Từ đầu tháng 9, bệnh Dịch tả lợn châu Phi trở lại ở một số địa phương, giá lợn hơi liên tục giảm khiến người chăn nuôi ngại tái đàn quy mô lớn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, với tổng đàn lợn như hiện nay, nếu kiểm soát được dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.

nuoi-l.jpg
Phun thuốc phòng dịch bệnh cho đàn lợn tại một trang trại ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai).

Đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, hiện nay, giá lợn hơi đang có xu hướng giảm. Tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 56.000-58.000 đồng/kg. Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi được các thương lái thu mua trong khoảng 55.000-57.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá dao động 55.000-58.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so thời điểm này tháng trước.

Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi đang lo lắng việc các doanh nghiệp lớn liên tục giảm giá bán sẽ kéo giá lợn hơi trên thị trường đi xuống. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh cho biết: “Khoảng 3 tháng trước, giá lợn hơi tăng lên hơn 63.000 đồng/kg, người chăn nuôi rất vui mừng; song đến nay, giá lợn hơi chỉ còn 58.000 đồng/kg khiến chủ chăn nuôi quy mô lớn băn khoăn. Trong bối cảnh giá lợn hơi thất thường, giá thức ăn chăn nuôi chưa giảm, Hợp tác xã chỉ duy trì tổng đàn 400 con lợn, chưa dám tăng đàn. Đáng lo ngại nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp”.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, mặc dù tỷ lệ tái đàn lợn đang ở mức thấp nhưng khó xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm nay.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng nhận định, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại đang khá ổn định. Tổng đàn lợn của cả nước hiện có khoảng 28,6-28,7 triệu con, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa về thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn những tháng cuối năm và cả dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới. Ngoài ra, từ nay đến tháng 10 hằng năm là giai đoạn các doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn để bảo đảm thời gian xuất chuồng.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương phân tích, cơ cấu chăn nuôi đã thay đổi, các trang trại chăn nuôi của nông dân chỉ chiếm 20-30% tổng đàn lợn của cả nước; các công ty chiếm tới 70-80% tổng đàn. Dựa vào nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn sẽ có tính toán nguồn cung hợp lý. Vì vậy, khó xảy ra nguy cơ thiếu thịt lợn thương phẩm dịp cuối năm.

Chăn nuôi an toàn, kiểm soát dịch bệnh

Mặc dù, thời điểm này, nguồn cung thịt lợn được đánh giá cơ bản ổn định, nhưng từ nay đến cuối năm 2023, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Mặt khác, tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng vẫn nhỏ lẻ; nhiều hộ chăn nuôi chưa quan tâm tới tiêm phòng vắc xin, nhập con giống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hơn nữa, việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, trong đó có thịt lợn dịp cuối năm tăng cao gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng thực phẩm nói chung... Do đó, để bảo đảm nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm, các địa phương cần tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh.

Về lĩnh vực này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, tổng đàn lợn của toàn thành phố hiện có hơn 1,46 triệu con. Để ổn định nguồn cung, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân, hợp tác xã chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn.

Cùng với đó, Sở tích cực rà soát, điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, tái đàn lợn phù hợp điều kiện thực tế trên địa bàn, tạo điều kiện cho các hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá bán. Tuy nhiên, các địa phương cần khuyến cáo nông dân, hợp tác xã tổng vệ sinh tiêu độc môi trường trước khi tái đàn; tiêm phòng vắc xin, mua con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh dịch bệnh phát sinh, gây thiệt hại về kinh tế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong mọi tình huống, các địa phương cần tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, xây dựng chuỗi liên kết; quản lý lợn giống hiệu quả, phát triển các giống bản địa để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường theo sát diễn biến cung - cầu mặt hàng thịt lợn nhằm tránh xảy ra đột biến cục bộ về giá; theo dõi chất lượng và giá thức ăn chăn nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

“Để ổn định chăn nuôi lợn trong nước, nhất là từ nay đến cuối năm, các địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, trong đó có mặt hàng thịt lợn; đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới... Lực lượng chức năng kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển nhập lậu sản phẩm động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

https://hanoimoi.vn/gia-lon-hoi-giam-kho-anh-huong-nguon-cung-643073.html

Ngọc Quỳnh / HNM.com.vn