Trước tình trạng kẹt xe, giao thông đường bộ quá tải trầm trọng, UBND TP.HCM đã nhất trí đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng nạo vét, xây dựng hệ thống giao thông đường thủy.

Phát triển đường thủy, giảm tải đường bộ

Mới đây, đại diện sở GTVT TP.HCM cho biết, đơn vị này được UBND TP.HCM duyệt 2 dự án nạo vét các tuyến sông để tăng cường vận tải hàng hóa bằng đường sông. Hai dự án đã được UBND TP gửi lên bộ GTVT chờ phê duyệt. Mục đích của 2 dự án là nhằm giảm áp lực, kẹt xe cho hệ thống giao thông đường bộ đang quá tải trên địa bàn TP. Tổng kinh phí để thực hiện 2 dự án này là hơn 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án thứ nhất là nạo vét 2 tuyến rạch Môn - sông Kinh và rạch Bà Đa - rạch Giáng, xây dựng cầu Cây Me trên đường Long Thuận, cầu Đình trên đường Long Thuận (thuộc địa bàn quận 9) nối dài. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 868 tỷ đồng. Dự án thứ hai là nạo vét tuyến sông Tắc và xây dựng mới cầu Trường Phước (thay thế cầu cũ trên đường Long Thuận). Dự án sẽ có tổng vốn đầu tư khoảng 1.174 tỷ đồng. Thời gian thực hiện cả hai dự án bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2019.

duyet hai du an tri gia 2000 ty de nao vet song o tphcm

TP.HCM đầu tư đường thủy để giảm tải đường bộ

Với 2 dự án trên, sở GTVT TP.HCM kỳ vọng sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông của TP. Đồng thời kết nối mạng lưới giao thông đường thủy, phục vụ vận tải hàng hóa, giảm áp lực, ùn tắc, quá tải cho hệ thống giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, khi 2 dự án này được hoàn thành có thể rút ngắn lộ trình vận chuyển hàng hóa từ khu vực phía Đông TP.HCM về Đồng Nai và ngược lại, giúp giảm bớt mật độ chạy tàu trên sông Sài Gòn và rút ngắn được hành trình, tiết kiệm chi phí vận tải.

Ngoài ra, để giảm bớt áp lực giao thông đường bộ, nhất là khu vực cảng Cát Lái, UBND TP.HCM còn kiến nghị lên bộ GTVT cho điều chỉnh bổ sung quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5 gồm TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, TP.HCM kiến nghị bổ sung việc phát triển cảng biển gắn với phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với cảng; chú trọng kết nối vận tải thủy nội địa, đảm bảo kết nối liên hoàn giữa cảng biển với hệ thống cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, đầu mối hậu cần tại khu vực.

Cần sự kết nối, thống nhất

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III, cho biết: “Đề án nạo vét các tuyến sông để tăng cường vận tải hàng hóa nhằm giảm tải, giảm ùn tắc cho giao thông đường bộ là chủ trương đúng đắn. Cá nhân tôi luôn ủng hộ việc này. Tuy nhiên, xây dựng đề án là một chuyện còn đưa đề án này vào thực tiễn lại là một chuyện khác và nó cam go hơn nhiều. Muốn nạo vét, xây dựng hệ thống giao thông đường thủy để cải thiện tình trạng kẹt xe, quá tải trong hệ thống giao thông đường bộ cần phải có sự kết nối, thống nhất giữa giao thông đường bộ với đường thủy”.

“Để việc khai thác vận tải giao thông đường thủy đạt hiệu quả, thứ nhất phải quán triệt quy hoạch giữa đường bộ và đường thủy thành một thể thống nhất. Tức là phải có bến, bãi trung chuyển để kết nối giữa đường thủy và đường bộ. Thứ hai, phải phân bổ các nhà máy, xí nghiệp hợp lý khi hàng hóa lưu thông đầu ra, đầu vào kết nối với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy trở nên đồng bộ. Thứ ba, các loại hàng hóa nào, đặt ở đâu, vận chuyển bằng phương tiện gì,... phải được tính toán để chi phí bỏ ra thấp nhưng lại đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện phải đặt ra từng chiến lược lớn tổng thể. Trong đó, phải triển khai cho từng ngành, đồng bộ với 5 loại hình vận tải đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt và đường hàng không”, ông Thạch cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông đường thủy Nguyễn Việt Hùng (hiệp hội Vận tải đường thủy) cũng bày tỏ: “Thực sự, trong thời buổi đất chật người đông, nhà cao cửa rộng khiến giao thông đường bộ luôn xảy ra tình trạng quá tải, tắc nghẽn. Vì thế, nếu chúng ta biết khai thác đường thủy để giảm tải cho giao thông đường bộ, đó là một việc làm hết sức đúng đắn, cần thiết. Mới đây, TP.HCM đã khai thác tuyến xe buýt đường sông là ví dụ điển hình. Bởi, nước ta vốn có hệ thống kênh rạch, sông ngòi dày đặc, rất thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường thủy. Tuy nhiên, trên thực tế, giao thông đường thủy nước ta vẫn chưa khai thác tốt. Dù một số doanh nghiệp có khai thác vận chuyển container,... bằng đường thủy, nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt được 50% khả năng chuyên chở”.

“Vì vậy, để có thể phát huy mạnh mẽ nguồn lực giao thông đường thủy, chúng ta cần chú trọng nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các cảng vụ đường thủy. Cần quy hoạch hệ thống cảng, bến sông một cách tập trung, hiện đại, từ đó xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các hình thái giao thông (đường sắt, đường bộ,...) một cách đầy đủ, hiệu quả. Ngoài ra, các cơ quan, ban ngành nên đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng giao thông đường thủy, tao điều kiện thuận lợi cho họ phân bổ hàng hóa đang vận chuyển chủ yếu từ đường bộ xuống đường thủy”.

Chờ ý kiến từ bộ GTVT

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc sở GTVT TP.HCM cho biết: “Chủ trương phát triển giao thông đường thủy trên địa bàn TP đã có từ lâu. Sau nhiều tháng hội ý cùng các chuyên gia, phía sở GTVT TP.HCM đã xây dựng 2 dự án nạo vét các tuyến sông để tăng cường vận tải hàng hóa bằng đường sông nhằm giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ đang quá tải trên địa bàn TP. Dự án này đã được UBND TP.HCM nhất trí. Hiện, 2 dự án đã được UBND TP. trình lên bộ GTVT chờ phê duyệt. Khi nào có thông tin từ Bộ về sẽ có thông cáo báo chí”.

http://www.nguoiduatin.vn/duyet-hai-du-an-tri-gia-2000-ty-de-nao-vet-song-o-tphcm-a342987.html

/ nguoiduatin.vn