Ngày 26-9, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, tình hình bệnh nhân mắc Adeno vi rút có xu hướng gia tăng. Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Adeno vi rút.
- Bệnh viện ở Hà Nội một ngày 150 trẻ nhập viện vì Adenovirus, Bộ Y tế cảnh báo gì?
- Trẻ nhiễm Adenovirus, khi nào cần nhập viện?
- Bộ Y tế yêu cầu điều tra, phân tích dịch tễ các ca mắc, tử vong do Adenovirus
Chăm sóc bệnh nhi mắc Adeno vi rút tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Từ cuối tháng 8-2022 đến nay, Bệnh viện Nhi trung ương đã ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm Adeno vi rút. Trong số ca nhiễm, có 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.020 bệnh nhân dương tính với Adeno vi rút, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong tại 3 quận, huyện: Tây Hồ, Mỹ Đức và Phú Xuyên. Một số quận, huyện ghi nhận số mắc cao như: Long Biên (147 ca), Hà Đông (87 ca), Nam Từ Liêm (82 ca), Hoàng Mai (75 ca).
Trước tình hình số lượng ca mắc Adeno vi rút phải nhập viện tăng cao, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Adeno vi rút.
“Thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong trường hợp phát sinh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh phải tiến hành xử lý quyết liệt. Đặc biệt, tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành Y tế Hà Nội trong công tác điều trị người bệnh nhiễm Adeno vi rút. Các trường hợp diễn biến nặng có suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng... cần được hội chẩn tích cực, chuyển viện, chuyển tuyến lên tuyến thành phố hoặc tuyến trung ương đảm bảo an toàn người bệnh”, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức cho người bệnh, gia đình người bệnh về các khuyến cáo phòng, chống lây nhiễm bệnh do Adeno vi rút để chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.
Sở Y tế cũng giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm), Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (chuyên khoa đầu ngành nhi khoa) tiếp tục cập nhật kiến thức chẩn đoán, phòng, điều trị bệnh nhân nhiễm Adeno vi rút cho các đơn vị trong ngành.
Riêng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu đơn vị này phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do Adeno vi rút, đồng thời đánh giá tình hình, nguy cơ tiến triển thành dịch, tham mưu cho Sở Y tế triển khai công tác phòng, chống phù hợp với điều kiện của Hà Nội.
“CDC Hà Nội hướng dẫn, phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh điều tra dịch tễ, xử lý các chuỗi lây nhiễm do Adeno vi rút, không để bùng phát, kéo dài, đặc biệt khi xuất hiện tình trạng lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh”, Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Sở Y tế cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do Adeno vi rút, kịp thời tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống; đồng thời điều tra dịch tễ, xử lý khi xuất hiện ca bệnh lây lan tại cộng đồng, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài.
Ngoài ra, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh do Adeno vi rút, trong đó tập trung vào các nội dung như triệu chứng nhận biết khi mắc bệnh; khai báo tình trạng mắc bệnh của bản thân, người nhà và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm, gồm: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch, che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi, không dùng chùng các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh...