G7 vừa đạt được thỏa thuận lịch sử khi đồng ý mức thuế tối thiểu 15% thu nhập đối với các tập đoàn hàng đầu như Google, Apple.

Hôm thứ bảy (5/6), trong một động thái có thể huy động hàng trăm tỷ USD để đối phó với hậu quả của Covid-19, 7 nền kinh tế tiên tiến lớn đã đồng ý mức thuế thu nhập tối thiểu mà các tập đoàn lớn toàn cầu phải trả là 15%, nhằm buộc họ phải trả nhiều thuế hơn tại các thị trường mà họ bán hàng hóa và dịch vụ.

"Các bộ trưởng tài chính G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu nhằm phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số", Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết sau khi chủ trì cuộc họp hai ngày ở London.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết sự kiện này là "cam kết quan trọng, chưa từng có tiền lệ", và sẽ có tác dụng chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" về thuế trên toàn cầu.

G7 đạt thỏa thuận tăng thuế các tập đoàn công nghệ lớn
Bộ trưởng tài chính 7 nước G7 cùng với lãnh đạo World Bank, IMF, OECD, Ủy ban kinh tế châu Âu, Eurogroup chụp hình tại phiên họp ở London ngày 5/6. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông ban đầu đề xuất mức thuế tối thiểu toàn cầu là 21%, nhằm nỗ lực chấm dứt cuộc đua thuế thấp giữa các quốc gia để thu hút các doanh nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán khó khăn, G7 đi đến thỏa hiệp ở mức 15%.

Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ cần đạt được thỏa thuận rộng rãi hơn tại cuộc họp của G20 - bao gồm một số nền kinh tế mới nổi - sẽ diễn ra vào tháng tới ở Venice. "Nó phức tạp và đây mới là bước đầu tiên", ông Rishi Sunak nói.

Các quốc gia giàu có đã vật lộn trong nhiều năm để đồng thuận cách tăng thuế các công ty đa quốc gia lớn như Google, Amazon và Facebook. Những công ty này thường ghi nhận lợi nhuận trong các khu vực pháp lý miễn thuế hoặc thuế thấp. Mức 15% thực tế là cao hơn mức ở các nước như Ireland, nhưng dưới mức thấp nhất trong G7.

Đức và Pháp cũng hoan nghênh thỏa thuận này, mặc dù Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông sẽ đấu tranh để đạt được mức tối thiểu phải cao hơn 15%, nơi ông mô tả là "điểm khởi đầu". Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng thỏa thuận này là "tin xấu với các thiên đường thuế trên khắp thế giới".

"Các công ty sẽ không còn có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách đặt lợi nhuận của họ ở các quốc gia có mức thuế thấp nhất", ông nói thêm. Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe, nơi có mức thuế 12,5%, thì cho rằng bất kỳ thỏa thuận toàn cầu nào cũng cần tính đến các quốc gia nhỏ hơn.

Thỏa thuận không nói rõ chính xác những doanh nghiệp nào sẽ bị điều chỉnh, chỉ đề cập đến "các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất". Các nước châu Âu đang lo ngại Amazon có thể lọt lưới khi công ty này báo cáo tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hầu hết công ty công nghệ nổi tiếng khác.

Phiên An (theo Reuters)

Khủng hoảng COVID-19, Thủ tướng Ấn Độ hủy kế hoạch dự thượng đỉnh G7 Khủng hoảng COVID-19, Thủ tướng Ấn Độ hủy kế hoạch dự thượng đỉnh G7

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Narendra Modi sẽ không ...

G7 đồng loạt chỉ trích Nga - Trung nhưng ít hành động ngăn chặn G7 đồng loạt chỉ trích Nga - Trung nhưng ít hành động ngăn chặn

Ngoại trưởng các nước thành viên G7 chỉ trích Trung Quốc là kẻ bắt nạt trong khi cáo buộc Nga vô trách nhiệm và gây ...

/ vnexpress.net