Đức tìm cách tăng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng từ Canada, đồng thời vận động Ottawa trả lại các tuabin khí thuộc dự án Nord Stream 1 với hi vọng có thể sớm đưa tuyến ống dẫn khí lớn nhất từ Nga sang châu Âu hoạt động trở lại.

Reuters ngày 25/8 (giờ Hà Nội) dẫn lời Ngoại trưởng Canada Melanie Joly xác nhận, nước này đã nhận được đề nghị trực tiếp và đồng ý với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về việc sẽ vận chuyển 5 tuabin nén khí thuộc dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 từ thành phố Montreal của Canada về Đức, bất chấp những yêu cầu từ Ukraine. “Đó là quyết định mà chúng tôi đã đưa ra”, Ngoại trưởng Canada Joly nhấn mạnh. “Đó chính xác là những gì Đức yêu cầu chúng tôi”.

qt.png -0
Thủ tướng Đức Scholz (trái) bên người đồng cấp Canada Trudeau khi công bố các thỏa thuận năng lượng mới. Ảnh: Getty Images

Những chiếc tuabin mà Canada nhắc tới do tập đoàn Siemens Energy cung cấp cho Nga phục vụ công tác bơm khí đốt lâu nay từ Nga sang Đức qua tuyến đường ống Nord Stream 1 chạy dưới đáy biển Baltic. Chúng được đưa từ Nga sang Canada để bảo dưỡng cách đây vài tháng, nhưng mắc kẹt ở đó bởi tác động của các biện pháp cấm vận mà Canada và các quốc gia phương Tây áp đặt chống Nga.

Thiếu tuabin thay thế, Nga giới hạn công suất bơm khí qua Nord Stream 1 sang Đức từ ngưỡng hơn 150 triệu mét khối mỗi ngày còn 30 triệu mét khối, tương đương 20% công suất khiến Đức vất vả tìm cách bù đắp. Đức vài tháng qua đã nỗ lực vận động Canada sớm trả tuabin thuộc dự án Nord Stream 1. Quyết định lần này được Canada công bố khi đích thân Thủ tướng Đức Scholz tới công du Canada để thương lượng với người đồng cấp nước chủ nhà Justin Trudeau.

Hiện vẫn chưa rõ liệu quyết định của Canada có giúp Đức “hồi sinh” dòng chảy qua Nord Stream 1 hay không. Cả hai nước đã đều bị Ukraine chỉ trích. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, Điện Kremlin sẽ coi động thái này là dấu hiệu của sự “yếu đuối”. Trong cuộc phỏng vấn với báo chí Canada, Đại sứ Ukraine tại Canada Yulia Kovaliv thì kêu gọi Canada hủy lệnh miễn trừ trừng phạt. Canada sau đó phản bác rằng, bước đi đó là cần thiết để đảm bảo nguồn cung khí đốt cho Đức. Ottawa cũng lập luận, việc Canada từ chối trả lại tuabin có thể khiến dư luận đổ lỗi tình trạng thiếu năng lượng ở châu Âu cho các lệnh trừng phạt Nga, điều có thể làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng ở phương Tây với Kiev.

Gazprom chưa bình luận về động thái mới nhất và việc liệu họ có nhận lại những chiếc tuabin đó hay không. Tháng trước, Ottawa từng chuyển một tuabin về Đức, nhưng Gazprom đã từ chối nhận bàn giao. Gazprom lập luận, tuyến đường vận chuyển tuabin đã thay đổi khi nó không được đưa thẳng từ Canada về Nga mà lại tới Đức, điều họ chưa chấp thuận và có thể gây rắc rối sau này. Gazprom khẳng định sẽ chỉ nhận tuabin nếu được đảm bảo miễn trừ trừng phạt không chỉ từ Canada mà còn từ Anh và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác. Giới quan sát nêu quan điểm, Đức sẽ mất khá nhiều thời gian để hoặc là thuyết phục Gazprom, hoặc là đề nghị đồng minh châu Âu đáp ứng yêu cầu do Gazprom đưa ra.

