- Hiện rất nhiều phật tử trì chú Đại Bi, Thập Chú, Bát Nhã Tâm Kinh, Chú Thủ Lăng Nghiêm... Những bài thần chú này có trong Phật giáo Kim Cương thừa Drukpa không và có tác dụng gì? (Nguyễn Trọng Hùng, 45 tuổi, Hà Nội)

- Đó là một trong những pháp thực hành của Phật giáo Kim Cương thừa Drukpa. Việc trì chú giúp chúng ta có sự định tâm vì tâm chúng ta lang thang bất định, nay đây mai đó. Trì chú cũng giúp hội tụ năng lượng của tâm, trí, tình yêu thương..., tất cả kết tinh ở trong đó. Nếu nói tác dụng của chân ngôn thì không thể nói hết được, vì nó có hàng trăm, hàng nghìn.

- Xin chào Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa. Qua báo chí tôi được biết Ngài có năng lực tâm linh siêu việt. Xin ngài có thể nói một chút về sự tồn tại của thế giới tâm linh và tác động của thế giới đó với thế giới chúng ta đang sống? (Quangslv, 50 tuổi, Lào Cai)

- (Cười...) Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này.

- Hiện trên thế giới có rất nhiều tôn giáo, cả những tà giáo. Vậy làm thế nào để phân biệt được đâu là tôn giáo chân chính, đâu là tà giáo? (Minh Hằng, 23 tuổi, TP HCM)

- Tôi không biết phân biệt ra sao nhưng theo quan điểm của tôi bất kể tôn giáo nào, bất kỳ điều gì dù là một phong trào hay một tín ngưỡng mà hướng thiện đến con người, đến mọi loài, mọi chúng sinh trong cuộc sống thì đều là tôn giáo chân chính. Điều quan trọng là nó làm lợi cho mọi người, cho mọi loài.

Một tôn giáo không chân chính là tôn giáo làm hại đến mọi người, mọi loài một cách trực tiếp hay gián tiếp. Chúng ta cần sử dụng trí tuệ, hiểu biết của mình để phân biệt điều đó.

duc gyalwang drukpa muon hanh phuc phai biet tri an 59775
Ảnh: Giang Huy

- Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin, con người dường như thiếu sự kết nối. Vậy Đạo Phật có thể giúp gì để chúng ta kết nối với nhau nhiều hơn? (Nguyễn Văn Mạnh, 32 tuổi, Hà Nội)

- Tôi nghĩ chúng ta cần chuyển hóa cuộc sống thời đại số thành đời sống tâm linh. Cuộc sống vật chất cần luôn song hành và hướng đến tâm linh, chứ không nên khước từ hay chối bỏ cuộc sống của thời đại số hay công nghệ thông tin. Nếu bạn từ chối tất cả như thế tôi nghĩ chẳng có điều gì tốt đẹp cả. Chúng ta phải chấp nhận, nếu nhìn vào khía cạnh tiêu cực thì cuộc sống sẽ rất bất hạnh. Đó cũng là giáo lý của Đức Phật. Là một phật tử chân chính chúng ta học cách đón nhận cuộc sống hiện đại này với tinh thần hướng đến tâm linh.

- Mẹ con ngày nào cũng tụng kinh niệm Phật, bà dạy các con phải đi chùa thường xuyên, cúng dường thật nhiều, đó cũng như bỏ tiền vào ngân hàng, mai mốt chết đi mới được vô lượng công đức. Ngài nghĩ sao về quan điểm này ạ? (Đào Thảo, 29 tuổi, Bình Định)

- Đó cũng là một trong những điều Đức Phật dạy về cảnh giới khác nhau để chúng ta không phải đọa lạc ở cảnh giới thấp như súc sinh. Nhưng việc cúng dường phải thực sự chân chính, bằng cái tâm thanh tịnh. Đây cũng là giáo pháp mà Đức Phật Thích Ca đã dạy.

