Vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện hành vi giả mạo các trang thông tin của cơ quan Đảng, Nhà nước đưa các thông tin thất thiệt, sai sự thật, lái dư luận theo chủ đích khác nhau… trong đó, có việc giả mạo trang của Ban Tuyên giáo Trung ương để thông tin về các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn nước mắm hiện nay.
Trang Facebook giả mạo với nội dung thông tin sai sự thật, lèo lái dư luận. Ảnh chụp màn hình |
Về việc này, Ban Tuyên giáo Trung ương, luật sư cho rằng, cần xem xét xử lý nghiêm theo quy định, tránh tác động ảnh hưởng tiêu cực đến bạn đọc, đến nhà sản xuất, người tiêu dùng…
Xuất hiện thông tin giả mạo
Vừa qua, khi dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) chủ trì biên soạn được công bố đã gây ra những thông tin trái chiều trong dư luận.
Ngay lập tức, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện trang fanpage giả mạo có tên “Ban Tuyên giáo Trung ương” liên tiếp đưa nhiều bài có thông tin thất thiệt, lèo lái dư luận một cách có chủ đích.
Theo tìm hiểu, trang Facebook này chỉ mới được tạo từ 10.3.2019 và cũng chưa có nhiều bài viết. Trong số 4 bài viết được đăng trên trang từ khi trang được lập, có 2 bài viết liên quan đến những tranh cãi quanh chuyện nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp với chủ đích lèo lái dư luận rất rõ như trên. Tìm kiếm trên Facebook thì có rất nhiều trang Facebook cùng có tên Ban Tuyên giáo với những thông tin tương tự, trong đó có những trang có lượng người theo dõi khá lớn.
Trao đổi về vấn đề này với Lao Động, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương không có tài khoản trên Facebook như đã nêu. “Thời gian vừa qua có nhiều tài khoản trên mạng xã hội mạo danh các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, trong đó có Ban Tuyên giáo Trung ương. Việc làm nêu trên có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân có liên quan, vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng, đăng tải nội dung thông tin...”, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định.
Vị đại diện này cũng nói thêm, đây là việc làm sai trái, cần phải lên án, đấu tranh mạnh mẽ làm trong sạch, lành mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội, Internet. “Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xem xét làm rõ sự việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những đơn vị, cá nhân sử dụng mạng xã hội để đăng tải những trang thông tin giả mạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân”, vị này nhấn mạnh.
Vị đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông tích cực chủ động tham gia vào việc đấu tranh, phản bác với những hành vi giả mạo, đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật, xuyên tạc, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, có tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân…
Có thể bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng
Trao đổi với Lao Động, ThS-LS Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện nay, việc giả mạo trang web của cơ quan, tổ chức xuất hiện ngày càng nhiều. Những website này được tin tặc thiết kế giao diện giống hệt với website thật hoặc có tên miền tương tự với website chính thức (có thể chỉ cần khác một ký tự) khiến người dùng nhầm tưởng và đăng nhập các thông tin cá nhân vào đó hoặc vào để xem các thông tin về tin tức, pháp luật.
Việc giả mạo trang thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Mức phạt tiền này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Bên cạnh đó, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo trang thông tin điện tử, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS).
Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, sở dĩ có các trang thông tin giả mạo nói trên là do hiện nay đang có cuộc chiến giữa nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp (nước chấm). Các cơ quan có thẩm quyền đang lấy ý kiến về việc xây dựng Tiêu chuẩn nước mắm để làm căn cứ cho các sự cạnh tranh công bằng giữa DN sản xuất nước chấm công nghiệp và nước mắm truyền thống và đảm bảo cho sự lựa chọn minh bạch đối với người tiêu dùng.
“Như vậy, các cơ quan quản lý cần sớm có quy định cụ thể về các loại nước mắm, nước chấm đang lưu thông trên thị trường hiện nay và tăng cường kiểm tra quy trình sản xuất, chất lượng thực so với nội dung ghi trên nhãn mác đồng thời công bố rộng rãi kết quả kiểm tra, xử lý với người tiêu dùng. Theo đó, các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh - Bộ Công Thương) cần kiểm tra, tăng cường hậu kiểm đối với việc rõ ràng minh bạch thông tin về chất lượng cũng như nhãn mác của các sản phẩm và có những hoạt động cụ thể để hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận đầy đủ thông tin để lựa chọn các sản phẩm phù hợp cho mình” - luật sư Tú kiến nghị.
Phạt 20 triệu đồng vì đăng tin giả về dịch tả lợn Châu Phi
Chiều qua (11.3), Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, chủ tài khoản Facebook Đầm bầu thời trang Mami đã đến làm việc theo giấy mời của Cục ngày 8.3 về việc đã đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi “tẩy chay” thịt lợn vì có thể lây sang người.Cụ thể, chủ tài khoản Facebook Đầm bầu thời trang Mami - chị Nguyễn Thị Minh Nghĩa đã thừa nhận thông tin mình đăng tải là không chính xác và đã nhận thức được hành vi không đúng của mình. Ông Lê Quang Tự Do cho biết, hành vi của chị Nghĩa sẽ bị xử phạt hành chính ở mức cao nhất là 20 triệu đồng vì đăng tin sai sự thật. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết, sẽ ký quyết định xử phạt hành chính căn cứ trên kết quả làm việc với chủ Facebook Đầm bầu thời trang Mami.
ĐỨC THÀNH
Giả mạo website, fanpage VNPT, TGDĐ lừa người dùng Nhiều doanh nghiệp như VTVCab, VNPT, Thế Giới Di Động đã trở thành nạn nhân của vấn nạn website, fanpage giả mạo, khiến người truy ... |
Trò giả mạo nhà mạng tặng thẻ cào 500.000 đồng trên Facebook Những ngày qua, hàng nghìn người dùng Facebook tại Việt Nam dính chiêu lừa từ một trang giả mạo Viettel. Trang này yêu cầu người ... |