Việc tăng vốn tùy hứng như vậy cũng chỉ có thể xảy ra trong các dự án đầu tư công
Ai cũng sốc
Bốn bộ KH&ĐT, bộ GTVT, bộ Tài chính, bộ Xây dựng vừa được đề nghị cho ý kiến về việc xin tăng vốn cho dự án đường sắt đô thị số 2 của Hà Nội (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).
Nếu đề xuất trên được thông qua, dự án sẽ có tổng mức đầu tư là 35.678 tỷ đồng, tăng 16.123 tỷ đồng so với mức đầu tư 19.555 tỷ được phê duyệt ban đầu.
Dự án đường sắt tuyến số 2 sẽ bắt đầu từ Nam Thăng Long kéo dài tới Trần Hưng Đạo. Ảnh: HaNoi Metro
Trao đổi với Đất Việt, PGS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đây là một "cú sốc" lớn, cần phải tính toán thận trọng.
Ông lý giải, một dự án có thể xin điều chỉnh tăng vốn từ 5 - 15% là chuyện bình thường. Tuy nhiên, dự án chỉ cần tăng từ 5% là bắt buộc phải có báo cáo giải trình và được sự chấp thuận của chủ đầu tư, dự án mới được thực hiện. Một điều kiện quan trọng nữa là dự án tăng vốn nhưng phải hợp lý và hiệu quả.
Tuy nhiên, với đề xuất của dự án đường sắt số 2, mức điều chỉnh đã tăng tới hơn 40% so với tổng mức đầu tư ban đầu, rõ ràng một tỷ lệ quá cao, ai nghe cũng "sốc". Đặt trong bối cảnh tăng vốn đang được xem là "căn bệnh trầm kha" tại các dự án đầu tư công, điển hình như Cát Linh - Hà Đông, không ai dám khẳng định đây là mức tăng cuối cùng và dự án sẽ hiệu quả.
Ông Thịnh nói: "Nếu đặt nguồn vốn trên vào một hộ kinh doanh cá thể, mức điều chỉnh này có thể đẩy họ vào thế bị động, cũng có thể khiến họ bị phá sản ngay, không thể xoay trở nổi.
Nó cũng giống như khi bạn có 1 tỷ, bạn xây một ngôi nhà đúng 1 tỷ thì bạn có thể chủ động và xoay trở được. Ngược lại, bạn chỉ có 1 tỷ, dự kiến xây nhà 1 tỷ nhưng trong quá trình thực hiện chi phí lại phát sinh lên đến 1,7 tỷ, nghĩa là bạn phải dừng lại hoặc phải đi vay. Việc đi vay còn phụ thuộc vào năng lực tài chính của bạn, bạn có thể trả được không? Và sẽ trả nó bằng nguồn nào?... Nếu không trả được thì nhà không có mà còn mang thêm nợ.
Do đó, tiền của tư nhân dù bỏ ra một đồng cũng được tính toán rất chặt chẽ, không thể tùy tiện, tùy hứng.
Việc xin tăng vốn tại các dự án đầu tư công là ví dụ điển hình cho tính toán, sử dụng vốn chưa hiệu quả. Và việc tăng vốn tùy hứng như vậy cũng chỉ có thể xảy ra trong các dự án đầu tư công", ông Thịnh nói.
Đội vốn là thói quen
Rút kinh nghiệm từ dự án Cát Linh - Hà Đông, PGS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để dự án đường sắt số 2 không rơi vào tình trạng bị lệ thuộc, phải "cắn răng chấp nhận" để nhà thầu dẫn dắt thì trước khi "phóng lao" ra phải đảm bảo sẽ tới được đích.
Vì thế, bài toán đặt ra là phải rõ ràng, dứt khoát trong nhận thầu, mời thầu, cũng như những thỏa thuận, cam kết về thời gian, tiến độ, chất lượng, đặc biệt là trách nhiệm của nhà thầu với dự án.
Ông cho rằng, thời gian qua có chuyện xin tăng vốn, đội vốn hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ mà cứ nhẹ nhàng như xin vài trăm nghìn, vài chục nghìn là do quy định của chúng ta đã tạo cho họ một thói quen.
Thói quen nhây nhưa, kéo dài thời gian để xin tăng, xin đội vốn; thói quen làm sai không ai sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, các chủ đầu tư lại chấp nhận quá dễ dàng, cứ xin là đáp ứng, xin bao nhiêu được bấy nhiêu. Ông Thịnh nói thẳng, có phần lỗi do yếu kém trong quản lý và phải chấm dứt ngay.
Do đó, với đề xuất của dự án số 2, trước khi quyết định có tăng vốn hay không, vị chuyên gia khuyến cáo, phải đánh giá lại toàn diện từng khâu của dự án. Bao gồm từ chủ trương đầu tư cho tới khâu thẩm định, phê duyệt, giải phóng mặt bằng, tới quyết định đầu tư... Ở mỗi khâu, phải quy rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, từng người, không để tình trạng "cha chung không ai khóc" như trước đây nữa.
Dự án đường sắt số 2 Hà Nội đội vốn 16.120 tỷ
PGS Đinh Trọng Thịnh lưu ý, phát triển hệ thống đường sắt đô thị được coi là giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất cho bài toán ùn tắc giao thông ở các siêu đô thị như Hà Nội. Tuy nhiên, tuyến đường sắt đầu tiên tại Hà Nội đang được thi công là Cát Linh - Hà Đông lại gặp quá nhiều vấn đề trục trặc. Hơn nữa, dự án cũng chưa được đưa vào hoạt động, do đó, rất khó có thể đánh giá được tính hiệu quả của dự án này.
Do đó, ông đề nghị cần tiến hành một cuộc thanh tra toàn diện, thực hiện song song với việc thi công dự án Cát Linh - Hà Đông để tìm cho được nguyên nhân đội vốn, chậm tiến độ và ai phải chịu trách nhiệm về việc này. Quan trọng hơn là phải đánh giá được tính hiệu quả của dự án trước khi thực hiện các dự án tiếp theo.
"Ngoài tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, có thể nói bây giờ sờ vào dự án xây dựng nào cũng thấy có dấu hiệu móc ngoặc, tham ô, thất thoát... Không biết từ bao giờ, đầu tư công trong xây dựng đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các loại hình tội phạm, tham nhũng xâu xé, kiếm lợi.
Đặt trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang tăng cao, nguồn lực đầu tư khan hiếm, yêu cầu siết chặt đầu tư công là việc làm rất cấp bách", vị chuyên gia nhấn mạnh.
- Hoài An
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành vào tháng 10 Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để khai thác thương mại vào cuối năm. |
Đường sắt số 2 "đội vốn" hơn 16 nghìn tỷ: Chính phủ vào cuộc Dự án được UBND Hà Nội phê duyệt dự án từ năm 2008, tính đến nay, 5 gói thầu chính đã cơ bản thực hiện ... |