Thị trường cát tự nhiên khan hiếm do cơ quan chức năng “siết” việc quản lý khai thác, đã đẩy giá tăng vọt, khiến “cát tặc” đua nhau đục khoét lòng sông tận thu sản phẩm.
Thị trường cát “dậy sóng”
Vài năm trở lại đây, nạn khai thác cát trái phép trên các con sông lớn trở nên “nóng” hơn bởi giá cát trên thị trường tăng cao phi mã và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tàu cuốc, cẩu quăng rầm rộ "rút ruột" lòng sông Lô đoạn qua xã Bình Bộ ngày 29/5. |
Khảo sát gần đây tại các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, giá cát đen sông Hồng loại hạt mịn có phù sa dùng để san lấp chở ô tô là 165.000 đồng/m3; loại hạt đều dùng để xây trát là 250.000 – 280.000 đồng/m3. Giá cát vàng sông Lô loại cát thô dùng cho bê tông từ 500.000 – 700.000 đồng/m3 tuỳ thuộc chở xe ô tô hay xe công nghiệp; giá cát vàng sàng hạt trung dùng xây tường là 490.000 đồng/m3; cát vàng sàng hạt trung dùng xây tường chở xe là 680.000 đồng/m3.
Theo một chủ bến bãi lớn ở Hà Nội, giá cát tăng từng ngày. Nguyên nhân đẩy giá cát sông lên cao chủ yếu do hiện nay nguồn cát đang rất khan hiếm, hàng về bao nhiêu cũng hết sạch.
Trong khi đó, khảo sát tại một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định chúng tôi được chào bán cát vàng đổ bê tông với giá 500.000 – 680.000 đồng.m3.
Trong khi đó, tại TP HCM, giá cát san lấp, cát xây, trát ngang thị trường Hà Nội. Riêng cát vàng dùng để đổ bê tông cao hơn từ 10 -15% do nhu cầu sử dụng lớn.
Mức giá này, theo ông Vũ Đình Kiên, giám đốc CTCP Thiên Nam – doanh nghiệp chuyên về cát nhân tạo, đã bị thổi lên ít nhất từ vài ba lần sau khi qua ba, bốn khâu trung gian.
Không ngừng “đục khoét” lòng sông
Khi giá cát trên thị trường nóng lên từng ngày thì ở các dòng sông lớn, nạn khai thác cát trái phép cũng gia tăng. Không chỉ lén lút ở những con sông nhỏ mà cả sông lớn, dòng chảy huyết mạch như sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu, sông Đồng Nai, sông Lô… cũng bị “cát tặc” ngang nhiên gặm nhấm ngày đêm.
UBND tỉnh Quảng Ninh đang "siết" chặt việc sử dụng cát xây dựng trên địa bàn tỉnh. |
Nhiều tháng trở lại đây, khi giá cát đang sốt lên từng ngày cũng là lúc các phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Lô gia tăng việc vơ vét lòng sông dữ dội. Cả ngày lẫn đêm, hàng chục tàu hút, máy múc vẫn hoạt động huyên náo suốt một đoạn sông Lô dài khoảng 10 km (đoạn qua hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc). Dọc bãi bồi tại khu vực các xã Bình Bộ, An Đạo, Tử Đà dù chỉ chưa đầy 5 km nhưng có năm, bảy điểm tập trung các tàu cuốc, cẩu quang thản nhiên hoạt động.
Khoảng 9h sáng ngày 29/5, ngay giữa sông khu vực xã Bình Bộ có ít nhất 2 điểm với nhiều tàu cuốc đang hì hục vung gầu nạo cát. Chứng kiến cảnh các tàu cuốc thản nhiên cuốc cát giữa ban ngày, bà Ngô Thị Phương (47 tuổi, khu 10 Bình Bộ) lắc đầu ngao ngán: “Toàn là làm không phép cả đấy, vậy mà họ đâu có sợ ai...”.
Cách đó khoảng hơn cây số, đoạn sông qua xã An Đạo, nhiều tàu cuốc, tàu hút công suất lớn cũng đang tìm chỗ thọc vòi xuống lòng sông hút cát. Từ xa, thi thoảng lại nghe tiếng động cơ gầm rú hết công suất. Khi thấy người lạ xuất hiện, các tàu này lập tức dừng hút, chuyển qua sang tải như không có gì xảy ra.
Không chỉ sông Lô, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng (đoạn thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) đã trở thành vấn đề nhức nhối trong suốt thời gian qua. Điều đáng nói ở đây phần lớn các địa điểm khai thác cát trái phép trên có khoảng cách rất gần với trụ sở cơ quan chức năng và đó đều là những nơi dễ dàng phát hiện. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, những con tàu này vẫn ngang nhiên khai thác suốt một thời gian dài, không bị cơ quan nào phát hiện, bắt giữ, gây bức xúc dư luận.
