Giá dầu thế giới hôm nay (24/12) tiếp tục suy giảm, trong đó, giá dầu WTI là 73.49 USD/thùng, giảm 0,54 USD/thùng, dầu Brent là 79.18USD/thùng, giảm 0,26 USD/thùng.

Giá dầu thế giới giảm nhẹ

Cập nhật trên Oilprice lúc 6h30 sáng ngày 24/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI là 73.49 USD/thùng, giảm 0,54%, tương đương giảm 0,40 USD/thùng, giá dầu Brent là 79.18USD/thùng, giảm 0,21%, tương đương giảm 0,26 USD/thùng. Theo Reuters, giá dầu suy giảm trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh kéo dài do kỳ vọng Angola có thể tăng sản lượng sau khi rời OPEC.

5
Giá dầu thế giới phiên cuối tuần tiếp tục suy giảm. (Ảnh minh họa: iStock).

Tuy nhiên, giá dầu trong tuần vừa qua đã tăng vì tin tức kinh tế tích cực của Mỹ và những lo ngại các cuộc tấn công của tàu Houthi sẽ làm tăng chi phí cung ứng.

Tại Trung Đông, nhiều hãng vận tải hàng hải cho biết họ đang tránh Biển Đỏ vì các cuộc tấn công vào các tàu do nhóm chiến binh Houthi (được Iran hậu thuẫn) thực hiện. Nhóm này cho biết họ đang đáp trả cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Các cuộc tấn công đã gây ra sự gián đoạn qua kênh đào Suez, nơi xử lý khoảng 12% thương mại thế giới.

Vì vậy, các đơn vị vận chuyển hàng lớn như Maersk và CMA CGM cho biết họ sẽ áp dụng các khoản phí bổ sung liên quan đến việc định tuyến lại tàu.

Tuy nhiên, giá dầu không chỉ bị ảnh hưởng bởi tình hình biển Đỏ. Nhà phân tích John Evans của PVM cho biết: “Việc tạm dừng cung cấp trực tiếp không phải là lý do duy nhất khiến giá dầu bị ảnh hưởng bởi tình hình Biển Đỏ; giá cước vận tải và chi phí bảo hiểm cũng đang tăng lên”.

Trong khi đó, ở châu Phi, quyết định rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) của Angola có thể mở đường cho Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào dầu mỏ và các lĩnh vực khác của nước này.

Ngoài ra, nhà phân tích tại Price Futures Group, ông Phil Flynn lưu ý, dữ liệu lạm phát của Mỹ và các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ sẽ còn nhiều hơn nữa. Điều này hỗ trợ giá dầu hơn bất kỳ sự gia tăng sản lượng nào trong tương lai từ Angola.

Dự báo giá dầu

Theo giới phân tích, giá USD tiếp tục chịu sức ép sau khi Mỹ điều chỉnh giảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2023 từ 5,2% xuống 4,9%. Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ có xu hướng hạ nhiệt, khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi quý III/2023 tăng 2% so với quý trước.

Chỉ số US Dollar Index (DXY) - đo lường biến động của đồng đô la Mỹ so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - đã xuống mức 101 điểm. Và đà giảm của đồng USD vẫn chưa dừng lại.

Tuy nhiên, sự bất ổn về nguồn cung có thể gây áp lực lên giá dầu trong thời gian tới.

Ngày 21/12, giá dầu đi xuống sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Angola tuyên bố nước này sẽ rời OPEC.

Trước đó, tại một cuộc họp vào tháng 11, Angola đã phản đối quyết định của OPEC cắt giảm hạn ngạch sản xuất vào năm 2024 để hỗ trợ giá dầu.

Angola là một trong những nhà sản xuất nhỏ nhất của nhóm OPEC. Hiện Angola sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng/ngày, trong khi toàn OPEC sản xuất 28 triệu thùng/ngày.

Theo các chuyên gia, việc Angola tuyên bố rời OPEC+ không tác động nhiều đến nguồn cung toàn cầu nhưng điều này có thể làm gia tăng sự hoài nghi của thị trường về mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của các thành viên khác trong nhóm.

Thực tế, các nhà sản xuất ngoài OPEC (điển hình là Mỹ) đã tăng cường lấp đầy khoảng trống nguồn cung từ các thành viên của OPEC.

Reuters trích báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày vào tuần trước.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước

4 (1)
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 24/12 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 16h00 ngày ngày 21/12 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương. (Anht minh hoạ: Công Hiếu).

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 24/12 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 16h00 ngày 21/12 của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 687 đồng/lít, lên mức 21.199 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 740 đồng/lít, lên mức 22.145 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel tăng 514 đồng/lít, lên mức 19.524 đồng/lít; dầu hỏa tăng 530 đồng/lít, lên mốc 20.494 đồng/lít và dầu mazut tăng 287 đồng/kg, lên mốc 15.265 đồng/kg.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: lo ngại xảy ra xung đột tại khu vực Biển Đỏ, gây gián đoạn thương mại quốc tế và dòng chảy năng lượng toàn cầu, tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tăng… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới những ngày vừa qua có biến động tăng.

Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), tại kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định: Trích lập Quỹ BOG đối với dầu madút, không trích Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu điêzen và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 37 lần điều chỉnh, trong đó có 21 lần tăng, 13 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Phạm Duy / VTC News