Từ ngày về trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đời sống của người lao động Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) đã được cải thiện đáng kể. Đây là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, DQS vẫn đang thua lỗ do “lịch sử để lại”, nhưng PVN bị chỉ trích gay gắt, thiếu khách quan…
Đầu tư lớn, sử dụng ít
Kể từ ngày 1/7/2010, DQS được chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin.
Một trong những nguyên nhân mà DQS lâm vào cảnh nợ nần và “âm” vốn lớn là do công tác đầu tư ban đầu thiếu đồng bộ. Nhà máy đóng tàu có công suất thiết kế giai đoạn I (đến năm 2010) với mục tiêu đóng mới khoảng 600 nghìn tấn tàu/năm (tương đương với đóng 6 con tàu 100.000 DWT); giai đoạn II (từ năm 2010-2015) nâng công suất lên đóng mới 1.100.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, đúng vào giai đoạn đó, thị trường đóng tàu suy giảm, nhà máy phải chuyển hướng từ đóng mới sang sửa chữa. Vốn đầu tư khá lớn, nếu tiếp tục đầu tư đóng mới tàu thì chẳng khác “quẳng tiền xuống nước rồi tự lặn mò”, vì vậy, nhiều hạng mục đang đầu tư dở dang phải “đắp chiếu”.
Theo báo cáo mới nhất của DQS, các tài sản đã đầu tư được tạm ghi nhận trên sổ kế toán là 3.415 tỉ đồng, song thực tế sử dụng rất ít. Tổng tài sản của DQS đến hết 6 tháng đầu năm 2018 là 5.598,46 tỉ đồng, nếu phải đưa vào khấu hao hằng năm thì ắt “từ chết đến chết”. Vì vậy, hết 6 tháng đầu năm 2018, vốn chủ sở hữu của DQS đã “âm” khoảng 1.206,92 tỉ đồng.
FSO Đại Hùng Queen được hoán cải tại DQS
Như vậy, ngay từ khi chuyển sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, DQS đã mang trên mình một khối tài sản vô cùng lớn nhưng sử dụng rất ít. Lỗi này là do lịch sử để lại, hoàn toàn không phải do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo đầu tư không hiệu quả. Ngược lại, ngay từ khi tiếp nhận DQS,Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc tái cấu trúc doanh nghiệp; các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng chung sức để con tàu DQS vượt qua khó khăn…
Sự quyết liệt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Ngay sau khi được tiếp nhận DQS, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có Nghị quyết 1781/NQ-DKVN ngày 29/7/2010 về tổ chức và cơ cấu lại DQS theo ngành nghề kinh doanh chính: Đóng mới, sửa chữa tàu thủy, giàn khoan và các phương tiện nổi. Cùng với đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có lộ trình từng bước đầu tư cho DQS. Tính đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cấp 1.915,5 tỉ đồng vốn điều lệ cho DQS, nâng số vốn thực góp lên 1.990,5 tỉ đồng.
DQS đã chuyển giao các công ty con sang các doanh nghiệp thành viên PVN, gồm: Công ty TNHH MTV Vận tải thủy bộ sang PVTrans; Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình Dung Quất sang PVC-MT, Công ty TNHH MTV Cung ứng dịch vụ Hàng hải Vinashin sang PETROSETCO.
DQS đã rút gọn nhân sự từ 2.345 người (tại thời điểm chuyển giao) xuống còn 791 người hiện nay. Số nhân sự dôi dư đã được điều chuyển cho các doanh nghiệp thành viên trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song hiện nay DQS vẫn bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Tại thời điểm mới được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , thu nhập bình quân của người lao động chỉ có 2,8 triệu đồng/người/tháng, đến nay đã đạt xấp xỉ 7 triệu đồng/người/tháng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tạo điều kiện cho DQS được cung cấp các dịch vụ sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, giàn khoan, các phương tiện nổi… Hoạt động sản xuất kinh doanh của DQS đã từng bước ổn định và đã giảm lỗ (năm 2011 lỗ 908,30 tỉ đồng; đến năm 2013 giảm còn 369,61 tỉ đồng).
FSO Chí Linh của Vietsovpetro được bảo dưỡng, sửa chữa tại DQS
Thực hiện Nghị quyết số 8019/NQ-DKVN ngày 14/11/2014 của Hội đồng Thành viênTập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc chấp thuận phương án đối với những chi phí không tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DQS, năm 2014, DQS lãi 49,93 tỉ đồng, năm 2015 lãi 28,47 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2016, 2017 và ước 6 tháng đầu năm 2018, DQS bị lỗ trở lại.
