Tôi gọi chị là Thu Cúc, một nhân vật trong phim 'Thu Cúc đi kiện' của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
Tôi gọi chị là Thu Cúc, một nhân vật trong phim 'Thu Cúc đi kiện' của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
Chị quạt nón cười hỏi Thu Cúc là ai, trong phim hả, trời ơi, phim thì chị đâu có rảnh mà coi nó tròn méo ra làm sao.
Chị ghé quán nước anh tôi, mỗi đầu tuần, với cái giỏ nặng trĩu trong tay. Trong giỏ có chừng nửa ký chanh giấy, vài trái dừa khô, dăm ba nải chuối già cui. Chanh thì để lại cho chúng tôi, còn chuối, còn dừa, chị phải đảo một vòng qua chợ. Mắc rẻ gì cũng bán, cho kịp giờ làm việc buổi sáng, bởi chị còn phải ghé vài cơ quan công quyền để thắc thỏm đưa thêm mấy lá đơn, hỏi thăm lượt đơn thưa trước đã có ai đọc, có ai giải quyết chưa?
Chị không biết cô Thu Cúc nào đó, na cái bụng bầu ọc ạch đi đòi công lý cho chồng, bởi phim ảnh trở nên xa xỉ khi chị cùng chồng con phải quần quật kiếm sống bằng đủ mọi nghề: hái rau, kiếm củi, đào đất mướn... Cuộc sống trở nên nhọc nhằn hơn từ dạo hàng xóm trái khoáy dẫn nước mặn vào nuôi tôm đúng lúc lúa trên năm công đất nhà chị đã no đòng đòng. Ruộng nhà chị nhiễm mặn, lúa quéo ngọn, chết queo. Tiếc của, tức mình, chị đi... kiện, sau khi đã giáp mặt ông láng giềng, sau khi biết không còn tình nghĩa gì để níu kéo khi người ta trơ tráo bảo: "Tui dẫn nước vô ruộng tui, mắc mớ gì ruộng chị. Thích, thì kiện".
Chị nhờ con viết đơn trên giấy học trò, tự mình đem ra tỉnh. Chồng chị đã nhận chở đất lên liếp cho mấy nhà trong xóm, đấy là việc của anh, kiếm tiền. Chị đi, bằng tất cả sự ngây thơ và nồng nhiệt, chỉ biết là quyết đòi lại số lúa đáng lẽ bây giờ đã nằm trong bồ nhà chị. Lúa, với chị là tất cả, là học phí cho con, là cái giường mới thay cho bộ vạc đã ọp ẹp, là tấm áo cho chồng, là mớ tôn để lợp lại chái hiên.
Chị vốn không biết con đường đi đến công lý rất dài, mệt mỏi. Nó không phụ thuộc hoàn toàn vào phần phải, ý chí, hay quyết tâm của chị. Nhiều khi con đường bị ngắc ngứ bởi ông A, chị B nào đó bận đi... du lịch dài ngày. Nhiều khi phải trở lại từ đầu bởi cô văn thư ngớ ngẩn "Chị về làm lại cái đơn khác, không biết đơn trước tôi để ở đâu rồi...". Nhiều khi muốn khóc bởi câu nói vô tình của anh cán bộ, "Vì vài chục giạ lúa cũng đi thưa, mắc công chị, mà cũng mắc công tụi tui, phải xử lý chuyện không đáng gì...".
Nhưng với chị thì đáng, chị quẹt nước mắt, nói chắc như đinh đóng cột, "chừng nào chưa giải quyết cho thỏa, tui theo tới cùng". Để có sở phí đi lại, chị hái chanh, bẻ trầu, chắt mót những thứ bán được trong vườn đem ra chợ. Trao mớ chanh cho chúng tôi để lấy chút tiền, chị xin ly nước lạnh. Lúc đói lòng thì ăn xôi, không gấp cũng không cần đi xe ôm, "lội bộ tà tà cũng tới". Thấy chúng tôi ái ngại, chị cười, "lúc đầu còn nghĩ đòi mấy chục giạ lúa cho bõ tức, bây giờ không nghĩ tới lúa nữa, mà chỉ mong mấy ông nhà nước làm sáng tỏ, rạch ròi phải trái, đúng sai". Tôi buồn, chị thậm chí không biết (hay không dám) dùng từ "công lý", mặc dù những điều chị nói đích thị là công lý. Vì thấy nó cao xa? Vì thấy nó là thứ khó với tới?
Tôi buồn, bởi những Thu Cúc giữa đời, nhiều quá. Đến cơ quan tiếp dân, đến tòa án, đến ủy ban... hay gặp các chị, các thím đứng ngồi. Anh bạn làm thẩm phán cho tòa dân sự tỉnh phân tích vui, sở dĩ tỷ lệ phụ nữ đi kiện nhiều hơn nam giới là vì họ giỏi chịu đựng, kiên trì, mềm dẻo và dễ khóc, dễ làm lung lạc người khác. Lại thấy buồn, vậy thì cái vũ khí sau cùng xem như không có tác dụng, bởi công chức nhà nước là những người không dễ mủi lòng.
Nên có người đã đến được đường chân trời, có người vẫn rị mọ xa xa. Sức sống không vì thế mà kiệt, người không vì thế mà bỏ cuộc. Có chị dặn tòa, có xử thì cho hay trước chừng nửa tháng, tui rọc lá chuối bán mới có tiền đi. Có thím xin hoãn phiên xử lại, chờ đến mưa, "lúc đó rau rác nhiều...". Rất nhiều đường để đến điểm hẹn của công lý, nhưng có con đường nào nhọc nhằn bằng đi tát những vũng cá cạn trên đồng không? Anh bạn thẩm phán hỏi tôi, rồi trầm ngâm, "lên tòa ngày ngày, nhờ những Thu Cúc "made in đậm đặc Vietnam" này, mà tâm hồn tôi bớt chai sạn, để còn cảm giác rưng rức, chua xót, thanh thản, nhẹ nhỏm, vui vui".
Tôi không biết nữa, nếu cần tìm những cảm xúc cho mình, tôi thích nhìn những chị, những thím ngồi soi kiếng, chải tóc, hay gội đầu ngoài sàn nước, thích những người phụ nữ ngồi khâu vải vụn làm mền dưới thềm trưa.
Tôi thích nhìn các chị nằm trên võng, đưa con, hát vọng cổ thật hiền. Nhưng cuộc đời lắm khi buộc các chị phải cặp nách xấp đơn từ ra đường, đi lêu lêu trong nắng, mỏi mê trong uất ức, trong chờ đợi, hy vọng...
Cũng đành...
Nguyễn Ngọc Tư