Những ngày gần đây, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước tăng mạnh và đang ở mức hơn 70.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tăng do nhu cầu của các nhà hàng, quán ăn tăng trở lại cùng lượng khách du lịch cũng tăng cao trong dịp này. Mặt khác, chi phí chăn nuôi tăng quá cao nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng dẫn đến giảm nguồn cung. Vậy đâu là giải pháp để ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường?

Giá lợn hơi tăng mạnh trên địa bàn cả nước.

Giá tăng mạnh nhưng sẽ không về đỉnh cũ

Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai, Hà Nội) Nguyễn Đình Tường, những ngày gần đây, giá lợn hơi tăng mạnh, trang trại đã bán với giá 72.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nên không có lãi, thậm chí còn thua lỗ. Với giá thịt lợn hiện tại, người chăn nuôi có lãi, bù đắp lại một phần khó khăn trước đây.

Còn ông Nguyễn Hưng Thỉnh - hộ chăn nuôi ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, đầu tháng 6, trang trại xuất chuồng với giá 56.000-57.000 đồng/kg, với giá này, người chăn nuôi chỉ lấy công làm lãi. Mấy ngày nay, giá tăng lên hơn 70.000 đồng/kg, nhiều hộ có thêm động lực để tái đàn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Liên quan đến chăn nuôi và giá thịt lợn trên thị trường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, theo tính toán của các hộ chăn nuôi, chi phí nuôi lợn của các doanh nghiệp lớn, có hệ thống chuồng trại khép kín, chủ động con giống là khoảng 53.000-55.000 đồng/kg; với trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng 60.000-63.000 đồng/kg. 6 tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng 4-6 lần (tùy doanh nghiệp), đã đẩy giá thành sản xuất tăng vọt, khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Về vấn đề này, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, giá lợn hơi tăng trong thời điểm này là hết sức bình thường bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao khi các nhà hàng, quán ăn mở cửa trở lại và lượng khách du lịch cũng tăng cao. Mặt khác, thời gian qua, giá lợn hơi xuống thấp trong khi chi phí chăn nuôi tăng quá cao nên nhiều hộ dân bỏ chuồng khiến nguồn cung ít nhiều bị ảnh hưởng.

"Tuy nhiên, khả năng quay trở về "đỉnh cũ" 100.000 đồng/kg như năm 2020 rất khó vì nguồn cung không giảm quá sâu như thời điểm bùng phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi",  ông Nguyễn Văn Trọng nhận định.

Nắm bắt thị trường và kiểm soát dịch bệnh

Trong bối cảnh chi phí đầu vào cho chăn nuôi lợn ở mức cao và nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn, để bảo đảm nguồn cung trên thị trường, theo ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội), các trang trại cần chủ động phối trộn thức ăn để giảm chi phí đầu vào và hướng tới chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học.

Mặt khác, thành phố cần có thêm chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật... cho các trang trại chăn nuôi lớn mở rộng quy mô sản xuất, qua đó hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường và nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Ở góc nhìn khác, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển chăn nuôi Hòa Phát Nguyễn Văn Khánh cho rằng, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh không chỉ nằm ở tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), mà còn ở việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất của các doanh nghiệp, qua đó, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu theo đường chính ngạch, hạn chế xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, ảnh hưởng tới giá thịt lợn trong nước.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, trong bối cảnh phát triển mới, chăn nuôi nông hộ ngày càng thu hẹp, Hà Nội tiếp tục khuyến khích chăn nuôi lợn theo vùng, xã trọng điểm, xa khu dân cư và sẽ tập trung hỗ trợ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn nằm trong vùng quy hoạch của địa phương... Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ về giống, vắc xin... để người chăn nuôi giảm giá thành sản xuất, bảo đảm tổng đàn lợn duy trì ổn định hơn 1,8 triệu con, qua đó chủ động nguồn cung cho thị trường Hà Nội.

Yêu cầu các địa phương khuyến cáo nông dân vừa sản xuất, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh để ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mặc dù giá thịt lợn đang có xu hướng tăng nhưng người dân cần thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thị trường để có phương án tăng đàn và sản xuất phù hợp; đồng thời, tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh có thể phát sinh trên đàn vật nuôi, hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế...

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNông nghiệp và Phát triển nông thôn), tuần qua, giá lợn hơi tại miền Bắc tăng 4.000-7.000 đồng/kg so với tháng 6, dao động trong khoảng 69.000-72.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng cao nhất: 8.000 đồng/kg, được thương lái thu mua trong khoảng 61.000-67.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi tăng 1.000-7.000 đồng/kg, được bán trong khoảng 59.000-66.000 đồng/kg.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/1037186/gia-lon-hoi-tang-manh-giai-phap-nao-on-dinh-nguon-cung

 

NGỌC QUỲNH / HNM.com.vn