Tình trạng khai thác cát một cách bừa bãi trái phép cũng được ghi nhận tại khu vực khu vực thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ghi nhận thực tế, nạn khai thác cát một cách bừa bãi đã khiến cho hàng trăm mét bờ xôi ruộng mật chạy dài của người dân Đông Ngàn bị dòng sông Đuống "nuốt chửng". Người dân xót xa nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn trong bất lực bởi đất lở xuống sông thì không thể cứu vãn được.
Trên sông Chu, tại khu vực bãi Soi, thuộc địa phận xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hoá (tỉnh Thanh Hóa), hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra ồ ạt, nhiều tàu thuyền công suất lớn hút cát xuyên đêm. Tình trạng này diễn ra suốt hơn 5 năm qua, người dân đã “kêu cứu” nhiều lần lên chính quyền địa phương nhưng rồi xã cũng bất lực trước nạn cát tặc hoành hành.
Thời gian gần đây, tình trạng khai thác và vận chuyển cát trái phép cũng đang diễn ra rầm rộ khiến các ngành chức năng ở đồng bằng sông Cửu Long phải tăng cường công tác kiểm tra, truy bắt.
Việc khai thác cát quá mức sẽ làm địa hình đáy sông thay đổi, từ đó làm dòng chảy của nước thay đổi. Không phải khai thác cát chỗ nào, chỗ đó sẽ sạt lở mà việc khai thác cát có thể ảnh hưởng tới vùng cách nơi khai thác 5 - 10km, thậm chí xa hơn.
Theo tính toán, trữ lượng cát của cả nước chỉ có khoảng hơn 2 tỷ m3. Nếu sử dụng cát như hiện nay thì đến 2020, nước ta sẽ không còn cát để đáp ứng nhu cầu xây dựng.
Tràn lan cát không rõ nguồn gốc
Những ngày qua, hàng trăm ngàn m3 cát không rõ nguồn gốc đã được phát hiện trên phạm vi cả nước đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý chất lượng vật liệu xây dựng đầu vào cũng như tài nguyên khoáng sản.
Theo đó, ngày 10/6, Phòng PC68 và PC49 Công an TP Cần Thơ, tiến hành kiểm tra 11 phương tiện, phát hiện 2 phương tiện vận chuyển cát không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Trước đó, ngày 5/6, Công an TP Cần Thơ phát hiện sà lan số hiệu CT-08299, do tài công Nguyễn Văn Sinh (37 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) điều khiển chở 300m3 cát, xuất trình hóa đơn GTGT có nhiều dấu hiệu bất hợp pháp, nghi là giả. Do đó, ngành chức năng đã tiến hành tạm giữ phương tiện tịch thu 300m3 cát để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trong khi đó, tại Quảng Ninh, ngày 30/5, lực lượng hải quan phát hiện tàu vận chuyển hơn 547 m3 cát không rõ nguồn gốc trên vùng biển Hạ Long, Quảng Ninh. Cụ thể, qua kiểm tra, khám xét tàu TB - 1991 (công suất máy 450CV, trọng tải 916 tấn) do ông Hoàng Duy Thương là chủ, lực lượng chức năng phát hiện tàu vận chuyển 547,68 m3 cát xây dựng không có nguồn gốc hợp pháp.
Lực lượng chức năng thu giữ hàng hóa vi phạm và tạm giữ phương tiện, tang vật chờ xử lý theo quy định.
Không nghiệm thu công trình xây bằng... cát lậu
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng cát nghiền nhân tạo, hạn chế khai thác và sử dụng cát tự nhiên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo theo thẩm quyền như sau:
Các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng cường sử dụng cát nhân tạo, kiên quyết không nghiệm thu công trình đối với trường hợp cát không có nguồn gốc hợp pháp hoặc sử dụng cát tự nhiên với giá cao hơn cát nghiền tại thời điểm theo thông báo giá của Sở Xây dựng.
Các sở ngành tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích để sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên vào các công trình xây dựng ngay từ công tác thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình và thanh quyết toán.
\'Cát tặc\' lộng hành ở miền Tây Thời gian gần đây, tình trạng khai thác và vận chuyển cát trái phép đang diễn ra rầm rộ khiến các ngành chức năng ở ... |
Còn hút cát trái phép, Chủ tịch UBND xã ở Thanh Hóa hứa từ chức Trước việc người dân nghi ngờ cán bộ xã đã “làm luật”, tiếp tay cho cát tặc, ông Lê Thế Ký - Chủ tịch UBND ... |