Lẽ ra Đài Truyền hình Quốc gia thu được rất nhiều tiền từ các phim, gameshow... thì phải hỗ trợ các chương trình tuy không lợi nhuận nhưng có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Khi Thu Uyên chia sẻ thông tin, Như chưa hề có cuộc chia ly có nhiều khả năng sẽ phải ngừng phát sóng sau số 134, tôi buồn nhưng không ngạc nhiên. Từng tham gia thực hiện các chương trình Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng, giúp người nông dân thoát nghèo một cách bền vững, tôi hiểu rằng, duy trì một chương trình mang ý nghĩa xã hội trong thời buổi hiện nay là điều cực kỳ khó khăn.

dung nhu chua he co cuoc chia ly khong le chang con gi quan trong hon tien
Một trong những cuộc hội ngộ xúc động trong chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly".

Như chưa hề có cuộc chia ly không đơn thuần là một chương trình truyền hình, một gameshow giải trí đơn thuần. Đây chỉ là bề nổi của hoạt động tìm kiếm, gắn kết những con người vì một lý do nào đó mà lạc mất nhau.

Nội dung của Như chưa hề có cuộc chi ly đúng là khá sướt mướt. Nó khiến người xem phải khóc rất nhiều. Có nhiều lúc, vì cảm thấy quá đau lòng, tôi không dám xem hết chương trình khi nó lên sóng trực tiếp. Nhưng những ngày sau đó, tôi vẫn bị ảm ảnh bởi câu hỏi, không biết hôm đó có ai tìm được người thân không. Thế là, tôi lại tìm cách xem lại chương trình.

Tôi tin, sự mất mát của những con người tham gia Như chưa hề có cuộc chia ly không chỉ có tác động mạnh tới tôi mà còn tới hàng triệu khán giả xem truyền hình khác. Từ đó, mọi người sẽ nhận ra mình may mắn tới chừng nào. Họ sẽ biết trân trọng những người thân của mình hơn. Họ sẽ thấy yêu quý gia đình, giữ gìn gia đình mình hơn. Gia đình là tế bào của xã hội. Và khi cái tế bào ấy được gắn kết, chắc chắn cả xã hội sẽ được gắn kết nhiều hơn.

Trong suốt 13 năm qua, Thu Uyên cùng các đồng nghiệp của mình tạo dựng nên cả mạng lưới tìm kiếm, kết nối những con người lạc mất nhau. Khi có một thông tin được đưa ra, bao nhiêu người gọi điện, cung cấp thông tin. Hàng triệu người thể hiện sự quan tâm và sẵn lòng giúp đỡ. Lòng tốt đang được đánh thức, tình yêu thương trong mỗi con người được trỗi dậy.

Tôi cứ tự hỏi, một chương trình có ý nghĩa như thế, có sức lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái, hàn gắn vết thương trong tim hàng triệu con người, tại sao lại không được duy trì?

Có người nói rằng, Như chưa hề có cuộc chia ly tồn tại 13 năm đã là quá thành công, đặc biệt trong thời buổi các gameshow nở rộ như hiện nay. Nếu như chương trình chỉ dừng lại với lý do format cũ thì chúng ta có thể hiểu và chấp nhận được. Nếu chương trình không còn hấp dẫn, ê-kíp thực hiện hoàn toàn có thể thay đổi. Đồng thời tôi biết ekip cũng luôn tìm cách thay đổi những chi tiết trong format để chương trình ngày càng gây xúc cảm mạnh hơn. Nhưng đó vẫn chỉ là câu chuyện làm nghề một cách đơn thuần.

Nhưng Như chưa hề có cuộc chia ly dừng lên sóng đồng nghĩa với việc tất cả các hoạt động kết nối mà mọi người trong ê-kíp đã khởi động và rất nhiều khán giả mong muốn tiếp tục bị dừng lại chỉ bởi lý do rất đau xót. Nó chỉ dừng vì không thu hút được quảng cáo, không thu hút được đầu tư, không mang lại doanh thu cho đơn vị phát sóng. Nói tóm lại là chỉ vì tiền. Mà có cần gì nhiều nhặn đâu. Chỉ có 6 tỷ đồng bạc cho cả một năm hoạt động. Trong khi đó, ca sĩ tổ chức liveshow một đêm tốn 5 - 6 tỷ đồng là chuyện bình thường.