- Thưa Ngài, khi chết đi hiến xác cho y học có gặp khó khăn gì về mật tâm linh sau này? (Vu Nguyen, 43 tuổi, Đà Nẵng)

- Điều đó phụ thuộc bạn đang đi theo con đường tâm linh nào. Nếu bạn đang là một hành giả thực hành cao cấp thì điều đó có thể không được khuyến khích. Thông thường, nếu điều đó xuất phát từ vô ngã vị tha bồ đề tâm thì chúng ta hoàn toàn có thể. Chúng ta có thể hiến một phần cơ thể cho y học để đem lại lợi ích cho mọi người, cho xã hội thì đó là điều tốt và tôi cũng luôn nghĩ như vậy.

- Những tiêu chí nào để đánh giá một người có tiến bộ trên con đường tu học về tâm linh? (Trần Thị Đan Thoa, 49 tuổi, 262/26/11 Lũy Bán Bích, TP HCM)

- Đó là sự cởi mở, mở rộng lòng mình thay vì bảo thủ, cứng nhắc. Định kiến cứng nhắc sẽ làm chúng ta bị cô lập và sẽ là nguồn gốc của tiêu cực trong cuộc sống. Tất nhiên có trường hợp đặc biệt nhưng nhìn chung là như vậy. Thay vì cứng nhắc, chúng ta phải đưa giáo lý của Phật vào cuộc sống hàng ngày, để vừa đem lại lợi ích cho mình cũng như người khác.

Cuộc sống tâm linh là trí tuệ, tình yêu thương, lòng từ bi, sự quan tâm đến người khác. Chúng ta không chỉ ngồi thiền định mà còn phải có hành động thiết thực giúp đỡ mọi người, đưa nó vào việc thường nhật của mình. Khi chúng ta gặp gỡ ai đó, nói chuyện, làm bất cứ việc gì như ăn sáng đều có thể làm với tinh thần của đạo Phật hướng đến mọi người. Tôi nghĩ nếu thực hành được như vậy thì rất tuyệt vời.

Việc thực hành tâm linh nên được đưa vào cuộc sống hàng ngày chứ không phải đưa vào một góc cho riêng mình, đó không phải trường dưỡng tâm linh.

duc gyalwang drukpa muon hanh phuc phai biet tri an 59775
Ảnh: Giang Huy

Tây Thiên - vùng đất giàu năng lượng

- Năm nay tròn 25 năm kết nối Phật giáo Kim cương thừa Drukpa Việt Nam với thế giới. Ngài đánh giá thế nào mối gắn kết này? (Trọng Thủy, 50 tuổi, Phú Thọ)

- Chúng ta muốn đi đâu cũng cần có cầu nối. Nhờ có sự kết nối của thầy Viên Minh, đệ tử của Hòa Thượng Thích Viên Thành ở chùa Hương, cũng như các bậc thầy đã tạo ra mối gắn kết đầu tiên của Phật giáo Kim Cương thừa Drukpa Việt Nam với thế giới. Nhờ có tâm trí thành của các thầy, các chư ni mà giáo pháp của Đức Phật được lan tỏa rộng rãi, truyền thừa Drukpa được nhiều người biết đến.

Dưới sự giúp đỡ, nỗ lực của các đệ tử của cố Hòa thượng Thích Viên Thành mà Phật giáo Tây Thiên có thể phát triển và lan tỏa khắp đất nước Việt Nam. Công lao lớn này dành cho cố Hòa thượng Thích Viên Thành. Ngài đã xây cầu nối để truyền thừa Drukpa có thể đến Việt Nam, Kim Cương thừa đi vào đời sống.

Tất nhiên Kim Cương thừa luôn được thực hiện trên nền tảng của Đại thừa. Nhiều người cho rằng Kim Cương thừa có thể phát triển riêng rẽ nhưng như vậy không đúng. Phật giáo Kim Cương thừa thực hành trên nền tảng vững chắc của Nguyên thủy Phật giáo và Đại thừa Phật giáo chứ không thể tách rời.

