Sau hơn một tháng tăng với tốc độ “phi mã”, giá dầu mỏ thế giới bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ do nỗ lực bình ổn của nhiều bên, từ quyết định tăng sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tới việc Mỹ mở kho dự trữ dầu.

Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng khai thác dầu lên 10,549 triệu thùng/ngày từ tháng 5 tới.

Theo thông báo của OPEC sau cuộc họp được tổ chức hôm 31-3, các nước thành viên đã nhất trí nâng sản lượng khai thác tăng từ 400.000 thùng/ngày lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 tới. Cụ thể, hạn ngạch của Saudi Arabia và Nga sẽ tăng lên 10,549 triệu thùng/ngày, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) 3,04 triệu thùng/ngày, Kuwait 2,694 triệu thùng/ngày, Iraq 4,461 triệu thùng/ngày. Cuộc họp tiếp theo để thống nhất kế hoạch sản xuất dầu cho tháng 6 sẽ được tổ chức vào ngày 5-5.

Song song với động thái của OPEC+, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược trong 180 ngày tới để kiềm chế đà tăng giá dầu. Đây là đợt “mở kho” lớn nhất từ trước tới nay của Cục Dự trữ dầu chiến lược (SPR) Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng cũng kêu gọi các công ty dầu mỏ ở xứ Cờ hoa đẩy mạnh sản lượng khai thác và tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng, trước mắt thông qua việc nâng cao số lượng sản xuất xe điện và pin.

Ngay sau khi thông báo của OPEC và Washington được tung ra, thị trường “vàng đen” toàn cầu đã lập tức có phản ứng. Theo Bloomberg, giá dầu thô WTI trên sàn New York trong phiên giao dịch ngày 1-4 đã giảm xuống dưới 100 USD/thùng, sau khi giảm 7% phiên trước đó. Giá dầu Brent cũng giảm xuống còn 104.48 USD/thùng so với 108,65 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 31-3.

Nhiều nhà phân tích nhận định, giá dầu đi xuống cũng một phần do tâm lý lo ngại nhu cầu từ nền kinh tế thứ 2 thế giới là Trung Quốc sẽ giảm trong bối cảnh Thượng Hải, thành phố lớn nhất nước này, đang áp dụng lệnh phong tỏa từng phần để ngăn chặn dịch Covid-19.

Chỉ trong vòng một năm qua, thế giới đã chứng kiến quá nhiều biến động trên thị trường năng lượng, tác động đến mọi khía cạnh của “cỗ máy” kinh tế toàn cầu. Ước tính, giá dầu đã tăng đột biến khoảng 60% kể từ đầu năm nay. Trong bối cảnh tình hình ở Ukraine còn nhiều diễn biến khó lường, OPEC cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải hứng chịu một đòn giáng mạnh do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga gây ảnh hưởng mạnh tới nguồn cung dầu và khí đốt. Giá dầu tăng “phi mã” đã kéo theo nhiều hệ lụy không thể tránh khỏi, đó là lạm phát tăng, giá thực phẩm và dịch vụ tăng, chuỗi cung ứng vốn đã tắc nghẽn nay càng khó khăn.

Trước mắt, tạm thời giá dầu đang giảm sau quyết định của OPEC+ và Mỹ. Tuy nhiên, diễn biến giá dầu ra sao trong thời gian tới, qua đó ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục kinh tế thế giới, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết những vấn đề chính trị liên quan đến các nước đang cung cấp đáng kể lượng dầu ra thị trường.

Việc này đòi hỏi nỗ lực tìm được tiếng nói chung giữa các bên, nhất là khi dầu mỏ và khí đốt vẫn sẽ chiếm hơn 50% tổng khối lượng năng lượng toàn cầu vào năm 2045 và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng ngay cả khi thế giới hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn, như nhận định gần đây của Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohamed Barkindo.

Theo ông Mohamed Barkindo, nhu cầu năng lượng sẽ tăng khi dân số thế giới tăng 20% vào năm 2045, việc đáp ứng nhu cầu năng lượng phải được thực hiện nghiêm túc cùng với việc theo đuổi các mục tiêu liên quan chuyển đổi năng lượng. Điều này đòi hỏi các nước thế giới cần có cách tiếp cận chặt chẽ hơn, bền vững hơn và có lộ trình đối với các nguồn năng lượng như dầu mỏ hay khí đốt.

QUỲNH DƯƠNG

Nga sẽ là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc? Nga sẽ là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc?
EU phản ứng trái chiều với lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga EU phản ứng trái chiều với lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga
Giá dầu mỏ thế giới bất ngờ tăng sau nhiều ngày giảm mạnh Giá dầu mỏ thế giới bất ngờ tăng sau nhiều ngày giảm mạnh

/ hanoimoi.com.vn