Ngoài vấn đề liên quan đến tuyến đường ống Nord Stream 1, mục tiêu lớn tiếp theo của ông Scholz ở Canada là tìm kiếm các thỏa thuận năng lượng mới. Ông Scholz hôm 24/8 đã kí một thỏa thuận với Thủ tướng Canada Trudeau về một dự án đầy tham vọng nhằm khởi động xuất khẩu nhiên liệu hydro từ miền Đông Canada sang châu Âu từ năm 2025. Canada sản xuất khoảng 3 triệu tấn nhiên liệu hydro từ khí đốt tự nhiên mỗi năm và nằm trong Top 10 nhà sản xuất nhiên liệu hydro thế giới. Tuy vậy, thỏa thuận giữa Đức và Canada không ràng buộc về mặt pháp lý và không đặt mục tiêu khối lượng nhiên liệu hydro được sản xuất nên rất khó để dự báo liệu chúng sẽ mang lại hiệu quả chừng nào.

Bên cạnh đó, ông Scholz cũng kì vọng Canada sẽ trở thành nhà cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) tin cậy của Berlin và toàn thể châu Âu. Ông nói Đức đang gấp rút xây dựng hạ tầng các cảng LNG và hệ thống đường ống để tăng cường nhập khẩu từ Canada cũng như các quốc gia khác. “LNG là thứ không thể thiếu bởi chúng tôi muốn thoát phụ thuộc vào khí đốt Nga”, ông Scholz nhấn mạnh. Thế nhưng kế hoạch này đã bị chính Canada hoài nghi. Thủ tướng Canada Trudeau mô tả khoảng cách từ các mỏ khí đốt ở miền Tây Canada đến cảng ở Đại Tây Dương quá xa. Ông Trudeau nhận định, thách thức chính liên quan đến LNG là phải đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng để xuất, nhập khẩu và đó có thể “không phải khoản đầu tư khôn ngoan”.

Vừa tìm kiếm nguồn cung bổ sung từ nước ngoài, chính phủ Đức cũng rốt ráo ban bố các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong nước, bao gồm hạn chế sử dụng đèn chiếu sáng ở nơi công cộng, quy định nhiệt độ sưởi tối đa tại các tòa nhà công sở, bệnh viện vào mùa Đông cũng như ngừng cấp nước nóng tại một số công trình công cộng. Cách đây một tuần, Thủ hiến bang Baden Wuerttemberg của Đức Winfried Kretschmann đã gây tranh cãi khi ông kêu gọi dân chúng tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng khăn lau người thay vì… “lúc nào cũng tắm”.

Đức trụ được bao lâu nếu Nga cắt hẳn khí đốt?

Mùa hè thường là khoảng thời gian Đức được mua khí đốt rẻ hơn những thời điểm khác trong năm vừa để sử dụng vừa để tích trữ do nhu cầu sưởi ấm giảm. Nhưng mùa hè năm nay, Đức phải mua khí đốt với giá cao gấp 11 lần trung bình các năm trước. Ngay cả khi cố gắng thu gom khí đốt ở giá cao, kho dự trữ của Đức rất khó đạt mục tiêu lấp đầy 95% trước tháng 11, hiện mới ở mức 80%.

Bloomberg cách đây vài ngày dẫn lời ông Klaus Mueller, chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, đơn vị quản lý năng lượng của Đức, cảnh báo, trong trường hợp Nga cắt hẳn nguồn cung khí đốt, kho dự trữ của Đức sẽ chỉ đủ dùng trong 2 tháng rưỡi cho nhu cầu sưởi ấm, phát điện và vận hành hạ tầng công nghiệp. Đó là chưa kể Đức còn nghĩa vụ chia sẻ năng lượng với các quốc gia láng giềng, nhất là Pháp, trong bối cảnh tình trạng hạn hán khiến một loạt nhà máy điện hạt nhân của Pháp hoạt động cầm chừng vì không đủ nước làm mát.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/duc-loay-hoay-tim-loi-thoat-khung-hoang-nang-luong-i665340/

Thái Hà / cand.com.vn