Trong vòng 1 tháng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục giảm mạnh, có loại giảm tới 19 USD/tấn, trái ngược với xu hướng tăng của các nước.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tuần qua tiếp tục biến động theo hướng giảm mạnh. Cụ thể, thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 10 USD/tấn, từ mức 652 USD/tấn xuống còn 642 USD/tấn. Nếu tính từ đầu tháng 1-2024 tới nay, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm 11 USD/tấn.

Ngoài gạo 5% tấm, các phân khúc gạo khác cũng ghi nhận mức giảm sâu, trong đó gạo 25% tấm hiện có giá 614 USD/tấn, giảm 19 USD/tấn so với hồi đầu tháng 1-2024; gạo Jasmine cũng giảm 8 USD so với hồi đầu tháng 1 và hiện có giá 720 USD/tấn. Riêng phân khúc gạo 100% tấm vẫn duy trì mốc 534 USD/tấn.

gia-gao-xuat-khau20240129182956
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trái ngược với đà giảm của gạo Việt Nam, gạo của Thái Lan và Pakistan lại tăng khá mạnh. Cụ thể, theo cập nhật Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), giá gạo 5% tấm của nước này đã tăng lên mốc lịch sử 669 USD/tấn trong tuần qua. Với mức giá này, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan đã bỏ xa gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam 17 USD/tấn - đây cũng là lần đầu tiên trong khoảng 1 năm nay giá gạo của Thái Lan cao hơn Việt Nam.

Ngoài gạo 5% tấm, ở phân khúc 25% tấm, theo TREA cập nhật, gạo của Thái Lan cũng đã tăng lên mốc 626 USD/tấn (tăng khoảng 37 USD/tấn so với đầu tháng 1).

Tương tự, gạo của Pakistan cũng liên tục điều chỉnh tăng trong các tuần trở lại đây. Hiện gạo 5% tấm của Pakistan đang ở mức 638 USD/tấn, tăng 45 USD/tấn so với đầu tháng 1; phân khúc 25% tấm hiện cũng đạt mức giá 586 USD/tấn, tăng 73 USD/tấn so với đầu tháng 1.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, sở dĩ giá gạo của Thái Lan và Pakistan liên tục tăng mạnh là do hạn chế nguồn cung từ hai nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo, còn Việt Nam hiện còn ít nguồn và phải sau Tết mới thu hoạch rộ.

Chia sẻ với phóng viên Công Thương, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV nêu quan điểm, thời điểm này cận Tết, giao dịch mới không nhiều, thêm vào đó vụ thu hoạch lúa Đông xuân phải qua Tết mới bắt đầu. Do vậy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chẳng những không tăng mà ngược lại đã giảm mạnh. Còn với Thái Lan, giá gạo nước này tăng do nhu cầu thị trường lớn và Thái Lan cũng đang vào giai đoạn thu hoạch vụ mùa lớn nhất trong năm nên giao dịch sôi động hơn.

Với Pakistan, trong một báo cáo được VFA đưa ra gần đây cũng nói rằng, Pakistan đã có khởi đầu năm 2024 đầy sôi động với giá chào gạo trắng 5% tấm liên tục tăng. “Quan tâm từ các nhà nhập khẩu và nhu cầu thu mua nguyên liệu để giao các đơn hàng đi Indonesia, Haiti và Đông Phi trong tháng 1-2/24 đã góp phần đẩy giá gạo đi lên”- báo cáo cho biết. Tuy nhiên, theo nhận định của phần lớn các thương nhân thì giá gạo Pakistan tăng do tin tức từ Indonesia cho thấy sản lượng lúa gạo nước này trong tháng 1-2/24 bị giảm mạnh bởi thời tiết khô hạn El Nino và thị trường kỳ vọng Bulog sẽ tiếp tục nhập khẩu trong thời gian ngắn tới.

Thuỳ Dương / Báo Công Thương