Một nhóm phiến quân đã kiểm soát các mỏ vàng ở phía Đông Cộng hòa dân chủ Congo và dùng tiền bán vàng để tài trợ cho các vụ giết người. Kim loại quý này cuối cùng được chế tác thành đồ trang sức ở châu Âu và Mỹ, nhưng bên dưới vẻ bóng bẩy đó là máu của những nạn nhân.
- Cánh đồng lớn nhất Thần Sa chực bị 'nuốt chửng' để khai thác vàng
- Thảm sát tại Cộng hòa Dân chủ Congo, 58 dân thường bị giết hại
Mai-Mai Yakutumba là nhóm phiến quân khét tiếng ở tỉnh Nam Kivu (thuộc Cộng hòa dân chủ Congo). Họ thống trị khu vực này, phá hủy nhiều làng mạc, hãm hiếp phụ nữ và tống tiền dân chúng - tất cả đều để bành trướng quyền lực. Trong một chuyến công tác, hãng tin Der Spiegel và đài truyền hình quốc tế Deutsche Welle (Đức) được Mai-Mai Yakutumba cho phép tiếp cận các mỏ vàng xung quanh thị trấn Misisi (tỉnh Nam Kivu). Vàng là nguồn thu nhập chính của phiến quân để duy trì cuộc xung đột vũ trang.
Mua bán vàng tại vùng biên Bukavu không hề có biên lai hoặc giấy chứng nhận, giá cả đều do thương lượng |
Bạo lực và xung đột
Vào một buổi sáng sớm tháng 10-2021, các tay súng xuất hiện ở ngôi làng Bibokoboko, nơi gia đình Esther Nanduhura sinh sống. Phiến quân tấn công họ từ 3 phía bằng súng máy, dao rựa và đuốc. Nanduhura là thành viên của tộc người Banyamulenge, một dân tộc thiểu số di cư từ Rwanda từ nhiều thế hệ trước. Mai-Mai Yakutumba coi họ là kẻ thù, là người ngoài nên cần phải tiêu diệt. Họ đã đánh đuổi tộc người Banyamulenge ra khỏi phần lớn lãnh thổ của Nam Kivu và Bibokoboko là một trong những thành trì cuối cùng, được canh giữ bởi Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và quân đội Cộng hòa dân chủ Congo. Vợ chồng Nanduhura tìm được chỗ trốn, nhưng bố chồng 80 tuổi của cô không theo kịp. Những kẻ nổi loạn đã bắn chết ông cụ mà không do dự. Nhóm Mai-Mai Yakutumba cũng đã phát hiện người chồng 35 tuổi và gia đình Nanduhura. Sau 2 ngày, họ bắt chồng cô đi và anh không bao giờ quay lại.
Nanduhura sau đó biết rằng chồng mình đã bị giết. “Họ dọa giết chúng tôi, chúng tôi không có gì để ăn và những đứa trẻ liên tục ngất xỉu. Các tù nhân bị nhốt suốt 1 tuần và chỉ một số ít sống sót trở về làng. Người dân ở châu Âu mua vàng từ phe nổi dậy, do đó tài trợ cho vũ khí mà họ sử dụng để giết chúng tôi. Điều này phải kết thúc” - cô nói rõ quan điểm. Nanduhura hiện đã an toàn và sống ở một thành phố lớn cách xa nơi kinh hoàng ấy. Liên hợp quốc gần đây phát hành báo cáo thường niên về Cộng hòa Dân chủ Congo, đặc biệt tập trung vào các nhóm vũ trang và khả năng tiếp cận nguyên liệu thô của họ.
Các mỏ vàng xung quanh thị trấn Misisi xuất hiện thường xuyên trong báo cáo đó. Các chuyên gia Liên hợp quốc viết: “Mai-Mai Yakutumba kiểm soát các mỏ Makungu và Mitondo. Tại Mitondo, quân nổi dậy đã đánh bại quân đội Cộng hòa dân chủ Congo vào tháng 12-2021 và thành lập chính quyền của riêng họ”.
Cát khoáng được đưa ra từ mỏ trên núi rồi đưa xuống thung lũng để sàng lọc |
Những người khốn khổ
Ở mỏ Mitondo, hầu hết các thợ mỏ đều còn trẻ, song có những công nhân mỏ dù đã 51 tuổi nhưng hàng ngày vẫn xuống hầm. Trẻ em cũng làm việc trong lĩnh vực khai thác vàng, nhưng thường ở các địa điểm khai thác ngẫu nhiên dọc theo các con sông hơn là trong các mỏ. James Mulemi (22 tuổi) trong lúc rửa thùng đựng bùn dừng tay nói về việc làm trong mỏ. “Họ ở trên núi” - người thanh niên chỉ tay về phía con dốc bên cạnh, đề cập đến nhóm nổi dậy Mai-Mai điều khiển mọi thứ ở đây. Mulemi nói rằng, dù họ không hiện diện nhưng vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ diễn ra bên dưới giống như một sức mạnh vô hình định đoạt số phận của những người thợ mỏ.
