Sau 1 tuần rét đậm, rét hại, số người phải nhập viện gia tăng, những trường hợp vào viện đều trong tình trạng nặng. Nhiều người chủ quan cho rằng chỉ ngày hè nắng nóng huyết áp mới tăng cao, nên đã không đo huyết áp thường xuyên, khi trời lạnh đột ngột huyết áp tăng vọt, nguy cơ gây vỡ mạch máu não và tử vong.

Vốn có bệnh nền đái tháo đường biến chứng, cao huyết áp, trong những ngày nhiệt độ giảm sâu, bà P.T.M (70 tuổi, Hà Nội) đi về quê, quá trình di chuyển nhiều địa điểm dưới thời tiết giá lạnh, bà bị đau thắt ngực, được gia đình đưa vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện TWQĐ 108) cấp cứu. Kết quả, bà phải đặt stent mạch vành do bị tắc. Những ngày rét đậm rét hại, Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch.

BV_Nhi-1706408980273
Rất đông trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo TS Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108, thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catechlamin trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch. Tuy nhiên, đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình. Theo thống kê chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và 1/3 trong số đó chỉ kiểm soát được huyết áp bằng thuốc.

“Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên. Ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt đột ngột khi ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm… Nếu huyết áp tối đa quá 180mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử cao huyết áp, lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch mãu não và tử vong. Đặc biệt, những người bị bệnh tiểu đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơ huyết áp kịch phát, nguy hiểm”, TS Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh.

Một trong những căn bệnh xuất phát từ sự chủ quan của người dân trong thời tiết lạnh là liệt dây thần kinh số 7. Theo BS Đoàn Văn Phúc, Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), vào đợt lạnh này, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận 3-5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, gồm cả người già và người trẻ. Hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng méo mặt, méo miệng, không khép kín được mí mắt. Có trường hợp bệnh nhân đi tập thể dục buổi sáng nhưng không mặc đủ ấm, hoặc có trường hợp mở cửa đột ngột sau khi thức giấc… khiến liệt dây thần kinh số 7”, BS Phúc nói.

Nhiệt độ giảm sâu kéo dài nhiều ngày khiến các khoa Nhi tiếp nhận nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng nặng. Nhập viện với biểu hiện sốt cao li bì, thở khò khè, quấy khóc, cháu P.T.A (5 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Theo mẹ cháu bé, ban đầu cháu chỉ có triệu chứng sổ mũi, ho, hắt hơi, đau họng, gia đình cho cháu ra phòng khám tư. Sau khi điều trị không đỡ, cháu sốt cao, có biểu hiện khó thở, gia đình vội vàng đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo PSG.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ bệnh nhi đến khám đợt rét đậm có phần giảm so với trước, nhưng những trường hợp nhập viện đều trong tình trạng nặng. Các trường hợp khám cấp cứu chủ yếu bị nhiễm cúm, virus RSV hoặc viêm phổi. Với trẻ nhập viện ban ngày, bệnh viện cố gắng sắp xếp giường riêng, không cho nhằm ghép, chỉ 1 bệnh nhi và mẹ ở 1 giường. Nếu trẻ cấp cứu vào đêm, kíp trực sẽ cố gắng tìm vị trí giường trống cho các cháu nằm, hoặc với trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ chủ động liên hệ cơ sở y tế khác như Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Hà Đông, hoặc cơ sở y tế tư nhân để bệnh nhi có giường nằm trong đêm. Nếu trường hợp nặng, sốt cao, kíp trực cố gắng lưu các cháu lại qua tình trạng nặng, chờ sáng sắp xếp giường nằm điều trị.

Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, mỗi ngày tiếp nhận từ 20-25 bệnh nhi tới khám và nhập viện điều trị các bệnh về đường hô hấp trong đợt rét đậm này. Có phụ huynh cho biết, mặc dù giữ ấm cho con, nhưng con vẫn bị viêm phế quản hoặc viêm phổi. Theo PGS.TS Trần Minh Điển, với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bố mẹ cố gắng cho con trong phòng ấm, tránh gió lùa để không bị ảnh hưởng, vì trẻ nhỏ dễ tổn thương niêm mạc hô hấp. Trẻ sơ sinh mất nhiệt 25% liên quan vùng đầu nên phải đội mũ ấm, tránh mất nhiệt chung. Đặc biệt, dịp Tết này, gia đình di chuyển về quê, bố mẹ phải cho trẻ mặc đồ ấm, tránh mặc rất nhiều đồ và kẹp chặt con ngồi giữa gây ra tình trạng ngạt. Trong quá trình di chuyển, bố mẹ phải quan sát nhịp thở, hơi ấm của con để tránh ngạt.  

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trong thời gian giá rét, mọi người phải uống đủ nước, bởi nếu uống quá ít nước sẽ gây khô da, hại thận và các vấn đề tiêu hoá. Đáng ngại nhất sẽ gây nên tình trạng cô đặc máu. Hơn thế nữa, khi thời tiết lạnh sâu, mọi người không nên tập thể dục ngoài trời, đặc biệt là buổi sáng sớm, tăng nguy cơ đột tử.

Theo CAND