Người đứng đầu Truyền thừa Drukpa phản bác quan điểm "phụ nữ không có đủ phẩm chất để đạt giác ngộ trong đời".
Ngày 8/3, tại Quan Âm Tu Viện (quận Phú Nhuận, TP HCM), Đức Gyalwang Drukpa - lãnh đạo tâm linh đứng đầu Truyền thừa Drukpa (thuộc Phật giáo Kim Cương thừa) có buổi giảng ý nghĩa và truyền quán đỉnh cộng đồng Đức Phật Kim Cương Tát Đoả với hàng trăm phật tử.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngài dành thời gian nói về chủ đề bình đẳng giới và vai trò của người phụ nữ trong đời sống hiện nay.
Đức Gyalwang Drukpa giảng về bình đẳng giới tại Quan Âm Tu Viện. Ảnh: CTV. |
Đức Gyalwang Drukpa nhấn mạnh, trong gia đình, nếu người phụ nữ không có phẩm hạnh, hành xử không tốt thì rất dễ đổ vỡ. Thế giới ngày càng tốt đẹp hơn đều nhờ vào vai trò của người phụ nữ. "Bản thân tôi cũng có tâm nguyện và dành cả đời nỗ lực thực hành các thiện hạnh để đề cao bình đẳng giới, nâng đỡ ni giới và tu sĩ nữ trong việc lợi ích tất cả hữu tình", Ngài chia sẻ.
Về quan điểm cho rằng phụ nữ không đủ phẩm chất để đạt giác ngộ ngay trong đời này, ngay trong hình tướng của nữ giới, mà chỉ có nam giới mới có khả năng đạt đến giác ngộ, Đức Gyalwang Drukpa khẳng định lối suy nghĩ này là sai lầm và không đúng với những lời chỉ dạy của Đức Phật. Bởi giác ngộ không có sự phân biệt giới tính, người nữ vẫn có khả năng thành tựu giác ngộ, thành tựu Phật quả. Khả năng giác ngộ và sự mạnh mẽ của người nữ hoàn toàn bình đẳng với nam giới.
"Chúng ta đã nói rất nhiều về hòa bình thế giới nhưng nếu chúng ta không có sự bình đẳng giới thì hòa bình ở đâu? Tôi cho rằng điều này rất dễ hiểu, người phụ nữ cần được tôn trọng", Đức Gyalwang Drukpa gửi thông điệp nhân ngày 8/3.
Đức Gyalwang Drukpa gửi lời chúc mừng đến nữ phật tử. Ảnh: CTV. |
Trước đó, khi đặt chân đến Sài Gòn tối 6/3, Đức Gyalwang Drukpa đã có buổi chia sẻ thông điệp về bình đẳng giới. Cá nhân ông và dòng Truyền thừa Drukpa có mối liên kết sâu sắc với đất nước và con người Việt Nam. Ngài cho rằng đất nước và dân tộc Việt Nam trải qua nhiều khó khăn mà vẫn vững vàng phát triển, không chỉ nhờ công sức của những người đàn ông mà một phần rất lớn nhờ công lao của phụ nữ.
"Tôi muốn gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến tất cả những người phụ nữ Việt Nam đã góp sức gây dựng đất nước này, từ thế hệ này cho tới thế hệ khác. Sự đóng góp của người phụ nữ là vô cùng quan trọng. Bạn có thể thấy và hiểu một cách vô cùng rõ ràng, ngay cả từ góc độ quốc tế", Ngài chia sẻ.
Đức Gyalwang Drukpa cho biết, dù đi bất kỳ đâu trên thế giới, Tăng đoàn Drukpa luôn bao gồm các chư ni - thông điệp cho rằng phụ nữ có thể làm được rất nhiều việc thiện hạnh lợi lạc.
Đức Gyalwang Drukpa là Bậc lãnh đạo tâm linh đứng đầu Truyền thừa Drukpa thuộc Phật giáo Kim Cương thừa, khởi nguồn cách đây nghìn năm từ Ấn Độ. Ngài được người dân vùng Himalaya tôn kính là hiện thân của Đức Phật Quan Âm và hóa thân chuyển thế của nhiều Đại Thành tựu giả trứ danh trong quá khứ như Đức Naropa, Đức Gampopa... liên tục trở lại nhân gian để lợi ích chúng sinh.
Theo kế hoạch, sáng 9/3, Đức Gyalwang Drukpa và tăng đoàn làm lễ quán đỉnh, cầu an cầu siêu tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP HCM). Ngài sẽ lần đầu ban truyền quán đỉnh cộng đồng pháp tu Phật Dược sư (Phật bộ Dược sư gồm bảy vị) theo đúng nghi thức Phật giáo Kim Cương thừa.
Theo Giáo lý Mật điển luận, Đức Phật Dược Sư là Tôn chủ của thế giới Tịnh Độ Lưu Ly ở phương Đông. Tu trì chân ngôn Phật Dược Sư có thể tiêu trừ được bách bệnh nan y của thân, tâm bệnh, căn bản phiền não, thành tựu các thiện hạnh thế gian và siêu việt thế gian (vượt ra ngoài thế giới hiện tại).
Thực tướng của các bệnh khổ này là do căn bản vô minh. Đức Phật Dược Sư phát 12 đại nguyện cứu độ các tật khổ của hết thảy chúng sinh. Ngài cứu giúp chúng sinh thoát khỏi luân hồi sinh tử cho nên tôn xưng Ngài là Đại Dược Vương Phật hay Vương Thiện Đạo.
Cũng tại chùa Vĩnh Nghiêm, sáng chủ nhật 10/3 là pháp hội quán đỉnh Cầu siêu Jangwa 100 Phật Bản Tôn An Bình Uy Mãnh khai thị cứu độ thân trung ấm, chuyển di tâm thức, giải thoát siêu độ chư hương linh. Nghi lễ quán đỉnh Jangwa không chỉ độ thoát cho chư hương linh mà còn giúp những người đang sống được an lành, không còn bị phiền lụy.
Theo Đức Gyalwang Drukpa: "Tất cả mọi bệnh tật khổ đau đều bắt nguồn từ vô minh. Vô minh không còn thì tất cả bệnh tật khổ đau cũng không còn. Khi bệnh tật khổ đau tan biến thì hạnh phúc chân thật sẽ đến".
Buổi chiều cùng ngày, Ngài có buổi tọa đàm với giới trẻ về đề tài Bảo vệ động vật và môi trường.
Đức Gyalwang Drukpa: \'Hạnh phúc là biết bằng lòng với cuộc sống\' Hạnh phúc đến từ bên trong mỗi người, đòi hỏi sự rèn luyện để tập hài lòng với những gì mỗi người đang có. |