TP HCM đang có 9.434 căn hộ, 2.500 nền đất tái định cư bị bỏ trống nhiều năm nay và mỗi năm phải chi 71 tỷ đồng cho việc quản lý, bảo trì.
Năm 2016, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài hơn 20 km được triển khai nhằm cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu dân 8 quận, huyện trong lưu vực rộng 15.000 ha dự án đi qua. Nhà bà Hạnh ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, sát rạch Nước Lên, thuộc diện bị giải tỏa, được bố trí căn hộ tại block A 1.5 khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh).
Khu tái định cư Vĩnh Lộc (Bình Chánh) rộng 30 ha, đã xây dựng 45 block cao 5 tầng, tổng cộng 1.939 căn hộ, hiện có gần 1.000 căn bỏ trống. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Lên nơi ở mới rộng 40 m2, cách trung tâm thành phố khoảng 20 km, chồng bà phải nghỉ việc bảo vệ gắn bó hơn 10 năm ở một ngân hàng. Bà Hạnh cũng mất luôn công việc may gia công cho các công ty gần nhà cũ. Nơi ở mới không người thân thích, công việc không có khiến hai vợ chồng bơ vơ hơn tháng trời với suy nghĩ làm gì để lấp vào khoản thu nhập 15 triệu đồng mỗi tháng.
"Ở đây vắng vẻ, ít người quá nên muốn kinh doanh hay xin việc đều khó", bà Hạnh nhớ lại. Tìm hiểu xung quanh, thấy gần nhà có trường học, vợ chồng bà bảo nhau làm đồ ăn bán cho học sinh mỗi buổi sáng. Chiếc xe đẩy bán xôi, nước sâm của vợ chồng bà trở thành nguồn thu nhập chính cho cả gia đinh với mỗi ngày kiếm được non 200.000 đồng.
Có được kế mưu sinh, nhưng vừa ở trong căn hộ chưa đầy 2 năm, vợ chồng bà Hạnh lại bận lòng với nỗi lo nhà xuống cấp. Nhiều mảng tường, nền nhà bong tróc, nứt nẻ. Mỗi khi nhà phía trên xả nước là ở các góc tường, trần nhà bà thấm đẫm nước, nhỏ xuống nền, không có cách nào khắc phục. Bà Hạnh nhiều lần kiến nghị sửa chữa nhưng chưa được đáp ứng.
Ở khu tái định cư này, hầu như block nào cũng dán nhiều mẩu giấy dịch vụ chuyển nhà, bán nhà vì người dân không quen với nơi ở mới. Một hàng xóm của bà Hạnh mới đây đã chuyển đi, cho thuê lại nhà và dùng số tiền đó thuê lại nhà gần nơi ở cũ để thuận lợi cho việc làm ăn, sinh hoạt.
"Nhiều người ví von đây là khu dân cư ma vì đìu hiu, ít người ở. Block nhà tôi có 44 căn hộ mà chỉ có 18 nhà sinh sống", bà Hạnh nói.
Gia đình bà Hạnh nằm trong số hàng nghìn hộ bị giải tỏa thuộc dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, được bố trí vào ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Thống kê của huyện Bình Chánh, khu tái định cư rộng hơn 30 ha, có 45 block nhà 5 tầng với 1.939 căn hộ, hiện có gần 1.000 căn bỏ trống.
Do ít người ở nên vỉa hè mặt tiền các căn hộ tầng trệt cỏ mọc um tùm, dây leo bò vào khu vực hành lang. Nhiều căn nhà khép cửa sắt gỉ sét, một số cửa chỉ khép hờ, không ổ khóa. Tại các hành lang, nhiều hộp cứu hỏa hư hỏng, cửa bung ra, mất bình chữa cháy. Các cống thoát nước bị vỡ nắp nằm lẫn lộn với cây cỏ, tạo nên "hố tử thần" rình rập người đi đường.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) vắng vẻ, không người ở, cỏ dại mọc khắp nơi. Ảnh: Hà An |
Cách đó hơn 25 km, tại quận 2, hàng nghìn căn hộ khu tái định cư hơn 38 ha Bình Khánh (phường Bình Khánh) cao trên 20 tầng cũng rơi vào tình trang hoang vắng, không người ở. Khoảng sân giữa các block chung cư cỏ dại mọc kín, dây leo quấn quanh các trụ đèn. Ở khu vực mặt tiền hướng ra đường, nhiều ki ốt trở thành kho chứa vật liệu, một số vị trí biến thành nơi tập kết ve chai, vật liệu tràn ra lòng đường, nhếch nhác.