- Ngài từng nhận định Tây Thiên là vùng đất thiêng Dakini Không hành mẫu, xin Ngài chia sẻ kỹ hơn về nhận định này? (Lam Sơn, 35 tuổi, Thanh Hóa)

- Bản thân nguồn năng lượng, không khí ở Tây Thiên rất tuyệt vời. Tôi có cảm nhận sâu sắc về nguồn năng lượng mẫu tính tràn đầy đó và điều này rất quan trọng. Tôi thấy ở đó có vô số cơ hội để người Việt Nam có được sự bình an, hạnh phúc khi được chiêm bái, viếng thăm nơi này. Không cần phải là phật tử, người thực hành tâm linh mà người bình thường cũng có thể cảm nhận được và tôi cũng cảm nhận được 100% điều này.

Tôi rất tự hào về công trình Bảo tháp Tây Thiên, vùng đất của Mẫu. Về Tây Thiên như về với Mẫu. Các bậc thầy, chân sư trong quá khứ cũng cảm nhận được nguồn sinh khí ở nơi đây. Đó cũng là lý do tôi nhận định Tây Thiên là vùng đất thiêng Dakini Không hành mẫu. Và tôi cũng tự tin nói rằng Đại Bảo tháp Tây Thiên luôn luôn là điểm đến của các phật tử và du khách. Tây Thiên không chỉ đem lại lợi lạc trên đường tâm linh và cả những tâm nguyện thế gian cũng được viên mãn.

- Chúng ta nên cầu nguyện thế nào trước Bảo tháp Tây Thiên để được lợi lạc? (Đức Minh, 56 tuổi, Lào Cai)

- Điều này phụ thuộc vào việc bạn đang thực hành như thế nào. Nếu thực hành nguyên thủy Phật giáo thì phải chú trọng về việc giữ giới về thân như không nói dối, không sát sinh.

Đầu tiên, chiêm ngưỡng Bảo tháp, chúng ta phải giữ giới thật thanh tịnh. Nếu bạn là người theo Kim Cương thừa thì phải giữ giới nguyện Kim Cương thừa. Điều quan trọng là chúng ta phải để tâm cởi mở để đón nhận những điều tích cực. Chúng ta cứ vui vẻ hạnh phúc là được. Điều quan trọng nhất là động cơ phải thanh tịnh, đừng làm hại đến ai.

- Bức tranh cuộn Thongdrol Đức Phật Quan Âm Ngài trao tặng Tây Thiên có kích cỡ rất lớn và hiếm thấy trên thế giới. Xin Ngài cho biết ý nghĩa của việc tạo nên một bức tranh Phật? (Đức Hùng, 27 tuổi, Hà Tĩnh)

- Khi nói đến giáo pháp của Phật giáo không chỉ bằng lời mà còn bằng hình ảnh, thậm chí từ thiên nhiên cũng có bài pháp. Bài pháp chân thật nhất chính là đến từ thiên nhiên, quan sát. Ví dụ bức tranh cuộn Thongdrol Đức Phật Quan Âm cũng là đón nhận sự giải thoát từ cái thấy.

Tương tự như vậy, bản thân Mandala, với tâm thanh tịnh sẽ đón nhận được sự gia trì. Đón nhận được nguồn năng lượng của vũ trụ khi chiêm ngưỡng Mandala, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự do hơn.

Nên chúng ta phải hiểu giáo pháp một cách rộng mà không chỉ là lời tôi nói anh nghe mà bằng nhiều cách thức khác nhau. Theo quan kiến của Phật giáo Đại thừa, giáo pháp vô cùng phong phú và được thực hiện theo nhiều cách.

- Bức tranh có ý nghĩa như vậy, tại sao chỉ đưa ra trước công chúng một lần trong năm, thưa Ngài? (Đức Hùng, 27 tuổi, Hà Tĩnh)

- Bức tranh này rất lớn nên việc tổ chức cho mọi người chiêm bái không đơn giản. Hơn nữa, đây là bảo báu cần lưu giữ, nếu treo hàng ngày thì khó mà bảo quản được.

duc gyalwang drukpa muon hanh phuc phai biet tri an 59775
Ảnh: Giang Huy

- Trong các Pháp hội Mật thừa như tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên đều có thông tin về sự “Giải thoát qua cái Thấy” hay qua sự chiêm ngưỡng. Xin hỏi Đức Ngài điều này có nghĩa là gì? (Bách Hội, 50 tuổi, Lào Cai)

- Công trình này được thiết kế để giúp đỡ mọi người đạt được sự giải thoát. Tôi đã trực tiếp gia trì yểm tượng Phật theo quan kiến của Đại thừa Phật giáo.

