Có một sự thật là nếu không bị hãng tin quốc tế Al Jazzera “bóc phốt”, việc đương nhiệm Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc mang quốc tịch Síp chỉ có một mình ông ấy biết. Cử tri của ông ấy không biết, Quốc hội không biết, dân càng không biết.

Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Tuý hôm qua khẳng định những thông tin liên quan đến quốc tịch nước ngoài của Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc chắc chắn sẽ được cơ quan chức năng xem xét. Vậy là Quốc hội đã chính thức vào cuộc để trả lời cho những thắc mắc, nghi vấn của cử tri, của nhân dân.

Ông Phạm Phú Quốc hôm qua cũng đã lên tiếng, vừa xác nhận vừa phủ nhận.

Xác nhận việc ông có quốc tịch Cyprus (Síp) từ giữa năm 2018. Nhưng phủ nhận là “mua”: “Quốc tịch này do gia đình tôi bảo lãnh, hoàn toàn không có việc "mua quốc tịch" với giá 2,5 triệu USD... thông tin về việc tôi mua quốc tịch thứ hai là không chính xác”, ông Quốc nói trên TTO.

Ông Quốc nói cũng “đang” thực hiện các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Ý tứ rất rõ ràng: Việc quốc tịch là vì gia đình.

Nguồn tiền cũng vậy, do “vợ và con là những doanh nhân”.

Thật ra, ông Quốc, hay bất cứ công dân nào đều có thể “mua” quốc tịch Síp, hay Malta, hay bất cứ quốc tịch nào khác, miễn đừng là đại biểu Quốc hội.

Ông Quốc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận, một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước - không thể nói không biết Luật Quốc tịch. Huống chi cũng đã có những tiền lệ “mua” quốc tịch Malta, phải rời bỏ vị trí đại biểu Quốc hội rồi.

Năm 2016 sau khi sự việc bị phát giác, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có đơn xin rút khỏi vị trí đại biểu Quốc hội trước khi Hội đồng bầu cử quốc gia biểu quyết xác nhận bà Hường không đủ tư cách đại biểu Quốc hội.

Năm ấy, báo chí đặt một câu hỏi: Trong đơn xin rút bà Hường không biết có đưa ra lý do kiểu “sức khoẻ...” không? Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói lý do nêu trong đơn xin rút của bà Hường là “thấy bản thân không đủ điều kiện để làm đại biểu Quốc hội thì xin không làm nữa”.

Xét ra, đó cũng là một cách rút lui tự trọng. Không trình bày nhiều, không thanh minh thanh nga cũng không nại lý do này lý do khác, càng không đổ tại người thân, gia đình theo kiểu bị “gắp quốc tịch bỏ tay người”.

Dường như đó cũng là lựa chọn khả dĩ nhất cho những vị đại biểu Quốc hội đã không còn có được niềm tin của cử tri, của nhân dân.

Anh Đào

Hé lộ cuộc di cư bí mật của giới nhà giàu Trung Quốc: Hơn 500 người mua quốc tịch Síp, bao gồm cả nữ doanh nhân giàu nhất châu Á Hé lộ cuộc di cư bí mật của giới nhà giàu Trung Quốc: Hơn 500 người mua quốc tịch Síp, bao gồm cả nữ doanh nhân giàu nhất châu Á
Mua bán quốc tịch - ngành công nghiệp tỷ USD gây tranh cãi Mua bán quốc tịch - ngành công nghiệp tỷ USD gây tranh cãi

/ laodong.vn