Hơn 80 năm trong nghề, Nghệ nhân Nhân dân Lê Văn Kinh là người có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát triển nghề thêu thủ công truyền thống ở Cố đô Huế.
Vốn là kinh thành xưa của nhà Nguyễn, Cố đô Huế là mảnh đất kết tinh nhiều nét đẹp văn hóa trong đó có sự hội tụ của tinh hoa nghề truyền thống Việt. Nghề truyền thống ở Huế thì nhiều nhưng nổi bật hơn cả có nghề đúc đồng, thêu, chạm khắc gỗ, làm diều, ca nhạc truyền thống,..
Ở mỗi nghề truyền thống có nhiều nghệ nhân xuất sắc, nhưng để đạt đến trình độ thượng thừa, được gọi là bậc thầy lão luyện thì ở Huế chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chúng tôi may mắn được gặp một trong số những người như vậy, ông là Lê Văn Kinh, Nghệ nhân Nhân dân nghề thêu tay. Người được các chuyên gia UNESCO từng ví là “báu vật nhân văn sống”.
Tác phẩm “Tùng hạc” được Nghệ nhân Nhân dân Lê Văn Kinh mày mò thêu khi 10 tuổi. Ảnh: Thế Trung |
Gia đình thêu long bào vua Khải Định
Chúng tôi gặp nghệ nhân Lê Văn Kinh tại cửa hàng tranh thêu của gia đình số 82, đường Phan Đăng Lưu, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Vừa tiếp đón khách, vừa luôn tay tranh thủ cho xong nốt phần việc tại cửa hàng, ông Kinh trông nhanh nhẹn và minh mẫn hơn nhiều so với độ tuổi gần cửu thập niên của mình.
Là con trai và là truyền nhân của cụ Lê Văn Hỡi, người từng thêu long bào cho vua Khải Định. Ông Lê Văn Kinh hiện là nghệ nhân thêu có nhiều kinh nghiệm, nổi tiếng ở trong và ngoài nước.
Nói về nghề thêu của gia đình, ông Kinh chia sẻ, nghề thêu truyền thống của gia đình ông có nguồn gốc từ Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ). Từ đời ông nội của ông đã gắn bó với nghề thêu sau đó chuyển vào kinh đô Phú Xuân (tên gọi của Huế dưới thời nhà Nguyễn) để lập nghiệp.
Nghề thêu sau đó được truyền lại cho cha ông là Lê Văn Hỡi. Từ nhỏ, những lúc rảnh rỗi, ông Lê Văn Kinh vẫn hay theo chân cha vào chơi trong xưởng, say mê xem những người thợ lành nghề xâu kim, xỏ chỉ. Đến năm 10 tuổi, ông đã tự mày mò thêu được bức tranh Tùng hạc. Năm 1956, sau khi cha mất, lo nghề thêu của gia đình bị thất truyền, ông đã quyết định bỏ ngang việc theo học luật khoa - một công việc vừa danh giá, vừa kiếm ra tiền lúc đó để về quản lý cửa hàng, gắn bó với nghề thêu từ đó cho đến bây giờ.
Nghệ nhân Nhân dân Lê Văn Kinh kể về chuyện cha mình từng thêu long bào cho vua Khải Định. Ảnh: Thế Trung |
Kể về việc cha mình từng là người thêu long bào cho vua Khải Định, ông Kinh không khỏi tự hào. Ông Kinh kể lại, để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần đại khánh, mừng vua Khải Định bước sang tuổi 40. Vua cho người đi tìm mua loại vải tốt nhất về để may long bào. Đồng thời, nhà vua cũng cho tuyển chọn những người thợ thêu giỏi nhất kinh thành để giao trọng trách. Cha ông, cụ Lê Văn Hỡi là một trong hai người thợ giỏi nhất lúc bấy giờ được lựa chọn.
Theo ông Kinh, thời đó được giao trọng trách thêu long bào cho vua là một vinh dự rất lớn, nhưng để làm được việc này thì đòi hỏi người thợ thêu ngoài khéo tay cũng phải có hiểu biết và hết sức cẩn thận. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể bị trách phạt rất nặng.
“Ngày đó, hai người thợ thêu mỗi người được chia ra mỗi phần việc, làm việc bất kể ngày đêm trong suốt 8 tháng dài. Khi long bào hoàn thành được các quan trầm trồ khen ngợi, nhưng nhà vua xem qua lại thấy họa tiết chân rồng bị thêu che khuất mất một chiếc móng. Lỗi này là rất nặng, nhà vua nổi trận lôi đình đòi xử phạt thật nặng hai người thợ thêu.
May là sau đó xét thấy phần lỗi này là của người kia chứ không phải của cha tôi nên vua mới tha về, bắt sửa lại. Mất gần một tuần lễ sau đó tháo ra thêu lại, long bào cũng hoàn thiện và được vua khen ngợi. Tiếng tăm nghề thêu của gia đình cũng được nhiều người biết đến từ đó”, ông Kinh kể lại.
Mảnh vải được cắt từ tấm vải thừa long bào vua Khải Định được gia đình ông Kinh gìn giữ. Ảnh: Thế Trung |
Hiện tại, gia đình ông Kinh vẫn đang lưu giữ một mảnh vải thừa được cắt ra từ tấm long bào của vua Khải Định. Dù kích thước khiêm tốn chưa đến 40cm2 và đã bị ố vàng theo năm tháng, nhưng theo ông Kinh, đây là kỷ vật vô cùng quý giá. Bởi ở mảnh vải này chứa đựng cả niềm vinh dự và tự hào về nghề thêu của gia đình.
