Tình trạng “gạ tình”, quấy rối hay tấn công tình dục trong giới showbiz Việt khá phổ biến, nhưng vì e ngại vạ lây khi lên tiếng mà nhiều diễn viên, người mẫu, ca sĩ trẻ phải im lặng. Khi phong trào #Metoo rộ lên ở Việt Nam, nhiều người đã chọn cách đối diện với chính “thủ phạm” để đưa vấn đề ra ánh sáng.
Phạm Lịch dũng cảm tố Phạm Anh Khoa dù phải chịu nhiều “búa rìu” dư luận. Ảnh: T.L
“Vỗ mông nhau cũng là chào hỏi”
Vụ việc Phạm Anh Khoa phải lên tiếng xin lỗi nữ vũ công kiêm biên đạo múa Phạm Lịch cùng hai cô gái khác cho thấy, tình trạng quấy rối trong giới showbiz luôn tồn tại và ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, những lời xin lỗi của Phạm Anh Khoa bị cho là chưa thực chất, khiến các “nạn nhân” không chấp nhận. Và nếu như cô gái không cùng lên tiếng thì thử hỏi, liệu “quý ông” này có đòi kiện ngược Phạm Lịch hay không.
Câu nói “ở showbiz, vỗ mông nhau cũng là cách chào hỏi” của Phạm Anh Khoa lại càng dấy lên nghi vấn: Phải chăng trong suy nghĩ của những đại diện phái mạnh, chuyện gạ tình là hết sức bình thường, “con cá” nào cắn câu là chuyện bình thường, không phải là chuyện ép người khác làm điều họ không muốn chỉ vì “miếng cơm, manh áo”, giải thưởng, hay sự nổi tiếng?
Điều đáng lo ngại là khi một người không nhận ra tận gốc phần lỗi của mình, việc họ tái phạm là chuyện… đương nhiên. Nhiều người phản ứng khi Phạm Anh Khoa hứa hẹn tiếp tục là thành viên năng nổ trong các chiến dịch bảo vệ phụ nữ, cùng đồng hành với phong trào #Metoo và cho rằng, anh không xứng đáng là đại diện hình ảnh cho tổ chức phi chính phủ CSAGA. Đồng thời, họ đặt câu hỏi: Phải chăng tổ chức này đứng về những người như Khoa, mà không bảo vệ đối tượng bị xâm hại?
Ngay sau vụ Phạm Anh Khoa xin lỗi, một số nghệ sĩ đã phản ứng về cách nhìn nhận về sự việc của anh. Thậm chí, có không ít khán giả lên tiếng tẩy chay Phạm Anh Khoa, như từng tẩy chay Minh Béo.
Showbiz Việt tất nhiên có vô số chuyện “gạ gẫm, đổi chác” hay quấy rối tình dục nhưng chỉ khi phong trào #Metoo của các nạn nhân bị quấy rối lên tiếng ở Hàn Quốc và Hollywood, nhiều người mới giật mình nhìn lại hành vi được coi là “bình thường” lâu nay.
TS xã hội học Phạm Thị Thúy nhìn nhận: “Phạm Anh Khoa từ nhận thức không thấy mình có lỗi đã bước đầu xin lỗi là thành công của cá nhân cô Nguyễn Vân Anh và tổ chức CSAGA. Tuy nhiên, sự xin lỗi chưa được chấp nhận chứng tỏ cộng đồng ngày càng quan tâm sâu sắc đến vấn đề quấy rối tình dục. Đây là dấu hiệu đáng mừng.
Công chúng đòi hỏi nhiều hơn sự xin lỗi chân thành và sự thay đổi nhận thức rõ ràng hơn về những hành vi không được phép đối với phụ nữ của cá nhân Anh Khoa và những người từng nghĩ đó chỉ là đùa cho vui. Nhận thức về những hành vi quấy rối tình dục cần được cả nam và nữ ý thức hơn về hành động của mình, tránh không trở thành nạn nhân, càng không là thủ phạm. Ai cũng có thể là nạn nhân của trò quấy rối, không chỉ có phụ nữ, trẻ em. Nhiều nam giới cũng bị phụ nữ quấy rối”.
Hãy dũng cảm lên tiếng
Không riêng gì Phạm Lịch, thời gian qua, có một số nghệ sĩ, diễn viên cảnh báo về tình trạng gạ tình, quấy rối trong giới. Những diễn viên như Ngọc Lan, Mỹ Dung, Khánh Hiền... từng bị đạo diễn gạ tình, đổi vai, thậm chí có khi thủ phạm chính là người thầy, như trường hợp của diễn viên Khánh Hiền.
Chỉ cần một phút nông nổi là không ít cô gái trẻ đẹp bị rơi vào bẫy tình tiền để nổi tiếng. Phía ca sĩ thì có bầu sô công khai hoặc ngấm ngầm gây áp lực để họ phụ thuộc vào ông bầu, từ đó mới có chuyện mời đi show và làm MV. Ngay cả các giám khảo ở một số cuộc thi cũng có người từng “ép uổng” các thí sinh tham gia cuộc thi.
TS Thúy phân tích rằng, “qua những gì mà Phạm Anh Khoa trả lời, tôi thấy vấn đề quấy rối trong giới showbiz đã không được ý thức đúng, nhiều người coi như trò đùa mà thôi.
