Khi mà những hình ảnh đau lòng của các bé mầm non bị bạo hành tạm lắng xuống thì chiều ngày 31-7 một sự việc lại khiến dư luận dậy sóng. Cháu bé mới 18 tháng tuổi phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê và nhiều vết bầm tím do người trông trẻ bạo hành.

Sau nhiều vụ việc tương tự cho thấy rất nhiều giáo viên mầm non bộc lộ sự bất lực của mình khi không có phương pháp sư phạm, đặc biệt là không có tình yêu với con trẻ, đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp và pháp luật.

Những sự việc đau lòng

Cháu bé mới 18 tháng tuổi quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh nghi bị hai vợ chồng trông trẻ bạo hành dùng băng keo bịt miệng, buộc chân. Cháu bé đã phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, sốc, hôn mê cùng nhiều vết lằn tổn thương da tại vùng chân, tay, mông. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau 5 ngày nhập viện, cháu bé có biểu hiện tổn thương thần kinh và đang được chăm sóc đặc biệt, theo dõi đánh giá tổn thương não.

16
Cháu bé mới 18 tháng tuổi bị bạo hành và đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã phát hiện nhiều việc bất thường, nghi ngờ có dấu hiệu bạo hành nên đã trình báo cơ quan công an. Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng đã điều tra sơ bộ và xác định, ngày 21-7, mẹ cháu T. là chị Lê Thị Lan H. (28 tuổi; trú tại Đức Thọ, Hà Tĩnh) thuê Đoàn Diệu Linh (26 tuổi, trú tại 82A/3C phường Chùa Thông, thị xã Sơn Tây) trông cháu T. với giá 3.000.000 đồng/tháng tại ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội để đi làm công nhân tại Bắc Giang.

Trong quá trình trông cháu T., do cháu bị sốt và quấy khóc nên Linh và chồng là Hoàng Thế Vũ (28 tuổi, trú tại La Xuyên, Vạn Thắng, Ba Vì) đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, dùng chăn quấn vào người và dùng băng dính bịt miệng cháu Tr. Đến ngày 26-7, thấy cháu T. mệt mỏi, khó thở, Vũ và Linh đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

17
Theo điều tra ban đầu, Đoàn Diệu Linh và chồng là Hoàng Thế Vũ đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, dùng chăn quấn vào người và dùng băng dính bịt miệng cháu T..

Trẻ mầm non bị hành hạ không còn là chuyện hiếm, những hình ảnh yếu ớt của các bé khi bị đánh đập khiến mọi người không cầm được lòng. Như năm 2018, trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh được cắt từ clip ghi lại cảnh hành hạ trẻ em tại Cơ sở mầm non Mẹ Mười, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Theo đó, trong clip là hình ảnh một người phụ nữ đang cho một em bé ăn. Bé không mặc quần áo, nằm trên nền nhà, bị bảo mẫu gác chân lên người.

Đáng nói, khi bé ăn chậm, khóc thì bị người phụ nữ phủ khăn lên mặt rồi đánh liên tiếp vào đầu, bóp mặt rồi xách lên... Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi “hành hạ người khác” của bà Đinh Thị Hồng – chủ Cơ sở mầm non Mẹ Mười.  Cơ sở này sau đó đã bị đóng cửa còn bà Hồng bị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng tuyên phạt 2 năm tù về tội “Hành hạ người khác”.

Tương tự vào năm 2017, những hình ảnh các “cô giáo” sử dụng cây lau nhà, vỏ bình nước rửa bát, dép… hoặc dùng chân để đạp, đánh đập, hành hạ trẻ gây rúng động dư luận. Cơ quan điều tra vào cuộc và có đủ chứng cứ đã có hơn 20 bé bị hành hạ ở Cơ sở mầm non Mầm Xanh. Kết quả giám định pháp y cho thấy, nhiều bé có tình trạng chậm phát triển tâm thần, vận động. Cơ sở này còn quản lý chất lượng bảo mẫu vô cùng lỏng lẻo khi 1 trong 3 đối tượng liên quan đến vụ việc chưa hoàn thành bậc giáo dục cấp 2.

18
Nhìn cảnh tượng này không ai có thể cầm lòng.
Chỉ có 3 giáo viên trông coi 30-40 trẻ, vượt quá ngưỡng cho phép, không đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ. Ngày 25-7-2018, Toà án nhân dận quận 12, TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt 3 bị cáo: Phạm Thị Mỹ Linh (chủ cơ sở Mầm Xanh) - 3 năm tù; Nguyễn Thị Đào - 2 năm tù; Phạm Như Huỳnh - 1 năm 6 tháng tù. Tuy nhiên, do Huỳnh phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi còn Đào phạm tội khi đang mang thai nên tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo…

Nhiều người cho rằng, những vụ việc được phanh phui cũng chỉ là tảng băng nổi, bởi ở tuổi này các bé không thể phản kháng cũng như chia sẻ với ai. Những vết thương ấy chính các con phải chịu nhưng cũng là nỗi đau của cha mẹ, của những nhà sư phạm có lương tâm và toàn xã hội.

