Sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Chẳng hạn như mặt hàng phân bón, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cho biết, hiện nhiều mặt hàng phân bón phải nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài. Trong khi đó, giá lưu huỳnh (nguyên liệu sản xuất DAP) từ đầu năm đến nay đã tăng 85,6%, kali đầu vào cho sản xuất NPK tăng 82%. Không chỉ vậy, giá than và khí sản xuất ure tăng lần lượt 30%, 63%... “Mặc dù các doanh nghiệp đều không muốn tăng giá vì sẽ giảm thị trường, giảm sức mua. Tuy nhiên việc tăng giá là bất khả kháng vì nguyên vật liệu đầu vào tăng cao”, ông Cường cho biết.

Giá phân bón tăng đã gây khó cho người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất nông sản. Ông Vũ Xuân Hòe - Chủ một doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch ở TP.HCM cho biết, giá phân bón trong những tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cuối năm ngoái. Là nhà cung ứng sản phẩm trái cây cho hệ thống bán lẻ của Sài Gòn Co.op, doanh nghiệp này đã cam kết không tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, việc giá nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất tăng đang gây rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp.

gia nguyen lieu tang tao suc ep len san xuat

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đối mặt với khó khăn tương tự. Thậm chí ngay cả những doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập nguyên liệu đầu vào sản xuất từ trước hiện cũng đang bị các nhà phân phối thương thảo lại giá và không thể cưỡng lại do giá cước vận tải cũng đang tăng nhanh.

Chẳng hạn như Vinamilk, mặc dù doanh thu quý I của doanh nghiệp này tăng 5% so với cuối năm ngoái, nhưng lợi nhuận lại giảm 12% so với cùng kỳ do nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và cước phí vận tải tăng giá. Hay như việc cước vận tải và giá than cốc tăng đã khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép trong quý I/2022 cũng giảm 12,4% so với cùng kỳ thấp hơn tốc độ tăng trưởng 36% của quý IV năm ngoái.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, sau hai năm dịch bệnh Covid-19 cước phí vận tải biển trên toàn cầu đã tăng chóng mặt. Mặc dù giá cước vận tải biển hiện nay ở mức 13.000-17.000 USD/container ngang giá với năm 2021 nhưng đã cao gấp hai, ba lần so với năm 2019. Chưa kể, phí bốc xếp ở cảng trong hơn một năm qua đã tăng từ 720.000 đồng lên 1,2 triệu đồng/container, phí dịch vụ thông quan tăng 10-20%...

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, biên lợi nhuận gộp của thị trường giảm trong quý I năm nay. Theo các chuyên gia, không chỉ chịu tác động trực tiếp mà các doanh nghiệp còn đang chịu tác động tiêu cực gián tiếp từ việc giá cả tăng cao đã làm giảm thu nhập của người dân, từ đó kéo giảm sức mua trên thị trường.

Hiện thu nhập thực tế của người dân đang chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Theo kết quả từ khảo sát mức sống dân cư, trong tháng 4 năm nay tỷ lệ hộ có thu nhập giảm so với cùng kỳ năm trước là 24,6%, trong đó 85,5% hộ gia đình đánh giá thu nhập giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tỷ lệ hộ có thu nhập không thay đổi là 43,6%; và tỷ lệ hộ có thu nhập tăng là 31,8%. Nay việc giá cả tăng cao càng khiến thu nhập thực tế của người dân bị co hẹp hơn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 10% của 4 tháng đầu năm 2021. Chưa kể nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ còn tăng 4,3%, trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng 7,2%.

Đáng chú ý cơ quan thống kê của nhà nước cũng cảnh báo, tình hình xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó cũng có nghĩa, doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn.

Để ứng phó với giá cả nguyên nhiên vật liệu và chi phí cước vận tải tăng, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị doanh nghiệp gia tăng ứng dụng công nghệ, tiết kiệm chi phí hoạt động để giữ giá thành hàng hóa không tăng. Ông Tim Evans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp, hai năm qua đã tập trung chủ yếu vào nhanh chóng triển khai ứng dụng công nghệ và duy trì hoạt động trên không gian mạng. Đã có doanh nghiệp vận chuyển hàng container quốc tế sử dụng hệ thống thanh toán thời gian thực tại địa phương để thu phí từ khách hàng. Nhờ vậy, quy trình thông quan cho hàng hóa nhập cảng được đẩy nhanh hơn, gia tăng tốc độ dòng chảy thương mại và hiệu quả giao dịch cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều thay đổi vẫn mang tính giải pháp tình thế tạm thời. Những thay đổi này cần tiếp tục được đẩy mạnh và ứng dụng sâu rộng bởi chính người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á cũng chuyển dần sang mua sắm trực tuyến như trở thành một phong cách sống. Doanh nghiệp tất nhiên không thể một tay xoay chuyển được tình thế.

https://thoibaonganhang.vn/gia-nguyen-lieu-tang-tao-suc-ep-len-san-xuat-127298.html

Thu Trang / Thời báo Ngân hàng