Vào lúc đỉnh cao của sự nghiệp chính trị, ông Mạnh Hoành Vĩ – người Trung Quốc đầu tiên giữ chức Giám đốc tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã được truyền thông trong nước tự hào. Ông này được đánh giá là bằng chứng cho thấy cộng đồng quốc tế “hoàn toàn công nhận” năng lực của lực lượng hành pháp Trung Quốc cũng như việc nước này là quốc gia hành xử đều dựa trên các quy định của pháp luật.
Chưa đầy một năm sau khi nhậm chức tại cơ quan cảnh sát toàn cầu, ông Mạnh đã tổ chức một cuộc họp toàn thể của Interpol tại Bắc Kinh (cuộc họp thứ hai kiểu này diễn ra ở Trung Quốc).
Tại buổi khai mạc, ông Mạnh Hoành Vĩ được ưu tiên ngồi cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình. Ở cuộc họp này, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc đã có bài phát biểu bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Mạnh và Interpol.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, vị thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc này, lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý nhưng với lý do hoàn toàn khác. Ông Mạnh Hoành Vĩ, 64 tuổi được vợ thông báo là đã mất tích sau khi về nước. Hai ngày sau, có tin, ông Mạnh bị cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc điều tra.
Thông báo chỉ một câu ngắn ngủi của cơ quan giám sát tham nhũng Trung Quốc không tiết lộ ông Mạnh đã làm sai điều gì. Tuy nhiên, sau đó một ngày, Bộ Công an Trung Quốc cho biết, quan chức này bị buộc tội nhận hối lộ.
Ông Mạnh Hoành Vĩ, vốn là một quan chức công an kỳ cựu, từng làm việc nhiều năm trong ngành hành pháp. Ông đã giữ nhiều vị trí quan trọng, gồm cả trong các lĩnh vực chính trị nhạy cảm như chống khủng bố và bảo vệ bờ biển.
Dù ông Mạnh là người nổi tiếng quốc tế, song hồ sơ công khai của ông tại Trung Quốc lại rất ít thông tin, tờ Bưu điện Hoa Nam của Trung Quốc cho hay.
Ông Mạnh, người Hắc Long Giang, đã tốt nghiệp đại học Bắc Kinh và bắt đầu làm việc vào năm 1972, trở thành thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc năm 2004. Tuy nhiên, thông tin về sự nghiệp của ông này trong 3 thập niên rất ít ỏi, ngoài trừ việc ông từng giữ chức trợ lý Bộ trưởng và Tổng cục trưởng Cục Kiểm soát Giao thông.
Trong khi đó, thông tin về ông trên website của Interpol dày dặn hơn nhiều. Ví dụ, ông Mạnh có kinh nghiệm 40 năm trong lĩnh vực cảnh sát và tư pháp, giám sát các vấn đề liên quan đến các tổ chức pháp lý, chống ma túy, chống khủng bố và an ninh biên giới cũng như nhập cư và hợp tác quốc tế.
Ông Mạnh từng giữ chức Chủ tịch Ban chống khủng bố khu vực thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, là chỉ huy hai cuộc diễn tập chống khủng bố với các nước thành viên tổ chức trên. Ông Mạnh cũng là lãnh đạo đầu tiên của lực lượng bảo vệ bờ biển – gồm 4 cơ quan hợp lại.
Tháng 11/2016 ông Mạnh được bầu làm Giám đốc Interpol và giữ nhiệm kỳ 4 năm. Hôm 5/10, vợ quan chức này cho hay, chồng bà mất tích bí ẩn sau khi trở về Trung Quốc vào cuối tháng 9. Vợ ông Mạnh cho hay, bà đã nhận được tin nhắn “chờ cuộc gọi của tôi”cùng biểu tượng con dao.
Vài ngày sau khi thông tin ông Mạnh mất tích được đưa ra và cảnh sát Pháp tiến hành điều tra, Interpol đề nghị cung cấp thông tin về vụ việc, phía Trung Quốc cho hay ông Mạnh Hoành Vĩ đang bị giam giữ và điều tra về tội tham nhũng. Interpol cũng nhận được đơn xin từ chức ngay lập tức của ông Mạnh Hoành Vĩ.
Hoài Linh
Cách hành xử thiếu minh bạch của Trung Quốc trong vụ bắt chủ tịch Interpol Trung Quốc giữ kín mọi thông tin về việc điều tra Hoành Mạnh Vĩ, chỉ đưa ra những tuyên bố ngắn gọn khi dư luận ... |
Chuyên gia Mỹ: Vụ bắt chủ tịch Interpol có thể là "giết gà dọa khỉ" Việc tạm giam chủ tịch đương chức của Interpol cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc vẫn rất gay gắt. |
Chủ tịch Interpol bị bắt có thể không liên quan tới Chu Vĩnh Khang Nguồn tin thân thiết với gia đình Chu Vĩnh Khang nói Mạnh Hoành Vĩ không phải là thân tín của cựu trùm an ninh như ... |
Vì sao cựu chủ tịch Interpol không vượt qua được pháp lý Trung Quốc? Bắc Kinh hiện vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về cuộc điều tra — điều này không đáng ngạc nhiên vì nó chỉ mới ... |