Nguyên nhân của sự thua lỗ
Theo báo cáo của DQS, từ 6 tháng cuối năm 2010 đến năm 2013, những tồn tại về tài chính chưa được xử lý tại thời điểm 1/7/2010 và các chi phí tiềm ẩn trước thời điểm 1/7/2010 phát sinh sau khi Vinashin chuyển giao DQS về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, DQS đã phải gánh chịu những khoản lỗ cụ thể: Lỗ do phân bổ chi phí tài chính từ 1/7/2010 đến 31/12/2013: 1.044,31 tỉ đồng; do phân bổ chi phí dự phòng của các sản phẩm tồn đọng do Vinashin chuyển giao: 439,06 tỉ đồng; do phân bổ dự phòng giảm giá vật tư, vật liệu tồn kho của 2 tàu 54K và 105K: 56,53 tỉ đồng; thanh lý vật tư không có nhu cầu sử dụng (thép tấm): 24,18 tỉ đồng; do phân bổ đủ giá trị khấu hao tài sản cố định: 780,87 tỉ đồng; do các chi phí khác: 245,71 tỉ đồng...
Riêng trong hai năm 2014 và 2015, thực chất DQS vẫn chưa thể có lãi nếu phải tính đầy đủ các khoản chi phí lãi vay và khấu hao tài sản cố định (năm 2014 tạm khoanh 172 tỉ đồng; năm 2015 tạm khoanh 164 tỉ đồng).
Mặc dù DQS đã thực hiện khoanh chi phí không tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 8019/NQ-DKVN, tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá dầu giảm nên một số khách hàng trong ngành như Vietsovpetro, PVTrans… đã điều chỉnh (giản tiến độ hoặc hủy) kế hoạch đầu tư đóng mới và sửa chữa nhiều sản phẩm, cắt giảm chi tiêu, cắt hạng mục sửa chữa... dẫn đến doanh thu của DQS thấp, cộng với việc DQS phải gánh chịu một số khoản chi phí hằng năm (bao gồm chi phí khấu hao tài sản cố định, quản lý doanh nghiệp, lãi phạt YMC, VFC) khoảng 120 tỉ đồng, nên DQS bị thua lỗ.
Tuy gặp những khó khăn chồng chất, song bản thân DQS vẫn đang hết sức nỗ lực. Theo đánh giá mới nhất, năm 2018, DQS có thể hoàn thành 75% kế hoạch đề ra. Điểm đáng ghi nhận là DQS đã và đang cố gắng tìm kiếm thị trường ngoài ngành. Nếu như năm 2017, tỉ lệ công việc ngoài ngành mới đạt 22%, thì năm 2018 đã đạt 28%.
Để thực hiện Quyết định 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương”, để “con tàu” DQS không bị “chìm hẳn”, DQS rất cần có một cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Dù có tiếp tục tồn tại, hoặc bị bán, DQS cũng phải có chiến lược sản xuất kinh doanh cho đến khi “sống tốt” hoặc chuyển đổi chủ sở hữu.
Một trong những việc cần làm ngay là phải xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, đầu tư, công nợ, lao động… Dĩ nhiên, để làm được những điều đó, bản thân DQS và cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng không đủ sức thực hiện, mà rất cần sự giúp đỡ của các bộ, ngành liên quan.
Chỉ có như vậy DQS mới không kéo dài tình trạng “sống mòn” như hiện nay.
Hầu hết các hạng mục công trình, dự án của DQS được thực hiện trước thời điểm chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều thiếu sót về pháp lý liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư (tự thực hiện, chỉ định thầu, trượt giá...) đến nay vẫn chưa được giải quyết nên việc quyết toán gặp rất nhiều khó khăn.
Đặng Trung Hội
DQS hoàn thành 60 ngày đêm sửa chữa FSO Chí Linh Ngày 11/9, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đã tổ chức Lễ tổng kết thi đua 60 ngày đêm hoàn thành kế hoạch ... |
DQS tổng kết 60 ngày đêm hoàn thành sửa chữa tàu Chí Linh giai đoạn 1 Chiều ngày 11/9/2018 tại Hội trường Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), Công đoàn - Đoàn Thanh niên DQS phối hợp với ... |
DQS đã vượt qua “sóng dữ” Do “lịch sử để lại”, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) lâm vào tình trạng bi đát về tài chính, dẫn tới ... |