Lãi vay tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của Cty CP Gang thép Thái Nguyên tiếp tục phình to hàng trăm tỉ đồng mỗi năm là một yếu tố khiến doanh nghiệp này mất cân đối tài chính nghiêm trọng.

Lãi vay tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của Cty CP Gang thép Thái Nguyên tiếp tục phình to hàng trăm tỉ đồng mỗi năm là một yếu tố khiến doanh nghiệp này mất cân đối tài chính nghiêm trọng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cho thấy, tính đến cuối tháng 9.2019, tổng giá trị xây dựng cơ bản dở dang cho Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II (TISCO II) vọt lên 5.287 tỉ đồng, tăng 194 tỉ đồng chỉ sau 9 tháng dù trên thực tế dự án này bị đình trệ thi công suốt từ năm đầu năm 2013 đến nay.

Báo cáo tại Đại hội Cổ đông thường niên 2019 của TISCO mới đây, Trưởng ban Kiểm soát TISCO Trần Anh Dũng cũng cho biết, chỉ tính đến cuối năm 2018, chi phí lãi vay được vốn hóa chiếm tới 1.888 tỉ đồng trong tổng chi phí đầu tư toàn bộ của dự án tại thời điểm 31.12.2018 là 5.093 tỉ đồng (tương đương 37%) với chi phí phát sinh chủ yếu trong năm là chi phí lãi vay được vốn hóa.

Như vậy nếu so sánh với tổng giá trị xây dựng dự án vào thời điểm đầu năm 2016 chỉ là 4.438 tỉ đồng, giá trị xây dựng dự án đến cuối tháng 9.2019 tăng thêm tới 849 tỉ đồng sau gần 4 năm, tương đương hơn 212 tỉ đồng mỗi năm và cũng chủ yếu phát sinh do chi phí lãi vay được vốn hóa.Số lãi vay nói trên đến từ con số dư nợ 3.031 tỉ đồng mà TISCO vay phục vụ dự án mở rộng giai đoạn 2, ghi nhận còn 3.031 tỉ đồng trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018. Trong số này, số dư gốc vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là 1.895 tỉ đồng và tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 1.136 tỉ đồng. Đáng lưu tâm là hiện có 623 tỉ đồng nợ dài hạn đến hạn trả phát sinh theo hợp đồng vay vốn TISCO ký năm 2006 với VDB khu vực Bắc Kạn – Chi nhánh Thái Nguyên.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2018 của TISCO cũng cho thấy, Cty này đang ghi nhận tổng các khoản nợ phải trả hơn 8.700 tỉ đồng, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu 1.899 tỉ đồng. Trong đó, riêng nợ vay tài chính lên đến 5.717 tỉ đồng, tương đương hơn 54% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Phát biểu tại Đại hội Cổ đông thường niên 2019 mới đây, Chủ tịch HĐQT TISCO Đinh Quốc Thái thừa nhận, các chỉ tiêu tài chính Công ty bắt đầu xấu đi từ cuối tháng 4.2017. Từ thời điểm này, các ngân hàng cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh đã đánh giá thấp khả năng tài chính của Công ty. Mặt khác do dự án chưa có hướng giải quyết nên các ngân hàng đã giảm hạn mức cho vay, đồng thời đồng loạt tăng lãi suất lên 8%/năm làm cho TISCO khó khăn trong cân đối dòng tiền phục vụ sản xuất, chi phí tài chính cao.

“Đến đầu năm nay, tình hình tài chính của TISCO lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản là đang hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời” – ông Đinh Quốc Thái nhìn nhận.

Theo Báo cáo 188/BC-CP của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội khóa XIV về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, đến nay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã gia hạn thời hạn cho vay vốn của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên lên 15 năm.Tuy nhiên, do dự án vẫn đang dừng thi công và chưa có phương án cụ thể để tái khởi động nên VDB chưa có căn cứ để tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ cho dự án.

Lam Duy 11/12/2019 | 08:59

Gang thép Thái Nguyên nguy cơ phá sản

Nợ phải trả gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu, các ngân hàng hạ mức đánh giá xếp hạng tài chính... khiến Tisco lâm vào ...

Quy mô gần 10.000 tỷ, Gang thép Thái Nguyên lãi chưa tới 5 tỷ đồng

Tổ hợp gang thép tại Thái Nguyên vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận giảm gần 90% so với cùng ...

Chi 2,6 tỷ đánh giá dự án Gang thép Thái Nguyên

VVFC có 45 ngày để định giá và đánh giá hiệu quả dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 với tổng chi phí ...

/ laodong.vn