Nguồn cung bị thắt chặt và những dự báo về nhu cầu tăng trong nửa cuối năm 2023 khiến giá dầu thế giới đã chạm đỉnh mới của ba tháng, đồng thời ghi nhận mức tăng hằng tháng mạnh nhất kể từ tháng 1-2022. Diễn biến phức tạp của thị trường đòi hỏi các nước cần có giải pháp ứng phó linh hoạt, kịp thời thích ứng, qua đó bảo đảm duy trì đà phục hồi cũng như các mục tiêu tăng trưởng.

gia-dau.jpg
Giá dầu thế giới liên tục tăng cao trong ba tháng vừa qua.

Phiên giao dịch trong ngày cuối cùng của tháng 7 chứng kiến giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 10-2023 tăng 1,02 USD (tương đương 1,2%) lên 85,43 USD/thùng, trong khi các lô giao tháng 9-2023 cũng tăng 0,7% lên 85,56 USD/ thùng. Tương tự, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,22 USD (1,5%) lên 81,80 USD/thùng. Như vậy, cả giá dầu Brent và dầu WTI đều kết thúc tháng 7 ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 4-2023. Cùng khoảng thời gian này, giá dầu tại châu Á giảm nhẹ (trong phiên ngày 1-8) nhưng vẫn ở sát mốc cao nhất ba tháng từng ghi nhận trong phiên trước đó. Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 10-2023 giảm 0,2% xuống 85,24 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 0,2% xuống 81,60 USD/thùng.

Như vậy, kể từ giữa tháng 6-2023, giá dầu đã tăng 18% (theo thống kê của Ngân hàng Goldman Sachs). Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là hệ quả từ việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng cũng như triển vọng nhu cầu vẫn cao và niềm tin đối với các biện pháp thắt chặt nguồn cung trên thị trường. Trong tháng 7, sản lượng của cường quốc dầu mỏ này đã giảm 860.000 thùng/ngày, trong khi tổng sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng giảm 840.000 thùng/ngày. Cùng với nguồn cung lao dốc, dự trữ dầu ở nhiều nơi cũng bắt đầu giảm. Xu hướng này thể hiện rõ ở Mỹ. Một ước tính chỉ ra, lượng dầu dự trữ tại Mỹ đã giảm khoảng 900.000 thùng trong tuần tính đến ngày 28-7.

Trong khi nguồn cung giảm, nhu cầu dầu toàn cầu lại thẳng đà tăng mạnh, thậm chí chạm ngưỡng kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày, trong tháng 7-2023. Tới nay, hầu hết các dự báo đều cho rằng, nhu cầu năng lượng từ nay tới cuối năm sẽ diễn biến theo hướng tăng thêm khoảng 550.000 thùng/ngày, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ tại Ấn Độ và Mỹ.

Giám đốc điều hành Exxon Mobil Darren Woods cũng đánh giá, đà tăng trưởng kinh tế tích cực sẽ khiến nhu cầu dầu toàn cầu chạm mốc cao kỷ lục trong năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP thực tế toàn cầu sẽ tăng 3% trong cả năm 2023 và 2024, cao hơn khoảng 0,2% so với kỳ dự báo trước đó. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, thị trường dầu có thể thiếu hụt trong nửa cuối năm nay, dự đoán ở mức trung bình 1,8 triệu thùng/ngày.

Trước thực trạng mất cân bằng cung - cầu nói trên, nhiều chuyên gia kinh tế cùng chung nhận định là, giá “vàng đen” sẽ còn leo lên những nấc thang mới trong ngắn hạn, thậm chí có thể vượt mốc 90 USD/thùng ngay trong quý III-2023. Nhận định này được củng cố bởi nhiều yếu tố. Khảo sát của Hãng tin Reuters cho thấy, Saudi Arabia sẽ gia hạn kế hoạch tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày, ít nhất là tới hết tháng 9-2023. Việc đồng USD suy yếu và những kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng đỡ thị trường dầu mỏ.

Một số yếu tố khác hứa hẹn thúc đẩy nhu cầu dầu là báo cáo doanh thu khả quan của hàng loạt doanh nghiệp lớn toàn cầu, dấu hiệu “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ hay việc giới chức Trung Quốc ngày 31-7 đã công bố chính sách để thúc đẩy nền kinh tế và kích thích tiêu dùng trong nước… Ngoài ra, nhu cầu và giá dầu quý IV cũng được cho là sẽ tăng nhẹ so với quý III-2023 bởi nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông của nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, với tầm nhìn xa hơn, giá dầu có thể hạ do nhu cầu dầu giảm. Dự báo này dựa trên việc mới đây một loạt ngân hàng trung ương lớn toàn cầu đã tuyên bố tăng lãi suất, coi đây là biện pháp lâu dài để kiềm chế lạm phát. Cách làm này đe dọa kìm hãm sản xuất của các doanh nghiệp, bởi khiến chi phí tăng cao, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế chung. Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, nguồn cung dầu năm 2024 từ các quốc gia đang đối mặt với lệnh trừng phạt như Nga, Iran và Venezuela đều sẽ tăng lên. Nếu vậy, theo kịch bản tối ưu, nguồn cung dầu trên thế giới không bị giảm đi, mà ngược lại có thể vượt nhu cầu, phần nào “hạ nhiệt” các giao dịch.

Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ toàn cầu đang và sẽ tiếp tục biến động, việc có được những dự báo chính xác và chính sách ứng phó linh hoạt, hợp lý là hết sức quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Đây chính là yếu tố “cần” đối với mọi kỳ vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

https://hanoimoi.vn/gia-dau-the-gioi-lien-tuc-tang-cao-doi-hoi-ung-pho-linh-hoat-637104.html

Hoàng Linh / HNM.com.vn