Ông Lê Thanh Tâm, 44 tuổi, ở phường Bình Khánh cho biết, hơn 15 năm trước, gia đình ông thuộc diện giải tỏa để thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mức đền bù chỉ 2-3 triệu đồng mỗi m2, nên ông chỉ nhận hơn 200 triệu cho miếng đất 90 m2. Số tiền sau khi được đền bù không đủ ông mua căn hộ tái định cư. Vừa ở nhà ba mẹ, vừa làm thuê dành dụm thêm và vay mượn người thân, ông mua được căn nhà 50 m2 ở quận 9 cách đây 10 năm.
Nhiều người khác cũng như ông Tâm, phần vì không đủ tiền để ở chung cư, phần khác có tâm lý ngại vào vì cho rằng ở nhà đất thoải mái hơn. Vì vậy, 5 năm trước, khu chung cư tái định cư Bình Khánh hoàn thành, rơi vào cảnh bỏ hoang. "Ở nhà không có gì làm còn mở được tạp hóa, cà phê bán kiếm lời, lên chung cư ở cao tầng biết làm gì để sống, hơn nữa phải đóng nhiều loại phí", ông Tâm nói khi đang làm cỏ gần khu tái định cư Bình Khánh.
Chung cư tái định cư Bình Khánh (quận 2) bỏ hoang 5 năm, cỏ dại phủ khắp mặt sân. Ảnh: Hà An. |
Theo Sở Xây dựng TP HCM, khu tái định cư Bình Khánh còn hơn 5.300 căn hộ tái định cư để trống thuộc các lô từ R1 đến R5. Thành phố đã 2 lần tính toán bán đấu giá nhưng không có người mua. Nguyên nhân là số lượng căn hộ quá lớn, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài khu này, thành phố còn có 320 căn ở chung cư ở quận 12, 220 căn hộ tại chung cư Tân Mỹ (quận 7), 470 căn hộ tái định cư tại quận Bình Thạnh... bị bỏ trống.
Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng (Sở Xây dựng) đang quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư để trống tại 163 dự án. Trong đó, một số được quản lý để chờ bán đấu giá (gần 4.800 căn), số khác (hơn 2.000 căn) chờ bố trí tái định cư cho các dự án trong tương lai. Mỗi năm thành phố phải chi 71 tỷ đồng phục vụ công tác vận hành, bảo quản, duy tu nhà tái định cư.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết chi phí cho việc quản lý, bảo trì số lượng gần 10.000 căn hộ rất tốn kém. Bởi căn hộ để trống vẫn phải làm vệ sinh và quản lý hàng ngày. Không có khoản thu nên ban đầu các đơn vị quản lý còn gồng gánh nhưng thời gian dài phải cắt giảm các khoản chi bảo dưỡng khiến căn hộ nhanh chóng xuống cấp.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, hơn chục nghìn căn nhà và nền đất bị dôi dư do trước đây Luật Đất đai 2013, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thường có ba hình thức: bằng tiền, bằng căn hộ và bằng nền đất để người dân lựa chọn. Vì vậy, thành phố luôn phải chuẩn bị nguồn lực gấp 3 lần để người dân lựa chọn.
"Lúc đó, do chính sách bồi thường không sát với giá thị trường nên đa phần người dân nhận căn hộ hoặc nền đất. Sau Luật Đất đai 2013, giá bồi thường đã bằng giá thị trường nên người dân chủ yếu chọn hình thức bồi thường bằng tiền để tự lo nơi ở mới", ông Khiết nói và cho biết đây chính là lý do số lượng căn hộ tái định cư bị dôi dư đáng kể.
Trong số hơn chục nghìn căn hộ và nền đất này, hiện UBND thành phố đã duyệt chủ trương đấu giá hơn 5.000 căn hộ và 43 nền đất. Với dự án có số căn hộ lớn, thành phố sẽ chia nhỏ số lượng căn hộ khi bán đấu giá tạo điều kiện nhiều nhà đầu tư tham gia. Số còn lại, các quận huyện xin giữ làm quỹ bố trí tái định cư cho các dự án. Trên thực tế, hiện còn trống khoảng 1.800 căn hộ và 1.100 nền đất chưa bố trí. Đây cũng là nguồn dự phòng cho các trường hợp cấp bách cần bố trí tái định cư.
Theo Sở Xây dựng, trước đây quỹ nhà tái định do các quận huyện quản lý, đến tháng 3 năm nay, thành phố đã có quyết định giao về cho Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng. Việc này sẽ đảm bảo quản lý, vận hành thống nhất một đầu mối toàn bộ quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có nhà tái định cư.
Hà An - Hữu Công
Ì ạch cải tạo chung cư cũ vì rào cản thủ tục Câu chuyện cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TPHCM đang thật sự gặp nhiều khó khăn. Nhiều chung cư cũ đã rơi vào ... |
Vì sao TPHCM “vỡ” kế hoạch di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch? Việc giải toả 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch ở TPHCM đang gặp khó khăn, dự kiến sẽ không thực hiện đúng tiến ... |