Phải có tình yêu trẻ mới làm được nghề

Trẻ mầm non được cha mẹ gửi đến trường không chỉ để nhờ vào phương pháp sư phạm mà còn nhờ vào tình yêu thương của các cô giáo – những người như người mẹ thứ hai chăm sóc từ bữa ăn giấc ngủ, vệ sinh cá nhân trong suốt thời gian dài. Các bé gắn bó với cô giáo, gần gũi với cô nhiều hơn cả cha mẹ. Chính vì thế, nếu giao con em mình cho những giáo viên mầm non vô cảm, cư xử bạo lực, không khác nào “gửi trứng cho ác”. Vì thế, bà Trần Hằng, Phó khoa Giáo dục mầm non - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương khẳng định: “Nếu không yêu trẻ, sinh viên hãy mạnh dạn bỏ ngành mầm non”.

19
Giáo viên mầm non không chỉ là người có nghiệp vụ mà còn là những người thực sự có tình yêu với trẻ nhỏ.

Điều này có thể thấy, điều kiện tiên quyết, đặc biệt quan trọng của một giáo viên mầm non chính là phải có tình yêu với trẻ. Chị Nguyễn Thanh Nhàn (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Thực sự là quá khó để biết được cô giáo có yêu thương con mình hay không. Mỗi buổi sáng gửi con tức là đã gửi gắm toàn bộ cả sự tin yêu vào cô giáo. Trước khi gửi con thì chúng tôi cũng chỉ biết kiểm tra xem cơ sở vật chất ở đó thế nào, có đảm bảo hay không? Rồi trường tư thục ấy có giấy phép hay không? Còn lại thì hoàn toàn dựa vào giáo viên cả”.

Nhưng kỹ năng yếu kém dường như vẫn còn dễ chấp nhận hơn sự thiếu đạo đức nghề nghiệp. Ngay cả các trường đào tạo sư phạm chuyên môn cũng còn rất mù mờ về câu chuyện thế nào là một người phù hợp với ngành sư phạm. Giáo dục là liên quan đến con người. Một giáo viên mầm non không có tình yêu thương con trẻ, không gắn tình thương cùng trách nhiệm thì cầm chắc rằng khi họ ở trong môi trường nuôi dạy trẻ, họ không lan tỏa được điều gì. Và bạo hành trẻ nhỏ là câu chuyện xảy ra không sớm thì muộn.

Theo thống kê, ở Hà Nội hiện có 1.012 trường mầm non công lập, hơn 1.700 nhóm lớp tư thục, tổng số hơn 528.000 trẻ, trong đó 22% số trẻ học tại các cơ sở ngoài công lập, bao gồm các trường tư thục, dân lập và các nhóm lớp. Đấy là thủ đô, còn các địa phương và các vùng sâu vùng xa thì còn khó khăn hơn. Chính vì thế việc gửi con đến các trường tư thục, cơ sở giữ trẻ tư nhân, tự phát là lựa chọn bắt buộc của nhiều gia đình. Trước khi quyết định gửi con, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ cơ sở đó có giấy phép hay chưa, cơ sở vật chất có đảm bảo việc chăm sóc trẻ hay không? Tuy nhiên về trình độ của giáo viên tại đây thì rất khó để kiểm chứng, đặc biệt là các giáo viên ấy có thực sự coi con trẻ như con mình hay không, chăm sóc và nuôi dạy chúng có đúng tình yêu thương hay không?

Rõ ràng, bản thân cha mẹ khi gửi con vào một cơ sở mầm non tư thục không thể biết giáo viên dạy con mình bằng cấp ra sao, được đào tạo kỹ năng như thế nào. Phải sau rất nhiều vụ việc bạo hành với trẻ nhỏ, cơ quan chức năng vào cuộc họ mới tá hỏa nhận ra rằng, giáo viên mầm non có thể được tuyển dụng từ những người được đào tạo ở ngành nghề khác, thậm chí chưa qua đào tạo bao giờ. Thực tế rất nhiều giáo viên mầm non đi làm với mục đích chính là kiếm đồng lương. Hoặc họ học một ngành nghề gì đó nhưng không xin được việc thì chuyển qua làm giáo viên mầm non. Một số xác định đó là giai đoạn tạm thời, trong lúc chờ đợi tìm kiếm cơ hội việc làm khác. Như vậy làm sao có thể toàn tâm toàn ý, dốc lòng yêu thương trẻ nhỏ.

Cá biệt hơn, ở những khu lao động dành cho công nhân và người nghèo, các cơ sở nuôi giữ trẻ là tự phát, như một vài người cao tuổi, về hưu, hoặc nội trợ rảnh rỗi, nhận trông giữ trẻ tại nhà với mức tiền thấp phù hợp với thu nhập của các phụ huynh nghèo. Một người có thể nhận 4-5 đứa trẻ để trông coi. Ăn ngủ, vệ sinh cá nhân, xử lý các tình huống có tính chất phức tạp, nguy hiểm như khi trẻ té ngã hay ăn uống bị sặc, bị nghẹn đường thở... đều do bản năng của người bảo mẫu.

Phong Anh / CAND