Covid-19 đã liên tiếp “giáng đòn” vào nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế đang thay đổi từ giỏ hàng của người tiêu dùng. Những sản phẩm xa xỉ, cao cấp đang nhường chỗ cho những sản phẩm thiết yếu cơ bản.

“Chúng tôi hiểu rất rõ giờ là lúc phải “ready for anything” (sẵn sàng cho bất cứ chuyện gì)”, bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam - chia sẻ.

Tết là sự kiện quan trọng của các doanh nghiệp ngành tiêu dùng. Grab - một đơn vị trong lĩnh vực rất gần với hoạt động phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dùng - cũng không ngoại lệ.

“Mức chi tiêu cho Tết thể hiện mức độ tự tin của người dùng. Tết năm nay sức mua rất mạnh. Và mọi người đều kỳ vọng vào một năm tăng trưởng mạnh nhất. Nhưng Tết cứ kéo dài mãi, dài ra thêm mãi…”, bà Vân tâm sự.

ảnh 1

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam trao đổi với các startup tại sự kiện Grab Ventures Ignite bootcamp

Covid-19 đã liên tiếp “giáng đòn” vào nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế đang thay đổi từ giỏ hàng của người tiêu dùng. Những sản phẩm xa xỉ, cao cấp đang nhường chỗ cho những sản phẩm thiết yếu cơ bản.

“Chúng ta không thể trông chờ vào việc khi nào mọi thứ quay trở lại trạng thái bình thường như cũ, đặc biệt khi nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 2 vẫn còn đó. Sự thay đổi trong hành vi người dùng có thể là sự thay đổi vĩnh viễn, chứ không chỉ tạm thời trong giai đoạn bình thường mới”, bà Vân nhắn nhủ.

Hai thay đổi trong hành vi người dùng bà Vân đề cập là nhu cầu an toàn hơn trong mọi mặt của đời sống như di chuyển, ăn uống, học hành…, và nhu cầu dịch chuyển từ offline sang online.

“Những startup nhanh chóng thay đổi, đáp ứng nhu cầu của thị trường sẽ định vị được mình trong trạng thái mới. Câu chuyện bình thường mới, nếu chúng ta nhìn vào Cơ hội sẽ thấy Cơ hội, nhìn vào Thách thức sẽ chỉ thấy Thách thức”, bà Vân nhìn nhận.

Ông Vũ Quốc Huy - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đồng tình với ý kiến trên, cho rằng nếu startup nắm bắt xu hướng mới, linh hoạt chuyển đổi mô hình kinh doanh sẽ thành công trong tương lai.

“Trong Covid-19, Chính phủ cũng ban hành các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ Covid-19, trong đó có nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành các địa phương để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại các địa phương”.

“Điều này cho thấy sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Thời gian tới, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia với tư cách cơ quan tham mưu giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có ý tưởng đổi mới sáng tạo, kết nối với các quỹ đầu tư cũng như các đối tác trong và ngoài nước để hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo trên cả nước”, ông Huy chia sẻ.

ảnh 2

Ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc Sendo chia sẻ “3 bài học cay đắng” dành cho startup

Đến với sự kiện Grab Ventures Ignite, ông Trần Hải Linh - Tổng Giám đốc Sendo chia sẻ 3 kinh nghiệm mà ông gọi là “3 bài học cay đắng”.

Bài học thứ 1: Phải có Unit Economics (chỉ số đơn vị kinh tế). Các founder luôn theo đuổi đam mê, lúc nào cũng nghĩ về một giải pháp tươi đẹp họ có thể mang đến cho thế giới, mà quên mất tính đến tính sinh lời mà giải pháp đó mang lại, và những khoản chi để duy trì.

Hai bài học khác CEO Sendo đưa ra là startup phải sinh tồn được trong 18 tháng, và phải học cách “thất bại sớm” (Fail fast).

“Từ bỏ cũng là một nghệ thuật. Khi có ý tưởng, cố gắng thử nghiệm nó trong thời gian ngắn nhất xem nó hiệu quả hay không”, ông Trần Hải Linh gợi ý.

Bà Vân cũng chia sẻ với các startup Việt những bài học từ hành trình trở thành “siêu kỳ lân của Grab. “Ngày đầu tiên Grab vận hành, chúng tôi xoay xở phục vụ được khoảng vài trăm chuyến xe ở Kuala Lumpur. Chỉ hơn 6 năm sau, vào tháng 1/2019, chúng tôi đã đạt cột mốc 3 tỷ chuyến xe khắp khu vực Đông Nam Á.

Thành công ngày hôm nay của Grab chỉ có 1% là nhờ may mắn, 99% còn lại là từ học hỏi, cải tiến, thay đổi chính mình để đáp ứng tốt nhất nhu cầu cuộc sống hằng ngày của người dùng. Mỗi ngày chúng tôi cố gắng đưa ra 10 tính năng mới, những thay đổi “siêu nhỏ” tới mức có thể bạn không để mắt tới, giúp những trải nghiệm của người dùng cũng như đối tác “mượt mà” hơn, an toàn hơn, tin cậy hơn…”

“Chúng tôi có thể kể cho bạn nghe cả ngày những lần chúng tôi gặp phải lỗi vận hành, lỗi kỹ thuật… và vô số những khó khăn không tên khác. Nhưng sự kiên trì và nhiệt huyết của cả team đã tiếp tục thúc đẩy mọi thứ”, bà Vân nói.

Covid-19 đã giáng một đòn rất mạnh lên một trong các mảng kinh doanh cốt lõi của Grab - di chuyển, cũng như các lĩnh vực khác như du lịch, di chuyển… trên toàn cầu, mà không biết bao giờ mọi thứ mới trở lại.

“Nhưng chúng tôi vẫn bước tiếp bằng việc đổi mới sáng tạo chính mình, bằng việc thích ứng với trạng thái bình thường mới. Tôi hy vọng câu chuyện của Grab có thể truyền cảm hứng phần nào tới các bạn”, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam chia sẻ.

WeFit phá sản - bài học lớn cho các startup Việt WeFit phá sản - bài học lớn cho các startup Việt
“Cuộc chiến” trên thị trường gọi xe và bài học cho các start-up “Cuộc chiến” trên thị trường gọi xe và bài học cho các start-up

/ anninhthudo.vn