Lời khuyên cho phật tử

- Tôi muốn được đến Tây Thiên, muốn gặp Ngài và đón nhận sự gia trì. Ngài có thể giúp tôi thực hiện tâm nguyện này? (Phạm Minh, 50 tuổi, Cao Bằng)

- Nếu có thể làm được bất kỳ điều gì giúp ích cho cuộc sống của mọi người an lạc hạnh phúc hơn, tôi rất sẵn lòng. Tôi hy vọng mình có thể giống như một người truyền tải thông điệp của tình yêu thương và hạnh phúc đến mọi người. Cuộc sống cần được tri ân, nếu không có sự tri ân thì không còn ý nghĩa nữa và khi đó chúng ta không thể hạnh phúc được.

Để tri ân cuộc sống thì cần có nguồn năng lực tích cực gia trì và tất nhiên những giáo pháp trực tiếp của Phật giáo rất quan trọng, là những nền tảng không thể thiếu. Đức Phật đã dạy chúng ta thông qua việc giảng dạy trực tiếp, tương tác giữa bậc thầy và đệ tử cũng rất quan trọng. Bởi vậy tôi luôn đi khắp nơi để truyền giáo pháp.

- Thưa Đại đức, con buồn vì hàng ngày thấy kẻ mê tín dị đoan thì nhiều, người giác ngộ giáo lý nhà Phật và thực hành theo thì ít. Đi chùa thì cầu danh lợi tiền bạc, thăng quan tiến chức, mua thần bán thánh..., trái ngược giáo lý. Xin Đại đức vì chúng con mà giảng giải vấn đề này. (Nguyễn Bảo Thiên, 22 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai)

- Điều quan trọng nhất với phật tử là giữ giới, sống đạo đức, đó là điều đầu tiên như nguyên thủy Phật giáo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giới. Làm những điều gì trái với giới luật mà Đức Phật đã đưa ra đều không phải đạo Phật chân chính.

- Đời con tạo quá nhiều nghiệp bất thiện, nay con xin thành tâm sám hối trước Ngài. Vậy cho con hỏi làm cách nào để thực hiện điều đó? (Minh Tú, 51 tuổi, TP HCM)

- Đầu tiên bạn phải thực sự cảm thấy ăn năn về những việc xấu mình đã làm, thứ hai là quyết tâm không tái phạm. Đó là hai điểm đầu tiên, sau đó chúng ta nương tựa vào sự gia trì của một bậc thầy thì sẽ thực hiện được.

- Tôi từng phạm sai lầm, phải đi tù. Tiếp xúc với Phật giáo Kim Cương thừa liệu có giúp tôi gột rửa được tội lỗi và thành tâm hướng thiện? (Phật tử ở Đồng Nai, 53 tuổi, Đồng Nai)

- Mọi người có thể tịnh hóa bằng việc trì chú pháp ngôn của Kim Cương thừa. Nhưng điều quan trọng nhất là quyết tâm không tái phạm. Nói chung mắc bất kỳ tội lỗi nào cũng có thể gột rửa bằng việc tịnh tâm, quyết tâm không tái phạm. Trong cuộc sống hàng ngày cũng thế thôi, tội phạm ăn năn hối cải cũng được giảm nhẹ tội.

duc gyalwang drukpa muon hanh phuc phai biet tri an 59775
Ảnh: Giang Huy

- Kính thưa Ngài, cho con hỏi con người làm thế nào để biết nghiệp mình đã gây ra trong nhiều kiếp, và làm sao để giải được nghiệp?(Nguyễn Thị Thảo, 29 tuổi, 8/16 đường 16, phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân, TP HCM)

- Tất cả những gì xảy đến, chúng ta cần hiểu rằng nó đều có sự chi phối của nghiệp. Việc đầu tiên chúng ta có thể làm là pháp sám hối để tịnh hóa bớt nghiệp chướng, nhưng phải xuất phát từ sự thành tâm và không bao giờ tái phạm sai lầm. Việc thực hành phải có động cơ vô ngã, vị tha hướng tới mọi người mọi loài, khi đó sẽ tịnh hóa được nghiệp chướng của mình và chỉ bậc anh hùng mới có thể làm được điều này.