Thực ra, cá nhân tôi quan sát và lắng nghe nhiều thân chủ tâm sự liên quan đến vấn đề này trong nhiều năm qua. Tôi thấy không riêng gì giới showbiz, thậm chí kể cả trong ngành giáo dục cũng có nhiều người có địa vị, có bằng cấp cao nhưng vẫn đùa giỡn với phụ nữ, kể những câu chuyện mang tính quấy rối tình dục trên bàn ăn, lấy một đặc điểm cơ thể của ai đó làm đề tài kể chuyện dung tục… Đây là vấn đề cần phải thay đổi.
Tôi rất ủng hộ phong trào #Metoo để mọi người cùng lên tiếng, từ đó sẽ thay đổi nhận thức về những hành vi trước đây một số người không biết đó là quấy rối, xâm hại, cứ “vô tư” làm thì từ nay mỗi người sẽ ý thức tôn trọng cơ thể, cảm xúc của người khác hơn”.
Theo TS Thúy, để hạn chế những hành vi quấy rối xâm hại, trước hết cần đến từ sự thay đổi nhận thức của mỗi người và toàn xã hội. Và càng cần hơn những quy định rõ trong các văn bản luật để làm căn cứ xét xử những người quấy rối, xâm hại người khác. Khi con người biết đâu là hành vi không được phép làm và sẽ bị trừng trị thì họ sẽ biết dừng, không dám thực hiện. Và khi dư luận xã hội lên án, mỗi người biết cách tự bảo vệ bản thân trước nạn quấy rối thì tội phạm không có cơ hội thực hiện.
“Các cô gái, các nạn nhân cần dũng cảm lên tiếng. Không ai có quyền kết án các bạn có lỗi khi bạn bị xâm hại hay quấy rối. Kẻ quấy rối cần được trừng trị. Đổ lỗi cho nạn nhân có hành vi là nguyên nhân khiến họ bị quấy rối là định kiến sai lầm. Ai đó cho rằng việc lên tiếng tố cáo người nổi tiếng để mình nổi tiếng ăn theo thì chính họ đang ngụy biện mà thôi. Nếu sự thật bạn bị quấy rối, hãy lên tiếng dù kẻ đó là ai. Bạn sẽ bảo vệ được chính mình và tránh cho bao người không phải là nạn nhân tiếp theo như bạn.
Đó là trách nhiệm của bạn với chính mình và với xã hội. Hãy dũng cảm lên tiếng” - TS Thúy nhấn mạnh.
Sao Mai Ngọc Anh: “Phái yếu phải biết tự bảo vệ bản thân”
“Tôi rất ủng hộ khi các nạn nhân bị quấy rối hay tấn công tình dục lên tiếng, đặc biệt là khi phong trào #Metoo đang phát triển rộng khắp Việt Nam.
Với trường hợp là nữ, nếu gặp những tình huống bày tỏ hơi quá họ thường lựa chọn cách im lặng, không bao giờ muốn ầm ĩ. Có một số người có cách cư xử văn minh nếu không nhận được sự đồng thuận từ đối tượng mà mình bày tỏ tình cảm. Ngược lại, cũng có người tấn công dữ dội, làm rất nhiều cách để đạt mục đích thì cũng có thể gọi là quấy rối trong hành động hay lời lẽ. Điều này rất cần lên tiếng bởi không chỉ cho cá nhân mình mà còn cho cả một cộng đồng vì quả thực hiện trạng này đang diễn ra quá nhiều trong một xã hội hiện đại.
Theo quan điểm của tôi, mối quan hệ nam và nữ chưa bao giờ là đơn giản. Vì vậy, trong tất cả mọi trường hợp tôi không đồng tình nếu người đàn ông có hành xử bỗ bã, nói năng thô thiển với phái yếu làm họ bị tổn thương về mặt tâm lý. Vì thế, phái yếu phải biết tự bảo vệ mình lẫn người thân, đặc biệt là những người phụ nữ với nhau. Im lặng là một sự nguy hiểm!
Là một người làm lâu năm trong nghề, dĩ nhiên tôi có gặp một vài trường hợp hơi “quá khích” khi bày tỏ tình cảm nhưng chỉ là số ít. Tuy nhiên, bản thân tôi luôn đặt ra một số quy tắc nhất định để tỏ rõ sự thích hoặc không thích cho những người bộc lộ tình cảm với mình. Thậm chí có thể ngừng giao tiếp, giảm tránh tối đa việc tiếp xúc riêng. May mắn rằng, cá nhân tôi được làm việc với những người nghiêm túc, công việc và chuyện riêng tư rất rạch ròi”.
Phạm Anh Khoa chỉ xin lỗi thôi thì chưa đủ Ca sĩ Phạm Anh Khoa giữ vai trò đại sứ cho tổ chức bảo vệ phụ nữ và bé gái nhưng lại có hành vi ... |
Vỗ mông nhau cũng là cách "chào hỏi": Showbiz đã đồi bại đến mức ấy? Ngày 12.5, trong trao đổi với Trung tâm CSAGA (Tổ chức phi chính Phủ, hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, bảo vệ phụ ... |
Rocker Phạm Anh Khoa và bài học về văn hóa hành xử trong giới showbiz Scandal “gạ tình” vẫn chưa được gác lại sau khi lời xin lỗi của rocker Phạm Anh Khoa không được phía vũ công Phạm Lịch ... |