Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét khả năng tước quyền biểu quyết của Hungary nhằm đạt được thỏa thuận viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Tờ Financial Times dẫn lời các quan chức cho biết, EU có thể áp dụng Điều 7 của Hiệp ước Liên minh châu Âu năm 2007, cho phép tước quyền biểu quyết của một quốc gia vi phạm luật pháp châu Âu.

Mặc dù vậy, một số thành viên EU vẫn cẩn trọng với ý tưởng áp đặt các hạn chế đối với Budapest. Thay vào đó, họ có ý định chứng minh cho Thủ tướng Hungary Viktor Orban thấy "toàn bộ tổn thất" của việc cô lập đất nước này trong EU, nhằm buộc ông Orban thay đổi quyết định về việc viện trợ cho Ukraine.

"Nếu thất bại, 26 thành viên khác của EU có thể tự mình đạt được thỏa thuận (viện trợ cho Ukraine), dù sẽ mất thời gian và cần một số sửa đổi nhỏ", Financial Times cho hay.

Một quan chức cấp cao của EU tuyên bố: "Có thể Hungary tạo ra nhiều rắc rối hơn, Hungary buộc chúng tôi sử dụng một số cách thức khác nhau. Nhưng cuối cùng, Hungary không thể ngăn cản chúng tôi cung cấp viện trợ cho Ukraine".

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Ảnh: Reuters)

 

Trước đó vào ngày 15/12, Hội nghị thượng đỉnh EU đã không thể thông qua đề xuất viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Thủ tướng Hungary Orban nói rằng Budapest không có ý định ủng hộ đề xuất viện trợ Ukraine từ ngân sách EU. Ông xác nhận rằng tại hội nghị, ông đã chặn đề xuất chỉnh sửa ngân sách để phân bổ 50 tỷ euro (54 USD) cho Ukraine trong năm 2024 - 2027.

Dù phủ quyết việc viện trợ thêm cho Ukraine nhưng Thủ tướng Hungary đã "ngầm" cho phép bắt đầu đàm phán kết nạp thành viên đối với Ukraine.

Trước đó, quá trình này đã không thể bắt đầu cũng vì chưa nhận sự đồng thuận từ ông Orban, khi ông kiên quyết cho rằng Ukraine vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu của EU để được đàm phán kết nạp.

Dù vậy, trước sự ủng hộ mạnh mẽ từ 26 nước còn lại, ông Orban đã nhượng bộ. Một quan chức EU giấu tên khẳng định ông Orban đã cố tình không có mặt tại phòng họp vào thời điểm việc biểu quyết diễn ra theo một thỏa thuận từ trước.

Theo quy định EU, những quyết định quan trọng như việc bắt đầu đàm phán kết nạp thành viên hoặc chỉnh sửa ngân sách dài hạn yêu cầu sự đồng ý của toàn bộ 27 nước thành viên EU. Tuy nhiên, chỉ phiếu chống mới có thể ngăn việc thông qua một quyết định, chứ phiếu trắng thì không.

https://vtc.vn/eu-co-the-tuoc-quyen-bieu-quyet-cua-hungary-de-vien-tro-ukraine-ar841741.html

HOA VŨ(Nguồn: TASS) / VTC News