Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, trong những điểm mới nổi bật có nội dung giá bán điện sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường.

Nội dung được quan tâm nhiều nhất đó là giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.

Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định.

Giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; xây dựng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng đặc thù theo các chủ trương của Nhà nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ.

Giá điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường. (Ảnh: EVN).

Giá điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường. (Ảnh: EVN).

 

Về hỗ trợ tiền điện của Nhà nước, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; Chính phủ ban hành phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp có sự cố, thảm họa theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự để ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

 

Một điểm mới nữa của Luật Điện lực (sửa đổi) đó là nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng công trình nguồn điện.

Tại Điều 5, chương I quy định: “Nhà nước ban hành các chính sách phát triển, đầu tư xây dựng ngành điện bảo đảm yêu cầu là ngành công nghiệp hạ tầng quan trọng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia”.

Theo đó, Nhà nước độc quyền trong các hoạt động vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đồng thời, Luật Điện lực (sửa đổi) cũng nêu rõ: “Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật”.

Nhận xét về điểm mới này, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng: "Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn. Điều này cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng tính bền vững.

Luật cũng mở cửa cho nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất, phân phối và kinh doanh điện, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia vào thị trường. Điều này tạo ra cạnh tranh, dẫn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm chi phí cho các doanh nghiệp sử dụng điện. Do đó, việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) lần này hết sức cần thiết và cấp bách cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai sắp tới".

Một điểm mới đáng chú ý nữa của Luật Điện lực đó là có cơ chế đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi. Cụ thể, luật quy định, có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho từng loại hình nguồn điện, trong đó có các dự án thủy điện nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi; khuyến khích đầu tư các dự án tham gia thị trường điện cạnh tranh.

https://vtcnews.vn/nhung-diem-moi-noi-bat-cua-luat-dien-luc-sua-doi-ar910858.html

Phạm Duy / VTC News