Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Đây là thông tin được ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá”, do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại tỉnh An Giang vào sáng 8/3.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.

Gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong lứa tuổi thanh, thiếu niên -0
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Ảnh minh họa

Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất, chỉ sau Indonesia và Philippines. Cùng với ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, sử dụng thuốc lá gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói.

Ông Nguyễn Nho Huy thông tin, kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi của Bộ Y tế năm 2022 cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá hiện nay khoảng 2,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu là sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử.

Đánh giá thực trạng sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cảnh báo: Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.

Theo điều tra, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 vào năm 2022 là 3,5%, so với năm 2019 là 2,6%. Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở nhóm tuổi 15 - 24 (chiếm 7,3%) so với các nhóm 25 - 44 tuổi (chiếm 3,2%) và nhóm 45 - 64 tuổi (chiếm 1,4%).

Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn còn có hạn chế. Tại một số địa phương, việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá chưa thực sự được quan tâm. Một số quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không còn phù hợp với thực tiễn như: Quy hoạch sản xuất, kinh doanh thuốc lá (Điều 20), một số nhiệm vụ của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Điều 29)…. dẫn đến việc thực hiện còn nhiều bất cập.

Nhiều chuyên gia kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó quy định cụ thể về quản lý và phòng chống tác hại của thuốc lá mới; kiên quyết không cho phép sản xuất, kinh doanh và lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam; cần có chính sách phù hợp để quản lý các điểm bán lẻ thuốc lá; cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường học...

https://cand.com.vn/doi-song/gia-tang-ty-le-hut-thuoc-la-dien-tu-trong-lua-tuoi-thanh-thieu-nien-i685973/

Thanh Sang / Công an nhân dân