Đang hành nghề câu mực trên biển, một ngư dân miền Trung không may bị đột quỵ trên tàu vừa được các y bác sĩ Bệnh viện 175 đưa về đất liền cứu chữa qua hệ thống cấp cứu trực thăng.
- Lai dắt tàu cá cùng 12 ngư dân từ Trường Sa về cảng Ba Ngòi an toàn
- Chìm tàu cá ở vùng biển Cù Lao Chàm, 5 ngư dân Quảng Nam may mắn thoát chết
Tối 11/6, ngư dân Phạm Hữu Nhân (54 tuổi) đang làm nghề câu mực trên tàu cùng với các ngư dân khác tại khu vực hướng Tây Nam của đảo Song Tử Tây, có biểu hiện mệt mỏi, ý thức chậm dần, không nói được, liệt nửa người phải, không đi lại được.
Đến trưa 12/6, bệnh nhân được các thuyền viên trên tàu cá QNa 91964 TS đưa vào đảo Song Tử Tây để cấp cứu.
Sau khi nhận được thông tin, lực lượng quân y của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang công tác tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã nhanh chóng phân công các y bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân. Bệnh nhân khi được tiếp nhận trong trạng thái hôn mê, Glasgow 12 điểm, không nói được, liệt nửa người…
Qua hội chẩn qua hệ thống Telemedicine cùng Bệnh viện Quân y 175 các bác sĩ nhận định bệnh nhân tiên lượng nặng, nguy cơ diễn biến phức tạp, có thể tử vong, nguy cơ suy hô hấp tiến triển, đề nghị đưa về đất liền điều trị.
Điều đáng nói khi tiếp nhận bệnh nhân đã trong tình trạng bị phù não do đột quỵ, nếu máy bay lên cao áp suất không khí giảm sẽ làm phù não nặng hơn nên bác sĩ đề nghị phi công bay tầm thấp.
Thượng úy, bác sĩ Tạ Văn Bạch, Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Quân y 175, cho biết, máy bay càng lên cao, áp suất không khí giảm sẽ khiến tình trạng phù não nặng hơn. Vì vậy, phi công phải bay thấp, duy trì ở độ cao khoảng 1.200-1.300 m thay vì 1.500 m như đường bay tiêu chuẩn. Điều này đòi hỏi đội bay phải điều khiển vất vả trong thời gian dài hơn.
Đêm 13/6, trực thăng EC 225 số hiệu VN 8622 đã đưa bệnh nhân từ đảo Song Tử Tây về đất liền, hạ cánh an toàn. Hiện các bác sĩ tại Bệnh viện 175 đang tiếp tục hội chẩn, cứu chữa tích cực cho ngư dân này.