Mulemi kể, đối với mỗi gam vàng lấy được từ trong núi, anh phải trả một loạt phí. Đầu tiên là phí cho Mai-Mai Yakutumba, sau đó cho quân đội và tiếp theo cho hợp tác xã, cho Bộ Khai thác mỏ và các trưởng làng địa phương. Tất cả các bên đều biết những bên còn lại làm gì và họ để yên cho nhau, điều quan trọng chính là tiền vẫn tiếp tục chảy vào túi. Theo James Mulemi, quân nổi dậy đã ghi chép tỉ mỉ mọi việc. “Kể từ khi họ đến, chúng tôi đã phải trả trước tiền. Người nào không làm theo sẽ bị đánh đập tàn nhẫn”. Sau khi bị đánh đập nặng nề, những người không chịu trả “thuế” bị đưa vào “cái lỗ”, sâu khoảng 3m và rộng 1m, với khoảng 10 người trong hố cùng một lúc. Một số người cho biết họ bị buộc phải ở đó trong vài ngày, không được ăn uống gì.
Mỏ Makungu nằm cách mỏ Mitondo chỉ vài trăm mét và chúng gần như giống hệt nhau. Tại một trong những đường hầm hẹp, Michael lăn một túi quặng vàng ra cửa hầm, đôi mắt dần dần quen với ánh sáng ban ngày. Gần đây anh gặp rắc rối về tài chính và không đủ để nộp tiền bảo kê. “Tôi đã ở trong hố 1 tuần và giảm 10kg” - anh nói. Vết tích của hình phạt vẫn còn bởi người thợ mỏ này trông hốc hác, đôi má hóp lại. Những kẻ hành hạ anh có thể quay lại bất cứ lúc nào và anh vẫn không có tiền để trả cho họ. “Trước khi quân nổi dậy đến, tôi đã kiếm được gấp đôi bây giờ. Một số đồng nghiệp của tôi đã bị sát hại” - Michael nói.
Điều kiện làm việc ở đây là thử thách lớn với những người thợ. Đường hầm ăn sâu vào sườn núi vài trăm mét, bên trong tối đen như mực, chỉ có ánh sáng đèn pha xuyên qua bóng tối. Các thợ mỏ phải gập người khi đi qua các đường hầm, thậm chí có lúc phải bò bằng 4 chân. Càng tiến sâu vào trong, nhiệt độ càng nóng hơn, có khi trên 40 độ C. Không khí ngột ngạt đến mức các công nhân sử dụng một kỹ thuật thở đặc biệt để tránh bị ngất xỉu. Cùng với đó, các đường hầm thường xuyên bị sập do các dầm gỗ không đủ sức chống đỡ. Thương tâm nhất là sự cố cách đây 6 năm, 20 thanh niên đã bị chôn sống trong hầm mỏ. Anh trai của Michael đã chết trong vụ tai nạn đó và đến nay thi thể vẫn chưa tìm thấy. “Mọi người ở đây biết họ có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng không có cách nào khác để kiếm tiền, vì vậy chúng tôi phải tiếp tục” - chàng trai 21 tuổi nói.
Tại mỏ Makungu, các chuyên gia và thợ đào kiểm tra các mẫu đất và đá để tìm hàm lượng vàng của chúng |
Đường đi của vàng
Theo thống kê chính thức, trong khoảng thời gian từ tháng 11-2021 đến tháng 4-2022, các mỏ vàng tại thị trấn Misisi chỉ cho ra sản lượng vẻn vẹn có 5kg. Đây một con số không hề đáng tin so với thực tế hàng ngày. Các quan chức Mỹ ước tính, hơn 90% vàng của Cộng hòa dân chủ Congo được giao dịch bất hợp pháp và người tiêu dùng không thể biết liệu sản phẩm họ đang mua có “sạch” hay không. Đối với nhà nước Cộng hòa dân chủ Congo, điều này có nghĩa là hàng triệu USD tiền thuế bị thất thoát mỗi năm.
Bukavu là một trung tâm buôn bán vàng nổi tiếng ở biên giới Rwandan. Vàng từ miền Nam Cộng hòa dân chủ Congo đi qua thành phố này để rồi nhập lậu sang Rwanda hoặc các nước Đông Phi khác, hoặc được xuất khẩu chính thức với giấy chứng nhận giả. Sau đó, hành trình của kim loại quý tiếp tục đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - một trong những trung tâm giao dịch vàng lớn nhất thế giới - trước khi trở thành đồ trang sức ở Paris, Berlin hay Madrid.
Ở lĩnh vực này, gần đây nổi lên tên tuổi Alain Goetz - một người Bỉ - là “cha đỡ đầu” của ngành kinh doanh vàng ở châu Phi. Ông ta đã thiết lập các nhà máy luyện vàng lớn ở Uganda và Rwanda, nhưng cũng từng bị kết tội rửa tiền và gian lận. Vào tháng 3-2022, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Goetz vì mua vàng của các nhóm vũ trang, bao gồm cả Mai-Mai Yakutumba. Mạng lưới các công ty của Goetz đã buôn bán số vàng lên đến hàng triệu USD ở Congo. “Những hành vi bất hợp pháp này mang lại thu nhập cho các nhóm vũ trang đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của Cộng hòa dân chủ Congo” - một thông cáo báo chí của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ khi công bố các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của Goetz cũng đang khẩn trương xây dựng nhà máy luyện vàng đầu tiên của Cộng hòa dân chủ Congo. Họ xác định rằng, các mỏ ở Misisi có tiềm năng rất lớn và vàng từ Cộng hòa dân chủ Congo là một trong những loại vàng tốt nhất trên thế giới.
https://www.anninhthudo.vn/duong-day-khai-thac-vang-mau-o-cong-hoa-dan-chu-congo-post521383.antd