Phát biểu tại Singapore, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói nước này nỗ lực đa dạng hóa quan hệ thương mại nhưng không có nghĩa là sẽ "tách rời" khỏi Trung Quốc.

Phát biểu tại hội nghị doanh nghiệp ở Singapore, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nỗ lực mới của chính phủ ông, nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại ở châu Á, sẽ không dẫn đến sự tách rời khỏi Trung Quốc.

“Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này rất rõ ràng: cách tốt nhất để có chuỗi cung ứng linh hoạt hơn là đa dạng hóa mối quan hệ thương mại. Tuy nhiên, đa dạng hóa không có nghĩa là tách rời. Điều này rất quan trọng trong thời điểm khi các khái niệm như chuyển sản xuất về gần (near-shoring), phi toàn cầu hóa và tự cung tự cấp đang được quan tâm", ông nói. 

Đức nỗ lực đa dạng hóa thương mại ở châu Á - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AP)

Theo ông Scholz, nỗ lực giảm bớt “sự phụ thuộc một chiều rủi ro” trong các lĩnh vực thương mại, bao gồm nguyên liệu thô và công nghệ quan trọng, sẽ “đóng một vai trò lớn” trong chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi mà liên minh đảng cầm quyền của ông đang vạch ra.

Liên minh cầm quyền ở Berlin đang đẩy mạnh nỗ lực phát triển các thị trường thay thế, sau khi xung đột Nga-Ukraine đặt ra nguy cơ của việc phụ thuộc quá mức vào một thị trường. Khi Moskva ngừng cung cấp khí đốt, châu Âu nhận thấy sự phụ thuộc nặng nề của mình vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và muốn đánh giá lại những rủi ro tiềm ẩn trong mối quan hệ thương mại của họ với Trung Quốc.

“Phi toàn cầu hóa không phải là lựa chọn cho bất kỳ ai trong chúng ta. Hãy chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu, chống lại các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và tình trạng mất an ninh lương thực, chuyển đổi sang các nền kinh tế trung hòa (về khí hậu). Đổi mới là chìa khóa cho tất cả những thách thức toàn cầu này. Tuy nhiên, rào cản thương mại tăng lên sẽ làm giảm cạnh tranh và dẫn đến ít đổi mới hơn", ông Scholz cho biết hôm 14/11. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nói Berlin sẽ thận trọng về các cơ sở hạ tầng quan trọng của mình. "Về nguyên tắc, Đức không ghét thương mại với Trung Quốc, nhưng có một số lĩnh vực nhạy cảm nhất định trong nền kinh tế chúng tôi có thể không chào đón đầu tư của Bắc Kinh", ông nói. Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Berlin chặn việc công ty Trung Quốc mua lại công ty sản xuất chất bán dẫn và chip máy tính.

 https://vtc.vn/duc-no-luc-da-dang-hoa-thuong-mai-o-chau-a-ar713694.html

Phương Anh / VTC News