Trước Như chưa hề có cuộc chia ly, rất nhiều các chương trình có ý nghĩa xã hội cũng đã không còn được phát sóng như Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng.... Đây là những chương trình rất thành công nhằm giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững. Sau mỗi số lên sóng, khán giả có thể thấy rõ nó đã giúp bao nhiêu gia đình thoát nghèo, bao nhiêu trẻ em có cơ hội được tiếp tục đến trường, viết tiếp giấc mơ dang dở của mình.

Lục lạc vàng còn được thực hiện với một kết cấu rất chặt chẽ. Trong chương trình có phần Niềm vui hôm nay, tức là sau một thời gian, ê-kíp sẽ quay trở lại thăm chính những gia đình từng nhận được hỗ trợ, vừa là để chúc mừng vừa xem họ có sử dụng hiệu quả số vốn mà chương trình trao cho hay không. Đây là chương trình trợ giúp nhân đạo duy nhất có động tác “hậu kiểm” khiến cho hiệu quả trợ giúp được bền chắc và đúng mục tiêu.

Một chương trình có ý nghĩa thiết thực như thế, thậm chí nó còn giúp dấy lên phong trào tặng bò cho hộ nghèo khiến nhiều tổ chức, nhiều nhà hảo tâm hào hứng thực hiện việc thiện nguyện này, và đặc biệt một chương trình truyền hình quảng bá phong trào tặng bò còn có sự tham gia của Thủ tướng, Chủ tịch nước… thế nhưng cuối cùng cũng phải dừng lại sau 5 năm phát sóng. Lý do cũng giống Như chưa hề có cuộc chia ly: Thiếu tiền.

dung nhu chua he co cuoc chia ly khong le chang con gi quan trong hon tien
Chương trình "Lục lạc vàng" từng giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

Ở đây, chúng ta không thể trách những người thực hiện, các nhà đầu tư hay đơn vị sản xuất. Tôi cũng như những người tham gia chương trình đều hết lòng hết sức. Có những số, tôi phải đi liên tục 20 ngày, khi trở về mọi người trong nhà đều kinh hoàng vì thấy tôi "tàn tạ" quá. Vất vả là thế nhưng chúng tôi chỉ nhận đồng lương hết sức phải chăng. Nói thật, những đồng lương ấy hoàn toàn không xứng đáng với công sức chúng tôi bỏ ra. Chắc anh em trong ê-kíp Như chưa hề có cuộc chia ly cũng làm việc như thế. Nhưng anh em vẫn tâm niệm rằng đi làm việc thiện nguyện thì đừng bị đói là được!

Các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình nhân đạo cũng rất dũng cảm. Tôi có thể khẳng định, không đơn vị nào có thể kiếm lợi nhuận từ những chương trình truyền hình mang ý nghĩa thiện nguyện hiện nay. Họ chỉ dám mong khi mỗi chương trình lên sóng sẽ kiếm đủ số tiền để tái đầu tư cho chương trình sau. Họ xác định sẽ kiếm lợi nhuận ở những mảng kinh doanh khác và làm các chương trình thiện nguyện chỉ với mục đích mang lại điều tốt đẹp cho xã hội.

Chúng ta cũng không thể trách các nhãn hàng đầu tư. Những chương trình như Lục lạc vàng, Vượt lên chính mình, Như chưa hề có cuộc chia ly... hướng tới đối tượng khán giả là những người kém may mắn, những người chịu nhiều tổn thương, những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội. Họ chắc chắn không có khả năng mua hàng.

Khi các đơn vị đầu tư nhìn thấy không thể thu được nhiều lợi nhuận từ những chương trình như thế, họ sẽ rút. Một số nhãn hàng đã cố hết sức đồng hành với chương trình nhưng cũng chỉ trong khả năng cho phép của họ. Chúng ta không thể đòi hỏi thêm.

Ở đây, tôi chỉ ước giá như Chính phủ, Nhà nước và Đài Truyền hình Việt Nam thể hiện vai trò của mình tốt hơn. Chúng ta luôn đặt câu chuyện về hàn gắn dân tộc. Chúng ta luôn khẳng định, trong xã hội hiện nay, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta kêu cả xã hội chung tay giúp những người khó khăn thoát nghèo bền vững. Vậy những chương trình đang làm tốt điều đó như Như chưa hề có cuộc chia ly, Lục lạc vàng, Vượt lên chính mình.... tại sao lại không được duy trì?

