Việc không thể thống nhất về vòng trừng phạt mới nhất với Nga là dấu hiệu cho thấy EU có thể sớm đạt đến ngưỡng của các đòn trừng phạt.
- EU chưa đạt đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga
- Tổng thống Putin: Phương Tây mất nhiều hơn Nga vì lệnh trừng phạt!
Euractiv dẫn nguồn tin quan chức ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho hay, Brussels dường như hết bài trong các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga. Điều này được thể hiện quan việc các thành viên trong khối không nhất trí được gói trừng phạt thứ 6 đối với Moskva, trong đó có lệnh cấm dầu Nga.
“Với sự lộn xộn như hiện nay, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với đề xuất cấm khí đốt”, Euractiv dẫn lời nguồn tin quan chức ngoại giao EU cho hay.
Quan chức ngoại giao EU cho biết thêm: “Gói biện pháp trừng phạt thứ 7 với Moskva sẽ vô cùng khó khăn… Chúng tôi đã tiến rất gần đến giới hạn của mình. Liệu gói thứ 7 sẽ bao gồm những gì?”.
Các nước thành viên EU đã không thống nhất được đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga, sau hơn 10 ngày đàm phán, trong đó Hungary dẫn đầu một nhóm nước phản đối biện pháp này. Kế hoạch cấm vận đối với dầu thô của Nga là một phần của gói trừng phạt thứ 6, được đề xuất vào ngày 4/5.
Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, bao gồm Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia và Bulgaria, đã nhiều lần bày tỏ phản đối lệnh cấm. Chính phủ Hungary nói rằng lệnh cấm vận của EU với Nga sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của nước này.
Theo nguồn tin của Euractiv, mặc dù đang có tiến triển trong các cuộc đàm phán với Hungary về quyền phủ quyết đối với đề xuất cấm vận dầu mỏ của Nga, song bầu không khí hiện nay cho thấy châu Âu "thậm chí đã lùi thêm một bước”.
Quan chức ngoại giao EU cho rằng, lập trường của Thủ tướng Hungary Viktor Orban về vấn đề này đặt các chính phủ khác vào tình thế khó. Nếu Budapest đạt được những gì họ muốn, thì những quốc gia khác như Bulgaria sẽ khó chấp nhận một khi không nhận được những nhượng bộ tương tự.
EU đã bị chia rẽ về các bước đi nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Các chuyên gia cho rằng lệnh cấm ngay lập tức đối với dầu và khí đốt từ Moskva là không thể.
Người dân châu Âu đang phải vật lộn với lạm phát tăng vọt, giá năng lượng và lương thực tăng vọt khi EU áp đặt các đòn trừng phạt mạnh tay đối với Nga.
Đến nay, EU tung 5 gói trừng phạt lên Nga, song chưa có lệnh cấm vận lên dầu mỏ và khí đốt của Moskva. Kinh tế châu Âu được dự báo đối mặt với khó khăn nếu không có nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.
EU nhập khoảng 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than từ Nga. Điều đó buộc giới lãnh đạo EU phải cân nhắc thiệt hơn khi tính toán các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.