Việc trích lập quỹ bình ổn cao trong ba kỳ điều hành gần đây khiến đà giảm giá xăng xuống 20.000 đồng/lít bị chặn lại.

Từ 15h ngày 12/12, giá xăng E5 RON92 giảm 1.330 đồng/lít, bán ra ở mức 20.340 đồng/lít; giá xăng RON95 giảm 1.500 đồng/lít, bán ra ở mức 21.200 đồng/lít. 

Giá xăng sẽ thế nào nếu không trích quỹ bình ổn? - 1

Việc tiếp tục trích lập quỹ bình ổn ở kỳ điều chỉnh ngày 12/12 khiến giá xăng trong nước mất cơ hội giảm sâu. (Ảnh minh họa)

Với mức giảm sâu tại kỳ điều hành này, giá xăng đã về mức thấp nhất từ tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giá mặt hàng này còn có thể giảm hơn nữa, xuống dưới 20.000 đồng/lít nếu nhà điều hành không trích lập quỹ bình ổn giá.

Cụ thể, ở lần điều chỉnh giá gần nhất, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục tiến hành trích lập quỹ bình ổn ở mức cao 300 đồng/lít với xăng E5 RON92, mức 400 đồng/lít với xăng RON95 và 800 đồng/lít với dầu diesel.

Hay tại hai kỳ điều hành trước đó, cơ quan điều hành lần lượt trích lập quỹ bình ổn với xăng E5 RON92 mức 300 đồng/lít và 250 đồng/lít, xăng RON95 mức 400 đồng/lít và 200 đồng/lít, dầu diesel mức 700 đồng/lít và 300 đồng/lít.

Tính chung cả 3 lần giảm giá liên tiếp, cơ quan điều hành đã trích tới 950 đồng/lít với xăng E5 RON92, trích 1.000 đồng với RON95 và trích 1.800 đồng với dầu diesel. Như vậy, nếu không tiến hành trích lập, giá xăng đã có thể giảm về dưới 20.000 đồng/lít.

Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 1/12, Petrolimex dương 1.414 tỷ đồng, PVOil âm 679 tỷ đồng, Saigon Petro 271 tỷ đồng, Petimex là 333 tỷ đồng...

Liên quan đến quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính và nhiều chuyên gia kinh tế trước đó đã đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng quỹ BOG để xăng dầu được hoạt động theo cơ chế thị trường. Theo đó, nhiều người kỳ vọng việc bỏ quỹ BOG sẽ giúp nâng cao tính minh bạch công khai trong điều hành giá, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối. 

Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi đang lấy ý kiến mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng, dầu và điều tiết theo giá thị trường. Sau khi bỏ quỹ BOG, nếu giá xăng dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước kiểm tra yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng hóa tồn kho, kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định...

Trả lời báo chí trước đó về đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng cần phải tính toán, nếu bỏ quỹ này thì phải có biện pháp khác thay thế.

"Tôi đã nhiều lần muốn bỏ quỹ này nhưng vấn đề nếu bỏ thì giá xăng sẽ tăng sốc. Quan trọng là đưa ra chính sách phải đảm bảo tính khả thi và tác động thực sự đến người dân, doanh nghiệp và kinh tế vĩ mô", ông Hải nói.

https://vtc.vn/gia-xang-se-the-nao-neu-khong-trich-quy-binh-on-ar720327.html

Hòa Bình / VTC News