Như chưa hề có cuộc chia ly không chỉ đơn thuần là thiện nguyện, là câu chuyện tìm kiếm người thân mà nó mang lại giá trị chính trị cho chính thể, làm cho chính thể trở nên ấm áp hơn, đáng tôn trọng hơn. Tại sao chúng ta không duy trì nó? Tại sao Chính phủ không trả tiền cho những chương trình như vậy?

dung nhu chua he co cuoc chia ly khong le chang con gi quan trong hon tien
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

Như chưa hề có cuộc chia ly tồn tại, tức là câu chuyện của sự gắn kết ấy vẫn tiếp tục. Chương trình đang ca tụng thể chế này không bỏ quên bất cứ ai lại phía sau. Nó ý nghĩa hàng hơn ngàn lời kêu gọi sáo rỗng, hàng ngàn thông điệp vẫn xuất hiện nhan nhản hiện nay.

Các nhà đầu tư, sản xuất đều đã mất rất nhiều công sức để thực hiện những chương trình có ý nghĩa thiện nguyện mà chẳng dám nghĩ tới lợi ích kinh tế. Lẽ ra, khi làm những chương trình này, họ cần được hà hơi tiếp sức bởi những đơn vị quản lý. Đằng này, đến một lời khen cũng không có. Vậy điều gì khiến những người thực hiện các chương trình thiện nguyện vững tin vào con đường họ đang đi?

Chúng tôi chỉ ước, những chương trình thiện nguyện, có ý nghĩa xã hội sẽ được đầu tư một khoản kinh phí mang tính chất "xương sống". Sau đó, những người thực hiện sẽ kêu gọi đầu tư, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp để tăng thêm sự hấp dẫn của chương trình.

Bất cập của Đài Truyền hình Quốc gia hiện nay là ngoại trừ chương trình thời sự ra, rất ít chương trình nào được Nhà nước tài trợ, theo nghĩa vì công tác thiện nguyện, vì lợi ích cộng đồng rộng lớn. Không những thế, hầu hết các chương trình phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam được xã hội hóa gần hết. Khái niệm xã hội hóa của họ không mang nghĩa vì lợi ích cộng đồng mà là lợi nhuận.

Các chương trình nhân đạo không mang lại lợi ích nhiều như mong muốn cho người đầu tư cũng như đơn vị phát sóng. Vì thế, khi lợi nhuận bị giảm sút, hoặc nhà đầu tư bỏ cuộc, đương nhiên cửa sóng cũng loại trừ những chương trình này.

Lẽ ra, Đài Truyền hình Quốc gia thì phải lấy cái nọ nuôi cái kia. Họ thu được rất nhiều tiền từ các gameshow ca nhạc, hài, các bộ phim truyện… thì phải có sự hỗ trợ ngược lại với những chương trình tuy không mang lại lợi nhuận nhưng có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Dù phải tự thu tự chi thì với danh nghĩa đài quốc gia, họ có nghĩa vụ mang lại lợi ích xã hội cho người dân chứ không chỉ chăm chăm nhìn vào lợi nhuận.

Chẳng lẽ hiện nay, đồng tiền là yếu tố duy nhất để quyết định sự tồn tại của một chương trình? Chẳng lẽ, chẳng còn gì quan trọng hơn đồng tiền?

dung nhu chua he co cuoc chia ly khong le chang con gi quan trong hon tien Như chưa hề có cuộc chia ly: Bất ngờ chương trình nhân ái phụ thuộc... quảng cáo

Việc "Như chưa hề có cuộc chia ly" dừng phát sóng do không gọi đủ quảng cáo được nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã coi ...

dung nhu chua he co cuoc chia ly khong le chang con gi quan trong hon tien Từ vụ mẹ bỏ con dưới hố ga đến cảnh "hấp hối" của một show truyền hình nhân đạo

Vì khó khăn kinh tế, người mẹ bỏ con đẻ dưới hố ga; và vì chuyện tiền bạc, người ta sẵn sàng để chương trình ...

dung nhu chua he co cuoc chia ly khong le chang con gi quan trong hon tien "Như chưa hề có cuộc chia ly": Vẹn nguyên giá trị nhân văn

Những chương trình đậm chất nhân văn, khơi dậy lòng trắc ẩn và hướng con người tới những suy nghĩ tốt đẹp, những hành động ...

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã / vtc.vn