Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch đệ trình gói trừng phạt chống Nga thứ 12 lên Hội đồng châu Âu phê duyệt vào ngày 15/11.
- Hai công ty đầu tiên bị Mỹ áp lệnh trừng phạt vì vi phạm giá trần dầu Nga
- Ông Putin nói gì về triển vọng kinh tế Nga sau "cơn bão" trừng phạt?
Ông Josep Borrell, quan chức đứng đầu chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) nói rằng gói trừng phạt mới của EU đối với Nga sẽ bao gồm lệnh cấm bán kim cương.
"Chúng tôi đang hoàn tất các vấn đề về gói trừng phạt thứ 12. Gói trừng phạt này sẽ bao gồm các lệnh cấm xuất khẩu mới, trong số đó có lệnh cấm xuất khẩu kim cương của Nga, các hành động thắt chặt trần giá dầu nhằm giảm doanh thu mà Nga thu được từ việc bán dầu...", ông Josep Borrell nói.
EU liên tục tung ra các gói trừng phạt đối với Nga từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Theo ông Josep Borrell, gói này sẽ bao gồm các điều khoản liên quan đến việc quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga mà các nước EU sẽ phải chấp nhận. Những đề xuất này sẽ được thống nhất tại cuộc họp của EC vào hôm 15/11, trước khi đệ trình lên Hội đồng châu Âu để phê duyệt.
Hôm 21/6, các quốc gia thành viên EU nhất trí về loạt biện pháp trừng phạt thứ 11 nhắm vào Nga. Nhóm biện pháp trừng phạt thứ 11 của EU chủ yếu nhằm ngăn chặn các nước thứ ba và những công ty bỏ qua biện pháp trừng phạt hiện có.
Gói trừng phạt thứ 11 của EU cấm vận chuyển hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng qua Nga để ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm này trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. EU cũng áp đặt các hạn chế đối với việc bán hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm cho các quốc gia có thể bán lại cho Nga.
Gói trừng phạt thứ 11 cũng bao gồm việc EU mở rộng danh sách hàng hóa bị hạn chế có thể phục vụ lĩnh vực quân sự của Nga. EU cũng đình chỉ giấy phép hoạt động ở EU của 5 cơ quan truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát.
Phản ứng sau khi EU tung gói trừng phạt thứ 11 lên Nga, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Brussels tiếp tục cố gắng gây áp lực lên Moskva thông qua các biện pháp trừng phạt đơn phương. Nga coi những hành động như vậy của EU là bất hợp pháp, làm suy yếu các đặc quyền pháp lý quốc tế của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
https://vtc.vn/eu-chuan-bi-tung-goi-trung-phat-chong-nga-thu-12-ar833877.html