Một đời vì nghề
Đam mê và gắn bó với nghề thêu tay truyền thống, ông Lê Văn Kinh cũng là một trong những người nắm giữ nhiều kỷ lục quốc gia về tranh thêu hiện nay như: Bản kinh “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” thêu tay bằng chỉ kim tuyến đầu tiên tại Việt Nam; Nghệ nhân thêu tay truyền thống thơ chủ tịch Hồ Chí Minh thành tranh trang trí bằng chỉ tơ tằm Việt Nam đầu tiên; Nghệ nhân thêu tay bài thơ “Cáo tật thị chúng” bằng nhiều ngôn ngữ nhất;...
Trong số trên phải kể đến bộ tranh thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” bằng 20 thứ tiếng. Để tạo được nét riêng, mỗi bức tranh được ông thể hiện bằng một kiểu chữ, một chỉ màu khác nhau dựa vào quốc kỳ mỗi quốc gia. Phải mất 8 năm từ lúc lên ý tưởng đến thực hiện, bộ tranh mới được hoàn thành. Nhiều bức trong số này được du khách tìm đến hỏi mua với giá rất cao.
Nghệ nhân Nhân dân Lê Văn Kinh bên bộ tranh thêu “Cáo tật thị chúng” bằng 20 thứ tiếng. Ảnh: Thế Trung |
Đối với ông Kinh, mỗi tác phẩm tranh thêu không đơn thuần là một một bức tranh bình thường mà trong từng đường kim mủi chỉ còn gửi gắm cả tâm huyết và dụng ý của tác giả. Nhiều tác phẩm dù đơn giản nhưng vẫn thể hiện được quan điểm, cách nhìn nhận của ông về cuộc sống. Dù tuổi đã cao nhưng hiện ông Kinh vẫn giành một sự đam mê vô cùng lớn đối với việc nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo và giữ gìn nghề thêu tay truyền thống.
Với mong muốn bảo vệ nghề truyền thống đã tồn tại trên đất Cố đô, ông Kinh đã đi khắp ba tỉnh Bình – Trị – Thiên truyền nghề cho rất nhiều người. Ít ai biết rằng để làm được điều này, trước đó ông cũng từng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều bởi bí quyết gia truyền thì không thể truyền ra ngoài.
Vậy rồi động lòng trắc ẩn khi thấy còn có quá nhiều người không có việc làm, khó khăn nghèo túng. Nhiều chị em phụ nữ phải làm những công việc nặng nhọc. Ông đành thắp hương cáo lỗi và xin phép ông bà tổ tiên cho ông được đi truyền nghề, giúp đỡ mọi người.
Những năm 2006, nhiều người vẫn thấy ông lão ngoài 80 vẫn đều đặn đến trường Tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế) dạy nghề miễn phí cho nhiều trẻ em câm điếc. Để truyền được nghề, ông Kinh bỏ thời gian hơn một tháng để học ngôn ngữ câm điếc để lên đứng lớp. Bằng sự tận tâm với nghề, trong mấy chục năm qua, hàng nghìn học trò đã được ông truyền dạy thành nghề. Nay tuổi đã cao không còn đi dạy được nữa, nhưng nhiều người vẫn tìm đến ông nhờ chỉ dạy.
Nhiều tác phẩm dù đơn giản nhưng vẫn thể hiện được quan điểm, cách nhìn nhận của ông về cuộc sống. Tác phẩm “Điểm tựa” được thêu bằng kim tuyến nhỏ sợi phản ánh sự tha hóa của giới trẻ hiện nay. Ảnh: Thế Trung |
Ông Kinh chia sẻ, nghề thêu trước hết đòi hỏi ở mỗi người thợ phải biết vẽ, thêu và may. Sau đó phải có kiến thức rộng, tinh thần tự mày mò, học hỏi, kiên trì trong từng đường kim mũi chỉ. Bởi vậy không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn theo đuổi nghề.
“Tôi có rất đông học trò, có người học được một thời gian thì bỏ nhưng nhiều người đến nay không chỉ sống được mà đã thành công với nghề. Nghề thêu đem đến cho tôi niềm vui, vui hơn cả là nghề của mình được nhiều người trân quý. Như mới đây, những học trò được tôi dạy thêu kimono ở Sài Gòn cách đây gần 30 năm lặn lội ra Huế tìm gặp bằng được rồi đúc tặng một bức tượng chân dung bằng thạch cao để tri ân thầy. Hay những thương gia Nhật từng đến cửa hàng mua tranh từ thời bao cấp, đã lâu tôi không nhận đơn hàng nữa nhưng hay tin tôi bị ngã xe họ tìm đến tận cửa hàng tìm hỏi thăm”, ông Kinh vui vẻ nói.
Một đời sống vì nghề, địa chỉ cửa hàng thêu của gia đình cũng đã có tên trên bản đồ du lịch thế giới. Nhưng điều ông Kinh lo lắng nhất vẫn là chuyện tìm người nối nghiệp.
“Kỹ thuật thêu thì tôi đã truyền cho các con từ nhỏ. Nhưng giờ con gái tôi đã lấy chồng, con trai có công việc riêng, lập gia đình và định cư tại Sài Gòn. Tôi vẫn mong cháu về nối nghiệp gia đình, nhưng giờ hoàn cảnh như vậy nên xem ra việc này cũng rất khó khăn”, ông Kinh tâm sự.
(http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/gap-truyen-nhan-cua-nguoi-theu-long-bao-cho-vua-nha-nguyen-252480.html)