Theo chuyên gia, việc giá hàng hóa tăng nhanh nhưng "lười" giảm theo quy luật thị trường thường xuyên xảy ra, do đó cần nhiều biện pháp hơn nữa từ cơ quan chức năng.
- Vì sao giá hàng hóa chưa thể “hạ nhiệt” theo giá xăng?
- Giá xăng giảm, đã đến lúc “hạ nhiệt” giá hàng hóa
Trả lời VTC News, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận xét: "Theo dõi giá hàng hóa bán lẻ mấy chục năm nay, tôi nhận thấy giá có thể dễ dàng tăng lên 3 bậc nhưng khó giảm nửa bậc”.
Ông Phú lý giải nguyên nhân của tình trạng này là do hàng nghìn mặt hàng buôn bán ở các chợ truyền thống hiện đang bị thả nổi, không thể quản lý được bởi đó là mặt hàng tự do, nhiều thì bán rẻ, ít thì bán đắt, phần lớn là được mua - bán theo cảm tính, sự thỏa thuận của hai bên. "Hơn 80% mặt hàng tươi sống ở chợ truyền thống chúng ta không quản lý được".
Theo ông Phú, muốn quản lý được giá hàng hóa một cách hiệu quả thì các cơ quan chức năng phải chọn những mặt hàng thiết yếu để bình ổn và phải làm cho bằng được. "Ví dụ ở Malaysia người ta chọn thịt gà để đưa ra mức giá trần. Trong lúc cấp bách thì phải có những biện pháp cấp bách. Điều này trong Luật giá của chúng ta cũng cho phép, muốn làm được thì quản lý thị trường phải làm thực sự chứ không thể phạt vạ mãi được”, ông Phú nói.
Rau xanh là một trong những loại hàng hóa tăng giá nhanh nhưng giảm giá chậm. (Ảnh minh họa)
Ông Phú đề xuất, tại thời điểm hiện nay, chúng ta nên chọn những mặt hàng biến động mạnh để đưa ra mức giá trần như xăng dầu, sách giáo khoa, thịt lợn, thịt bò…
“Mức giá trần là cây gậy để chúng ta kiểm soát giá, nhất là những mặt hàng đột biến mạnh, đột biến một cách vô lý. Nếu giá các mặt hàng tăng lên 30% thì phải kiểm soát. Giá trần ở đây phải được áp dụng một cách linh hoạt tại thời điểm nhất định chứ không đặt trần mãi, khi giá đã ổn định thì phải dỡ trần để hàng hóa được lưu thông bình thường. Chúng ta theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự quản lý của nhà nước, khi nào giá tăng đột biến và vô lý thì có quyền yêu cầu kê khai. Có quy định rồi nhưng chúng ta có làm hay không thôi, có làm một cách nghiêm túc hay không. Hiện chúng ta có ra giá trần để kiểm soát, quản lý giá đâu?”, ông Phú nêu.
Cũng theo chuyên gia này, không chỉ chợ truyền thống mà giá hàng hóa tại các siêu thị cũng cần kiểm soát chặt. Với kinh nghiệm nhiều năm làm thương mại và là người đầu tiên xây dựng chuỗi siêu thị, ông Phú cho rằng, mỗi một mặt hàng được đưa vào siêu thị đều phải chiết khấu 30%, điều này đẩy giá hàng hóa tăng lên để đảm bảo đạt giá thành sản xuất.
Để quản lý giá tại hệ thống siêu thị, ông Phú cho rằng, cần phải tổ chức lại chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. Đồng thời hai bộ Công Thương, Tài chính phải sâu sát với thị trường, khi nào giá tăng đột biến và vô lý thì lập tức yêu cầu kê khai.
"Ở Việt Nam, chúng ta đã có đầy đủ các cơ quan chức năng, chính sách pháp luật để điều chỉnh, quản lý giá. Quy định có rồi nhưng chúng ta có làm một cách nghiêm túc hay không. Trong Luật giá của chúng ta cũng cho phép khi giá quá cao thì nhà nước có quyền can thiệp để hạ giá hàng hóa. Do vậy, muốn làm được thì Tổng cục quản lý thị trường, Cục quản lý giá phải làm thực sự, làm có trách nhiệm", ông Phú nói thêm.
Đồng tình với quan điểm phải kiểm soát giá hàng hóa để tránh tình trạng "tăng nhanh, giảm lâu", ông Đỗ Văn Sinh, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng nhận xét tâm lý chung của doanh nghiệp, tư thương, tiểu thương là không bao giờ tự giảm giá hàng hóa nếu không bị bắt buộc. Vì thế vai trò quản lý của Nhà nước là rất quan trọng để kéo giá các mặt hàng thiết yếu xuống, nhằm hạn chế sự ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
“Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực theo dõi, đánh giá, kiểm soát giá các mặt hàng tiêu dùng, qua đó giảm bớt khó khăn cho những người thu nhập thấp. Phải có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn với thị trường lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, có như thế mới giảm được áp lực chi tiêu cho người dân và kiểm soát lạm phát”, ông Sinh nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng, muốn kiềm chế lạm phát thì phải bình ổn giá, đây là trách nhiệm chính của các đơn vị như: Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục quản lý giá (Bộ Tài chính).
Các đơn vị này phải xem xét giá thành các sản phẩm đầu vào tác động như thế nào đến giá hàng hóa để có sự điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, bản thân người tiêu dùng cũng phải thông minh, sáng suốt để biết lựa chọn sản phẩm, hàng hóa có giá thành hợp lý, thậm chí cần sẵn sàng từ chối mua hàng để các tiểu thương, doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh giá thành. Hiện phần lớn người tiêu dùng chưa ý thức đúng về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình trong việc góp phần bình ổn thị trường.
“Cần sớm có sự vào cuộc để điều tiết của các cơ quan chức năng để điều tiết giá cả hàng hoá theo quy luật thị trường chứ không thể để doanh nghiệp, tiểu thương tự do thao túng giá hay người tiêu dùng dễ dàng thỏa hiệp, những điều này càng khiến giá hàng hóa khó hạ, thị trường khó bình ổn", ông Thịnh nói.
Thủ tướng chỉ đạo giảm giá các hàng hóa, dịch vụ liên quan giá xăng, dầu
Sáng 28/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Trong buổi họp, Thủ tướng nhấn mạnh: Vừa qua giá xăng, dầu đã giảm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng rà soát, có chính sách, giải pháp phù hợp để giảm giá các hàng hóa, dịch vụ liên quan, góp phần giảm sức ép lạm phát.
https://vtc.vn/gia-hang-hoa-chi-tang-ma-khong-giam-chuyen-gia-hien-ke-tri-benh-ar690980.html