Một người mà không tin nhân quả, không tin vào nghiệp thì đó không phải phật tử chân chính.

- Cha tôi bị ung thư đã vào giai đoạn cuối. Tôi phải làm gì để cha không sợ hãi và bình tâm đối mặt với ngày ra đi? (Huỳnh Chí Hiếu, 39 tuổi, TP HCM)

- Dưới góc nhìn của Phật giáo, tôi nghĩ chúng ta nên cầu nguyện, có thể là cầu nguyện đức Phật A di đà, nhưng quan trọng phải có sự kết nối tâm linh thực sự. Nếu cha bạn vẫn còn khả năng hiểu và nghe bạn nói thì bạn cũng có thể trấn an ông rằng: cái chết không phải chấm dứt hoàn toàn mà còn tiếp tục nhiều đời nhiều kiếp trong tương lai nữa.

- Thưa Ngài, với việc thờ Phật tại gia thì pháp môn nào phù hợp cho phật tử doanh nhân? (Thiện Trung, 40 tuổi, TP HCM)

- Hãy phát khởi tâm vị tha, bồ đề tâm cứu giúp người khác, hướng tâm mình đến môi trường, thiên nhiên và những người xung quanh.

Đầu tiên chúng ta phải xác định động cơ. Điều đó tốt hơn gấp hàng nghìn lần so với việc chỉ nghĩ chuyện thực hành cho mình, đặc biệt đối với những doanh nhân có điều kiện kinh tế. Nếu có đầy đủ phương tiện, bạn nên khởi pháp tâm, giúp đỡ nhiều người. Đó là động cơ đầu tiên bạn nên nhắc nhở mình. Nếu bạn biết một câu chú hay tụng kinh thì càng tốt. Nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh động cơ thực hành là phải vì lợi ích của người khác chứ không chỉ vì lợi ích của bản thân.

- Cảm ơn Ngài đã dành thời gian chia sẻ. Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, Ngài có điều gì muốn nhắn nhủ tới độc giả VnExpress? (Nguyễn Minh Trí, 47 tuổi, Hưng Yên)

- Tôi muốn gửi đến các bạn lời chia sẻ, sự trải nghiệm của riêng tôi. Tôi thường cảm thấy thoải mái, thư giãn khi thực hành tịnh tâm. Khi chúng ta thực hành một pháp môn nào đó, một việc nào đó bất kể đó là tín ngưỡng tôn giáo hay phong trào nào thì quan trọng là chúng ta nhất tâm và hoan hỉ đi theo con đường mình đã chọn.

Có thể chúng ta làm rất tốt hoặc chưa tốt lắm cũng không sao. Chúng ta có thể nhất tâm thực hành, truyền lại năng lượng, cảm hứng cho người xung quanh mới là quan trọng nhất. Thường thì chúng ta để lãng phí thời gian nhiều trong khi cuộc sống lại rất ngắn ngủi. Vì vậy, phải chọn được con đường của mình để đi theo, dù đó là con đường của tôn giáo nào. Quan trọng là bạn nhất tâm, quan tâm đến gia đình, bạn bè, mọi người xung quanh, làm lợi cho mọi người, mọi nhà.

duc gyalwang drukpa muon hanh phuc phai biet tri an 59775 Đức Gyalwang Drukpa trở lại Việt Nam

Tối 14/3, Đức Gyalwang Drukpa và hơn 100 Đại đức, Tăng ni Truyền thừa Drukpa đã tới Hà Nội tham dự Pháp hội Đại Bi ...

duc gyalwang drukpa muon hanh phuc phai biet tri an 59775 Đức Gyalwang Drukpa cầu an tại Bảo tháp Tây Thiên

Tại lễ hội xuân Tây Thiên, Đức Gyalwang Drukpa sẽ cử hành các khóa lễ và ban gia trì cho những phật tử tham dự.

/ VnExpress