Theo AFP, Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo Serbia rằng, việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mátxcơva là "không phù hợp" với nguyện vọng gia nhập liên minh của nước này, sau khi một quan chức cấp cao của chính phủ Serbia gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

screenshot_20240906_004242_messenger.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok ngày 4-9. Ảnh: Sputnik

Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin đã tuyên bố Serbia là "đồng minh của Nga" hôm 4-9, khi ông gặp Tổng thống V.Putin bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Nga.

"Việc duy trì hoặc thậm chí tăng cường mối quan hệ với Nga trong thời gian nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là không phù hợp với các giá trị của EU và không phù hợp với quá trình gia nhập EU", người phát ngôn về các vấn đề đối ngoại của EU Peter Stano cho biết.

Serbia đã được cấp quy chế ứng cử viên EU vào năm 2012 và đã ở trong “phòng chờ” để trở thành thành viên kể từ đó. Ông Stano cho biết, là một phần của quá trình gia nhập, các quốc gia cam kết điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình phù hợp với chính sách của EU.

"Vì vậy, chúng tôi hy vọng Serbia sẽ kiềm chế việc tăng cường các mối liên hệ và tiếp xúc với Nga", ông phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ).

Quốc gia Balkan này có lịch sử quan hệ chặt chẽ với Mátxcơva và gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Serbia đã lên án Nga trong cuộc xung đột với Ukraine tại Liên hợp quốc nhưng từ chối trừng phạt Điện Kremlin.

Serbia "sẽ không bao giờ trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sẽ không bao giờ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga và sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ hành động chống Nga nào được thực hiện từ lãnh thổ của mình", Phó Thủ tướng Vulin cho biết trong các bình luận được truyền hình Nga đưa tin.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tướng CQ Brown Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, sẽ chủ trì một cuộc họp trong hôm nay (6-9, giờ địa phương) tại Căn cứ Không quân Ramstein của Nhóm liên lạc phòng thủ Ukraine, bao gồm các nhà lãnh đạo quân sự từ hơn 50 quốc gia thường xuyên tài trợ hệ thống vũ khí để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột bùng phát tháng 2-2022.

Các ưu tiên của nhóm bao gồm củng cố hệ thống phòng không của Ukraine và "tiếp thêm năng lượng cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng" để đảm bảo hỗ trợ lâu dài cho Kiev, Thiếu tướng Pat Ryder, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, cho biết trong một tuyên bố hôm 5-9.

"Như Bộ trưởng Austin đã nói, Ukraine có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Mỹ và quốc tế", tuyên bố cho biết. Các đồng minh của Ukraine phải đối mặt với những lời kêu gọi mới từ Tổng thống Volodymyr Zelenskiy về việc tăng cường phòng không và nới lỏng các hạn chế về phạm vi mà Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp vào Nga.

Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kiểm soát tương đối chặt chẽ cách thức sử dụng tên lửa mà nước này cung cấp cho Ukraine. Kiev có thể phòng thủ bắn tên lửa vào các mục tiêu của Nga dọc biên giới, nhưng Washington cấm sử dụng chúng sâu hơn vào lãnh thổ Nga, vì lo ngại rằng những cuộc tấn công như vậy sẽ làm leo thang chiến tranh. Do đó, sẽ không có thay đổi nào trong chính sách về việc Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Áp lực toàn cầu đối với các kho vũ khí đã gia tăng và những nước đóng góp như Mỹ phải đối mặt với các yêu cầu cạnh tranh về viện trợ để tăng cường an ninh ở Trung Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Kể từ năm 2022, các quốc gia đồng minh đã cung cấp khoảng 106 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine, trong đó Mỹ đã cung cấp hơn 56 tỷ USD.

https://hanoimoi.vn/eu-canh-bao-serbia-ve-moi-quan-he-voi-nga-676889.html

Kim Phượng / HNM.com.vn