Làn sóng Omicron đã khiến ca mắc COVID-19 tại nước ta tăng mạnh vào cuối tháng 2 đến 3 tuần đầu của tháng 3 với đỉnh dịch lên tới hơn 180.000 ca/ngày. COVID-19 bắt đầu giảm dần vào cuối tháng 3 và đến ngày 9/4, cả nước chỉ ghi nhận hơn 34.000 ca nhiễm mới.

Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới, song dịch đã giảm mạnh trong 1 tuần qua (giảm gần 10 lần so với thời gian đỉnh dịch).

4_1-1649523066602
Phố đi bộ ở khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) bắt đầu hoạt động trở lại như trước khi có dịch COVID-19. Ảnh:CTV.

Báo cáo của Bộ Y tế ngày 9/4 cho biết, dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến chủng Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến chủng Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày, từ 150.000 ca mắc mới mỗi ngày xuống còn trên dưới 50.000 ca mỗi ngày (tương đương với tuần thứ 3 của tháng 2 vừa qua là thời điểm trước khi số mắc bắt đầu gia tăng cao nhất).

Theo Bộ Y tế, số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, trong tháng 3 ghi nhận trên 1,2 triệu ca, tăng khoảng 950.000 ca so với tháng 2; số ca nặng từ hơn 3.600 ca xuống còn hơn 1.500 ca đang điều trị tại bệnh viện; số tử vong từ hơn 50 ca mỗi ngày xuống còn hơn 30 ca mỗi ngày. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm từ 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 26,%, số ca nặng và nguy kịch giảm 31,7%. So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỷ lệ tử vong/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% xuống còn 0,03% trong tháng này.

Sở dĩ tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong giảm sâu là do biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với các biến chủng khác, cộng với tỷ lệ tiêm vaccine đạt cao (đã tiêm hơn 207 triệu liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên). Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 9/4, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, số ca mắc COVID-19 mới tại nước ta đang giảm, đây là giảm "bền vững" nhưng vẫn phải tiếp tục phòng bệnh. Trên thế giới chưa có biến chủng mới đáng quan ngại, vì vậy khả năng thế giới đang có xu hướng dần dần coi COVID-19 chuyển sang bệnh lưu hành.

Theo Bộ Y tế, hiện trên thế giới đã có 53 quốc gia có kế hoạch triển khai tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng cho trẻ em ở các quốc gia được triển khai khác nhau, nhiều quốc gia trong đó có các nước thuộc liên minh châu Âu, Hoa Kỳ triển khai tiêm chủng cho toàn bộ đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Các nước chủ yếu sử dụng vaccine Pfizer tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, vaccine Moderna tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi. Nước ta triển khai tiêm ngay cho lứa tuổi này khi vaccine về tới Việt Nam, lô đầu tiên gần 1 triệu liều về ngày 9/4. Dự kiến trong quý 2/2022 tiêm xong cho lứa tuổi này.

4_2-1649523052913
Dịch COVID-19 đang có xu hướng giảm mạnh, nhưng người dân vẫn phải tuân thủ 5K.

Làn sóng Omicron đã khiến hàng triệu ca mắc COVID-19 trong thời gian qua, nhiều F0 khi nhiễm bệnh mới tiêm 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, khi khỏi bệnh, nhiều người trong số đó không có ý định tiêm mũi 3 khiến chỉ tiêu tiêm mũi 3 chưa đạt. Theo số liệu của Bộ Y tế, đến hết quý I/2022 ước 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 (40,4 triệu người). Nhưng hết ngày 31/3, mới có 33,4 triệu người được tiêm mũi 3, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 49% (đạt khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm), đến ngày 8/4 là 50,8%.

Theo chuyên gia dịch tễ nhận định, số người mắc COVID-19 tăng cao trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3 nên có sự trì hoãn tiêm chủng. Tuy nhiên, còn nhiều người có tâm lý chủ quan cho rằng, sau khi mắc COVID-19 và bình phục là đã miễn dịch tự nhiên nên có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3. Thậm chí, có người không mắc COVID-19 cũng không tiêm mũi 3 vì cho rằng biến chủng Omicron gây bệnh nhẹ.

"Tiêm mũi 3 rất quan trọng bởi giúp tăng miễn dịch, tránh tái nhiễm, giảm bệnh nặng, giảm tử vong, đặc biệt ở người có bệnh nền. Bộ Y tế vẫn chỉ định người dân tiêm mũi 3. Đặc biệt hiện nay đã xuất hiện biến chủng tái tổ hợp XE ở châu Âu, được cho là có khả năng lây truyền cao hơn so với biến thể BA.2. Việt Nam cũng có thể có biến chủng này nhưng chưa phát hiện ra. Vì vậy, người dân không nên chủ quan, 3 - 5 tháng sau khỏi COVID-19 thì nên đi tiêm mũi 3", PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết.