Trao đổi bên lề Diễn đàn Cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020, sáng 22.7, lãnh đạo Trung Nam Group cho biết, hiện doanh nghiệp này đang có đường dây truyền tải 500kV, nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm thì phải mất 4 năm, trong khi đó tư nhân làm chỉ mất 8 tháng.
"Đòn bẩy chưa đủ, doanh nghiệp cần điểm bẩy"
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group – doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực truyền tải điện ví Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 là "đòn bẩy" để doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực vào phát triển sự nghiệp năng lượng nước nhà.
Song, ông Tiến cho rằng, có "đòn bẩy" thôi chưa đủ, mà phải có "điểm bẩy". "Điểm bẩy" ở đây - theo lãnh đạo Trung Nam Group chính là "hành lang pháp lý và việc các bộ ngành tham gia, phối hợp, đồng hành cùng các doanh nghiệp tư nhân".
"Có "đòn bẩy" đồng nghĩa với việc cánh cửa cho tư nhân đã mở toang, nhưng tư nhân đi vào mà không biết đi bằng lối nào thì cũng rất sợ. Chính vì thế, chúng tôi mong Chính phủ, các bộ ngành có hành lang pháp lý, các điều kiện cần và đủ để cho tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng", ông Tiến nói và cho biết, nếu không có "điểm bẩy", tư nhân chỉ tham gia vùng hẹp.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, với Nghị quyết 55, có 2 vấn đề doanh nghiệp tư nhân rất quan tâm, đó là việc khuyến khích tất cả thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng; đồng thời tháo bỏ rào cản, độc quyền truyền tải.
“Bộ Chính trị cho chủ trương và Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý. Còn doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi rất năng động, dám suy nghĩ, dám làm”.
Theo vị lãnh đạo này, hiện Trung Nam đang có trạm biến áp 500kV, nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm thì phải mất 4 năm, trong khi đó tư nhân làm chỉ mất 8 tháng.
“Nói điều này không phải là vì tư nhân hay hơn, mà bởi, dù EVN có tiềm lực tài chính, nhưng họ chưa dám làm vì có quá nhiều quy trình cản trở họ. Còn tư nhân nghĩ ngay, làm ngay”, ông Tiến khẳng định và nói thêm Nghị quyết 55 đi vào thực tế, Chính phủ được hưởng lợi, doanh nghiệp hưởng lợi, người dân được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Tâm Tiến. Ảnh: P.Dung |
Trong tương lai thì nền kinh tế sẽ đón đầu chuỗi cung ứng sản xuất chuyển dịch vào Việt Nam, để đáp ứng được điều này, chúng ta phải có ngành năng lượng đủ mạnh.
Đầu tư phát triển năng lượng, cần vốn "cực khủng"
Nói về thuận lợi khi doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển năng lượng, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Sỹ Chương – Chủ tịch HĐQT Chân Mây LNG cho biết, đó chính là "thiên thời - địa lợi - nhân hoà".
Theo đó, nhu cầu về điện của đất nước luôn lớn, thêm vào đó, Chân Mây là cảng nước sâu, có đê chắn sóng, và điểm nối điện rất gần nhà máy (chừng 4km), đồng thời, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế rất ủng hộ.
Chủ tịch HĐQT Chân Mây LNG đánh giá, Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia là “nét đột phá”, “xác định được chính xác vấn đề của năng lượng Việt Nam hiện nay và đưa ra những giải pháp rất thiết thực và cụ thể, đem đến niềm hy vọng cho nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào ngành năng lượng trong 10 năm, 20 năm tới”.
Tuy nhiên, khó khăn với Chân Mây LNG, đó là doanh nghiệp phải thực hiện dự án trong một thời gian gấp rút, để kịp bổ sung vào Quy hoạch điện VII. Với nỗ lực của doanh nghiệp, sau 6 tháng hoạt động, phát triển dự án, Chân Mây đã kêu gọi đủ vốn (trên 6 tỉ USD), để triển khai dự án.
Lãnh đạo này nhấn mạnh, nếu không có Nghị quyết 55, chưa chắc doanh nghiệp của ông đã mạnh dạn đầu tư vào Chân Mây. Vì nguồn lực trong nước không đủ, cần sự hợp tác về nguồn lực tài chính, công nghệ, điều hành, cũng như cung cấp khí hàng đầu trên thế giới.
Ông Nguyễn Sỹ Chương. Ảnh: P.Dung |
Đó cũng là lý do doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành sớm cải thiện về mặt cơ chế, thể chế, tạo điều kiện thuận lợi thực tiễn cho nhà đầu tư triển khai dự án.
"Vì sao tôi nói như vậy, vì những dự án năng lượng lớn đều đòi hỏi số vốn rất lớn, song vốn tư nhân trong nước không đủ, phải kêu gọi vốn đầu tư của tư nhân nước ngoài. Nhưng, nhà đầu tư nước ngoài rất khắt khe về mặt quản trị, tiến độ.
Họ luôn yêu cầu thời điểm nào dự án có giấy phép, bao giờ triển khai xây dựng. Bởi, những nhà đầu tư lớn họ phải có tiến trình giải ngân cụ thể, để cam kết. Tôi mong rằng, với Nghị quyết 55 thì Nhà nước sẽ quyết tâm hơn giải quyết những khó khăn đó", ông Chương nói.
Cường Ngô - Phạm Dung
Điện gió - chìa khoá giải bài toán năng lượng Việt? Dự án nhiệt điện than thì bị các địa phương phản đối, phương án sử dụng thuỷ điện và điện nguyên tử không khả thi. ... |
Phát triển điện gió - Lợi thế của PVN Ngành Dầu khí với lợi thế về kinh nghiệm xây dựng các công trình trên biển sẽ có khả năng đóng góp rất lớn trong ... |