Nhiều ý kiến cho rằng giá dầu thô thế giới gần đây nhiều biến động sẽ tác động đến giá xăng trong nước tại kỳ điều hành tới.
Theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, 11/3 là ngày điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do rơi vào ngày nghỉ nên nhiều khả năng kỳ điều hành giá mới có thể sẽ được dời sang đầu tuần sau là ngày 13/3.
Giá xăng dầu trong nước khó giảm sâu trong kỳ điều hành tới. (Ảnh minh họa)
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương đến ngày 6/3 cho thấy giá xăng trên thị trường Singapore tăng tương đối mạnh so với kỳ điều hành ngày 1/3. Theo đó, bình quân mỗi thùng xăng RON 92 có giá là 96,2 USD, xăng RON 95 là 100 USD/thùng. Tương tự, giá dầu hỏa và dầu diesel cũng cùng xu hướng đi lên.
Trong khi đó, ở kỳ điều hành ngày 1/3, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trước điều chỉnh là 94,182 USD/thùng xăng RON92 và 97,928 USD/thùng xăng RON95.
Tuy nhiên, lúc 6h ngày 10/3, giá dầu Brent trên thị trường thế giới được giao dịch ở mức 81,59 USD/thùng, giảm 1,07 USD, tương ứng giảm 1,29%; dầu WTI giao dịch mức 75,45 USD/thùng, giảm 0,27 USD, tương đương giảm 1,29%.
Chia sẻ với VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá dầu thế giới gần đây diễn biến thất thường, nhưng xu hướng chung vẫn là tăng nhẹ. Do đó, vị này dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 11/3 có thể tăng nhẹ theo xu hướng giá thế giới. Tuy vậy, giá bán lẻ trong nước còn phụ thuộc nhiều yếu tố như diễn biến giá của thị trường thế giới trong phiên cuối tuần, điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu...
"Trường hợp nếu cơ quan quản lý không trích lập hoặc chi quỹ bình ổn và giá dầu thế giới tiếp đà giảm sâu, giá xăng có thể tiếp tục giảm hoặc đi ngang", vị này nói.
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 1/3, giá xăng E5 RON 92 giảm 120 đồng, xuống 22.420 đồng/lít; RON 95 giảm 120 đồng, xuống 23.320 đồng/lít. Tính từ đầu năm, mặt hàng này đã trải qua 7 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 lần tăng, 2 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
"Bộ Công Thương cho biết trong 2 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu nằm trong số những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, trong 2 tháng vừa qua, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 1,92 triệu tấn xăng dầu, với tổng giá trị 1,7 tỷ USD, tăng 56,3%.
Hàn Quốc, Singapore và Malaysia vẫn là những thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam.
Nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước trong năm 2023, Bộ Công Thương đã phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với 2022".